pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Bác Tô Hoài - Thản nhiên như nước"
Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2020)
Sáng 25/9, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, NXB Kim Đồng đã tổ chức tọa đàm Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi, thu hút sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học, các nhà sư phạm... khắp mọi miền đất nước. Đây cũng là nơi các chuyên gia trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, góc nhìn mới về cuộc đời, sự nghiệp của nhà văn Tô Hoài.
Nhà thơ Vũ Quần Phương: "Tô Hoài như cuốn từ điển sống về nhiều sự kiện văn học và xã hội"
Nhà thơ Vũ Quần Phương dành nhiều sự trân trọng, nể phục với đàn anh: "Ông là người có khối lượng tác phẩm đồ sộ nhất trong các nhà văn Việt Nam. Vậy mà ông lại đảm đương nhiều loại công việc và nhiều loại chức vụ từ tổ trưởng khu phố đến Đại biểu Quốc hội và cũng cứ suôn sẻ.
Làm cách nào để ôm đồm thế mà vẫn đâu vào đấy là một bí quyết của Tô Hoài. Phân tích được cũng là điều lý thú. Giao thiệp rất rộng, bạn thân thiết với các cô gái H'Mông lẫn các bạn văn Âu Mỹ. Đi từ Á sang Âu, lan man sang châu Mỹ, châu Phi. Ít có nhà văn nào được đi quốc tế nhiều như ông. Có cuốn truyện ông viết ở nước ngoài, vừa đi vừa viết. Ấy vậy mà mọi chuyện lớn chuyện nhỏ ở quê nhà Nghĩa Đô, ở kẻ Bưởi, ở kinh kỳ ông đều tường tận. Ông có thể viết về con bồ nông Xamacan, lại có thể kể tỉ mỉ về chuyện móc cống Hà Nội thời Pháp thuộc, chuyện "đi bụi" thời kinh tế thị trường. Ông kể chuyện loài vật với đầy đủ tập tính của nó nhưng lại bộc lộ sắc nét tính cách những loại người.
Tôi có cảm tưởng chuyện gì ông cũng biết, từ chuyện ái tình của các nhà văn đến lai lịch một đoạn phố, một ngôi chùa. Trí nhớ tuyệt vời, quan sát tinh vi, lại có lối diễn đạt mộc, hóm. Tô Hoài như cuốn từ điển sống về nhiều sự kiện văn học và xã hội.
Nhà văn Phong Điệp: "Ông chưa một lần chậm trễ hay thất hứa"
Nhà văn Phong Điệp nhớ lại chuyện vào khoảng năm 2000, khi chị được BBT báo Văn nghệ Trẻ phân công hàng tuần đi nhận các bài viết của nhà văn Tô Hoài cho chuyên mục liên quan đến "bếp núc văn chương" trên báo. Khi được giao nhiệm vụ, một phóng viên trẻ mới vào nghề như chị không khỏi e dè. Thế nhưng, trái với sự lo ngại của chị, việc đến nhà và được làm việc cùng nhà văn Tô Hoài lại rất dễ chịu.
"Ông có phong thái khoan thai, điềm đạm, vẻ mặt hiền hậu, cách nói chuyện từ tốn, nhẹ nhàng. Không hiểu sao khi ngồi với ông, tôi có cảm giác như thể ông là một người thân trong gia đình. Đặc biệt, đối với công việc, ông rất chuẩn chỉ, nghiêm túc và đúng hẹn. Điều này với các tờ báo rất quan trọng.
Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại tỉnh Hà Đông cũ (nay là Hà Nội), bút danh của ông gắn với 2 địa danh là sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức. Ông được coi là một trong những cây đại thụ của nền văn học Việt Nam hiện đại với gần 200 tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận, kinh nghiệm sáng tác… Năm 1996, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Ông qua đời năm 2014, thọ 94 tuổi.
