pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Rất đỗi tự hào về sức lan tỏa của ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung và ca sĩ Nguyễn Duyên Quỳnh
Chia sẻ với PNVN, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói đây là "niềm vui lớn nhất, niềm tự hào nhất trong suốt 23 năm sáng tác".
"Duyên lành" với âm nhạc
+ Với hơn 2 tỷ lượt xem trên mạng xã hội, ca khúc "Viết tiếp những câu chuyện hòa bình" đã trở thành tác phẩm được lan tỏa mạnh mẽ nhất trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Khi sáng tác ca khúc này, chắc hẳn anh không nghĩ mình giành được thành công lớn tới vậy?
Đúng vậy. Khi vừa hoàn thành ca khúc, cả tôi và Duyên Quỳnh đều không nghĩ rằng có một ngày tác phẩm tạo nên hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ đến thế. Thực lòng mà nói, tôi không kỳ vọng một album mang chủ đề quê hương, đất nước lại được khán giả trẻ đón nhận nồng nhiệt, bởi suốt một thời gian dài, công chúng (đặc biệt là giới trẻ) thường dành sự quan tâm nhiều hơn cho các ca khúc viết về tình yêu hoặc mang tiết tấu hiện đại, sôi động.

Ca sĩ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm thể hiện "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" trong phần văn nghệ mở màn Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào sáng 30/4 - Ảnh chụp màn hình
Việc thực hiện album với Duyên Quỳnh là cách để tôi tự thử thách bản thân với đề tài quê hương, đất nước - một mảng đề tài mà trước đây tôi ít khai thác, sau khi đã có những dấu ấn nhất định ở các chủ đề khác như tình yêu, gia đình hay thiếu nhi. Còn Duyên Quỳnh - em mong muốn làm một sản phẩm âm nhạc để tri ân cha mình - một cựu chiến binh cùng những đồng đội của ông. Từ sự đồng cảm đó, hai anh em đã quyết định cùng nhau thực hiện tác phẩm.
Chúng tôi cứ thế làm với tâm thế vô tư, xuất phát từ sự cống hiến và tình cảm chân thành, còn việc tác phẩm được ghi nhận đến đâu, lan tỏa thế nào, với chúng tôi, đó tùy thuộc sự may mắn và duyên lành với âm nhạc.
+ Anh từng nói khi sáng tác ca khúc, anh luôn gửi gắm đó cảm xúc thật của mình. Vậy đâu là nguồn cảm hứng để anh viết nên một ca khúc đẹp cả ở giai điệu và ca từ về đề tài hòa bình và lịch sử dân tộc?
Tôi viết ca khúc này bắt nguồn từ những trải nghiệm trong các chuyến đi về nguồn mà tôi tham gia với vai trò là hội viên Hội Âm nhạc TPHCM. Tại đó, tôi cũng tích cực hưởng ứng các cuộc vận động sáng tác về chủ đề Bác Hồ, quê hương, đất nước và những người lính nơi đầu sóng ngọn gió. Chính trong hành trình như vậy, tôi đã có phút lặng người khi đứng trước đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công, những ngôi mộ liệt sĩ vô danh, di tích nhà tù Phú Quốc… Tôi cũng tự hào, biết ơn trong khoảnh khắc xem lại những thước phim tư liệu về hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ, các vị tướng nổi danh của dân tộc…
Đứng trước một quá khứ hào hùng, tôi thường tưởng tượng về những người trẻ của một thời đã qua - họ từng sống, từng mơ ước, và rồi đã dâng trọn tuổi thanh xuân, thậm chí cả mạng sống cho lý tưởng độc lập dân tộc. Tôi luôn mang theo những xúc cảm đó trong lòng. Tới một thời điểm, khi mong muốn viết nên một ca khúc tri ân cha ông đã ngã xuống vì Tổ quốc trào dâng, tôi đã quay lại với chính những cảm xúc khi đó, để viết nên tác phẩm này.
Nửa phần sau của ca khúc chính là khát khao của tôi - từ lòng biết ơn, tôi muốn lan tỏa những điều tốt đẹp hơn. Từ đó, chúng ta sống xứng đáng với sự hy sinh mà thế hệ cha ông mang lại, để Tổ quốc có được nền độc lập, tự do hôm nay..
Còn một cảm xúc rất đặc biệt nữa mà tôi tin hầu hết người Việt Nam đều từng trải qua - đó là ký ức về sáng thứ Hai đầu tuần trong suốt 12 năm học. Khi chúng ta đứng nghiêm trang chào cờ, cất vang giai điệu ca khúc Quốc ca, ngước nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ánh nắng sớm. Với tôi, đó là hình ảnh đẹp đẽ, thiêng liêng và mang tính biểu tượng. Tôi đã đưa hình ảnh ấy vào phần kết của ca khúc như một điểm nhấn cảm xúc. Thật không ngờ, cụm từ "tung bay phấp phới" mà tôi sử dụng lại trùng hợp một cách kỳ diệu với lời trong bản tin chiến thắng lịch sử mà cô Tuyết Mai đã đọc vào ngày 30/4/1975. Sự trùng hợp này khiến tôi xúc động, cảm thấy như có một sợi dây vô hình kết nối giữa hiện tại và quá khứ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung
+ Anh có thể chia sẻ kỷ niệm hay khoảnh khắc đặc biệt nào trong quá trình sáng tác hoặc thu âm ca khúc này?
Thú thật, tôi không nhớ nhiều về quá trình sáng tác bởi khi ấy tập trung hoàn toàn vào cảm xúc - trong lòng có gì là lôi ra hết. Tôi vốn hay quan sát, lặng lẽ ghi nhớ mọi điều xung quanh và cất giữ trong tim. Đến khi cảm xúc đủ đầy, tôi mới ngồi xuống viết.
Còn Duyên Quỳnh có kể lại với tôi rằng em đã thu âm ca khúc này tới 5 lần. Lý do là vì cứ mỗi lần hát đến câu "Xin tri ân những người chiến sĩ quên đi niềm riêng quên đi cả bản thân mình", em lại không cầm được nước mắt. Quỳnh nói rằng khi ấy, em nhớ đến hình ảnh bố, người cựu chiến binh từng dắt em tham gia những sự kiện cùng các đồng đội cũ. Tại đó, em thấy những người thương binh đã mất một cánh tay, cả đôi chân, có người vẫn còn mang trên mình vết sẹo của bom đạn. Hình ảnh đó in sâu trong tâm trí, khiến mỗi lần cất giọng tới đó, em lại bật khóc.
Duyên Quỳnh là người giữ lửa cho "Viết tiếp câu chuyện hòa bình"
+ Theo anh, yếu tố nào đã khiến "Viết tiếp những câu chuyện hòa bình" chạm vào trái tim khán giả nhiều thế hệ, đặc biệt là thế hệ Gen Z?
Là một nhạc sĩ đã có những kinh nghiệm sáng tác, tôi cho rằng thành công của một ca khúc này tổng hợp bởi rất nhiều yếu tố. Trước hết, nó hát bởi Duyên Quỳnh - một ca sĩ rất yêu bài hát này, nắn nót tới từng câu chữ trong bản thu. Hết lòng với bài hát, khi mới phát hành, bạn sẵn sàng nhờ mọi người lan tỏa, sẵn sàng hát tại những chương trình mà không nhận cát-xê, hoặc cát-xê rất thấp, miễn là ca khúc vang lên. Bạn ấy kiên trì như vậy suốt hơn một năm, và đến khi ca khúc viral, Quỳnh vẫn chọn những sân khấu dã chiến, phục vụ quần chúng. Quỳnh không bao giờ từ chối những sân khấu như vậy khi có thời gian. Quỳnh chính là người đã giữ lửa cho "Viết tiếp câu chuyện hòa bình". Tới khi một bạn producer rất trẻ remix ca khúc này, thành một phiên bản sôi động, nhanh hơn, chỉ có 45 giây, phù hợp với gen Z và giúp ca khúc lan tỏa vô cùng mạnh mẽ. Đó là mốc đặc biệt giúp ca khúc bùng nổ mạnh mẽ trên mạng xã hội.

"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" với sự kết hợp của Nguyễn Văn Chung - Nguyễn Duyên Quỳnh lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng số
+ Trong bối cảnh giới trẻ ngày nay tiếp cận lịch sử dễ dàng hơn qua mạng xã hội và nghệ thuật (trong đó có âm nhạc), anh kỳ vọng ca khúc này sẽ giúp họ nhìn nhận Ngày 30/4 cũng như giá trị của hòa bình, thống nhất như thế nào?
Với tôi, nghệ thuật là một phương tiện vô cùng hiệu quả để khơi gợi tình yêu nước, gìn giữ những giá trị truyền thống, lịch sử, nuôi dưỡng những phẩm chất sống tốt đẹp mà mỗi con người nên có. Âm nhạc là chất xúc tác kỳ diệu, bởi mỗi tác phẩm không cần quá dài, nhưng nếu đủ hay, chân thành và xúc động sẽ chạm tới trái tim con người, từ đó làm nảy mầm những cảm xúc tích cực, nhân văn.
Tôi luôn kỳ vọng ca khúc của mình có thể phần nào giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những hy sinh to lớn mà ông cha ta đã trải qua. Khi đã hiểu, họ sẽ có lòng biết ơn và từ lòng biết ơn ấy sẽ hình thành khát khao được sống tốt hơn, sống đẹp hơn, cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc - xứng đáng với nền hòa bình mà họ đang thụ hưởng hôm nay.
+ Sau các bản "hit" cả về đề tài tình yêu, gia đình lẫn thiếu nhi, hiện tại anh lại tiếp tục thành công với một đề tài rất khó - đề tài quê hương đất nước. Anh nghĩ điều gì đã khiến mình chạm tới trái tim công chúng ở nhiều thể loại tới vậy?
Trước hết, tôi rất yêu và nghiêm túc với việc sáng tác. Với tôi, sáng tác không đơn thuần là một nghề mà là sự nghiệp, âm nhạc chính là thánh đường. Tôi luôn trân trọng âm nhạc và mong muốn được trao đi những giá trị đẹp đẽ, tích cực thông qua mỗi tác phẩm mình viết ra. Khi nhìn âm nhạc như một công trình nghệ thuật, tôi luôn cố gắng để mình có thể để lại dấu ấn rõ ràng, chân thành và có chiều sâu trong từng "công trình" ấy.
Tôi hiểu rằng thị trường âm nhạc hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với thế hệ trước. Không ít giá trị về nghệ thuật và nội dung đang bị xáo trộn. Có những đề tài tôi biết là khó chạm đến thị hiếu số đông hoặc khó thành công về mặt thị trường nhưng tôi vẫn lựa chọn làm. Bởi với tôi, đó là trách nhiệm - trách nhiệm của một người nghệ sĩ với sự nghiệp, với xã hội và với chính mình.
+ Cảm ơn những chia sẻ của anh!