Cộng tác với Văn nghệ Trẻ có một số nhà văn thường phải gọi, giục khá nhiều lần mới có được bài viết mà tòa soạn đã đặt. Thậm chí có nhà văn lúc tòa soạn gọi điện thì cam kết sống chết là bài đã viết xong, đang cho người mang đến, do đó bộ phận trực kỹ thuật dàn trang chờ sẵn, đợi có bài sẽ đổ chữ vào phần "đất" chờ, nhưng rồi đến phút 89 nhà văn kia mới thú nhận là chưa viết được chữ nào! Chỉ khổ biên tập viên lúc ấy cuống cuồng tìm bài khác để thay thế. Lại có nhà văn say mê quá dài, theo kiểu trường thiên hồi ký trong khi chuyên mục chỉ cho phép 1.000 chữ nên tòa soạn xử lý khá vất vả.
Thế nhưng nhà văn Tô Hoài chưa một lần chậm trễ hay thất hứa. Bài đặt hàng ông đã nhận là chắc chắn ông sẽ viết, nộp đúng hẹn, thực hiện đúng yêu cầu. Vì thế công việc làm "người liên lạc" của tôi khi đó rất nhàn. Cứ đúng ngày, đúng giờ ông dặn, tôi chỉ việc qua nhà, nhận "sản phẩm". Lần nào cũng như lần nào, ông trịnh trọng trao cho tôi bản thảo được viết nắn nót trên những trang giấy mầu vàng ngà không có dòng kẻ nhưng chữ ngay ngắn và rất thẳng hàng. Tôi vẫn nhớ chữ ông khá nhỏ, các nét viết mộc mạc, dễ nhìn và đặc biệt rất ít khi gạch xóa".
Nhà văn Hồ Anh Thái: "Bác Tô Hoài - Thản nhiên như nước"
Tác giả cuốn tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế cho biết, anh thường gọi Tô Hoài là "bác Tô Hoài" chứ không phải "ông Tô Hoài" hay "nhà văn Tô Hoài". Anh đặc biệt ấn tượng với lối nói năng hóm hỉnh, nhẹ nhàng và đặc biệt là không bao giờ nóng nảy, cãi cọ với ai.
Nhà văn Hồ Anh Thái chia sẻ: "Có người ví thái độ sống của Tô Hoài là thản nhiên như nước. Dòng chảy tự nhiên có thể là sức nước đẩy thuyền, là nước chảy đá mòn, nước cũng là môi trường đón nhận và thanh lọc mọi thứ. Hầu như ai đặt bài là viết, không ngại dăm ba bài báo vặt làm hư hại uy tín. Không ngại nhận việc này việc khác bị người ta kêu là tham. Không ngại. Nước đón nhận mọi thứ, rửa sạch mọi thứ trong lòng nó.
Vấn đề là ở chỗ phải tu luyện như thế nào để có thể trở thành nước.
Phải là nước thì mới có thể theo dòng lên thác xuống ghềnh như thế. Không phải là bác đã vô trùng miễn nhiễm được giữa thời cuộc, nhưng duy trì được việc viết, và viết có chất lượng, đấy là cách tốt nhất thể hiện đạo đức của nghề".
Nhiều ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài
Với 21 ấn phẩm cả ra mắt lần đầu và tái bản hình thức mới, loạt sách kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài của NXB Kim Đồng mang đến cho độc giả một góc nhìn toàn diện và mới mẻ về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài. Trong đó, phải kể đến bộ Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi của Tô Hoài gồm 4 cuốn (Truyện đồng thoại - Kịch; Truyện sinh hoạt, Truyện các gương anh hùng cách mạng, Chuyện ngày xưa - Một trăm cổ tích), tập ký sự văn hóa Chuyện cũ Hà Nội, cuốn hồi ký Tự truyện… và đặc biệt là tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký với 12 ấn bản khác nhau.
Đầu tiên, phải kể đến 2 ấn phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được thiết kế, in ấn công phu, với số lượng in hạn chế 500 bản dành cho độc giả muốn sưu tầm sách. Đó là cuốn song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, dịch giả Đặng Thế Bính và cuốn sách bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long.
Tiếp theo là ấn phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa, cuốn truyện tranh hiện đại Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu. Cũng nhân dịp này, lần đầu tiên, độc giả Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận với hai ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký đã từng xuất bản tại Thuỵ Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.
Ngoài ra, độc giả cũng sẽ gặp lại Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt-Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản Dế Mèn phiêu lưu ký minh họa lần đầu năm 1959 của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, cùng ba ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký khác của họa sĩ Tạ Huy Long.