Nhạc sĩ Phú Quang và nỗi ám ảnh trận bom rải thảm Hà Nội

18/12/2016 - 13:33
'Tôi nhìn thấy trên dây điện những bàn tay, những bàn chân treo lủng lẳng', nhạc sĩ Phú Quang vừa khóc vừa kể lại nỗi ám ảnh kinh hoàng của mình sau trận bom B52 trút xuống Hà Nội cách đây 44 năm.
quang-tuan.JPG
Nhạc sĩ Phú Quang và ca sĩ Hà Anh Tuấn hát "Em ơi Hà Nội phố" trong "Duyên dáng Việt Nam 28"

Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ trận bom B52 trút xuống Hà Nội suốt 12 ngày đêm (từ 18/12 đến 29/12/1972), song nhạc sĩ Phú Quang vẫn không thể nào quên được những tang thương của thời gian đó. Trong đêm nhạc Duyên dáng Việt Nam 28 diễn ra tại Hà Nội mới đây, ông đã chia sẻ với khán giả những ký ức khủng khiếp của mình.

Thời điểm B52 đổ xuống Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang là một chàng trai 23 tuổi. Nhà của ông ở số 49 phố Khâm Thiên - 1 trong 3 ngôi nhà bị tàn phá nặng nề nhất và đã được giữ lại làm chứng tích mãi mãi cho nỗi đau của người Hà Nội. “Mỗi lần trở về nơi này, tôi cứ thấy những vết thương trong ngực của mình chưa lành sẹo, đau đớn vô cùng. Sau này khi vào Sài Gòn, tôi nhớ Hà Nội rất nhiều, nhưng bao giờ nỗi nhớ sâu nhất trong tôi cũng chính là nỗi nhớ đau nhất. Đó chính là ký ức về tháng 12/1972”, ông nói.

“Khu phố Khâm Thiên lúc đó rất ít gia đình khá giả, phần lớn là người lao động sinh sống. Và họ đã bị bom giết chết rất nhiều! Tôi không quên được cảnh lúc mình chui ra khỏi hầm, nhìn cả một vùng từ đầu Khâm Thiên cho đến tận Đê La Thành chỉ còn một bãi đổ nát hoang tàn, thay vì những ngôi nhà xếp nối bên nhau là cả khoảng trắng khói bụi mênh mông”, nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào.

quang-2.JPG
Nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào khi nhớ lại ký ức kinh hoàng năm 1972

Nhạc sĩ lau nước mắt nói, ấn tượng khủng khiếp của ông là thấy trên dây điện những bàn tay, những bàn chân lủng liểng mắc ở đó. “Nhưng cái đó với tôi vẫn chưa kinh khủng bằng hình ảnh nỗi đau của bà cụ già gần 80 tuổi ở gần ngay sát nhà tôi. Các con của cụ đã mất hết, giờ còn 2 đứa cháu cũng bị giết bởi trận bom. Mãi mãi tôi không bao giờ quên hình ảnh cụ khi ra khỏi căn nhà, thấy xác cháu. Cụ không khóc, đứng im như một bức tượng. Con cháu của cụ đã chết hết rồi, chỉ còn cụ một mình trong cuộc đời…”.

Hình ảnh bà cụ, rồi những mảnh thi thể vương vãi cứ mãi ám ảnh nhạc sĩ Phú Quang… Đến khi vào Sài Gòn, gặp nhà thơ Phan Vũ, nghe nhà thơ đọc bài Em ơi Hà Nội phố, nhạc sĩ Phú Quang lại bật khóc. Ông thấy bài thơ đó như viết cho mình. 3 ngày sau, Phú Quang đã gọi Phan Vũ đến nhà mình cùng nghe ca khúc Em ơi Hà Nội phố do ông phổ nhạc từ một đoạn trong bài thơ cùng tên của Phan Vũ.

“Lần đầu tiên nghe tôi hát, anh Phan Vũ bảo cảm ơn tôi rất nhiều vì đã làm linh thiêng bài thơ. Tôi nói với anh rằng, tôi viết ca khúc với tâm trạng thật của mình. Bởi với tôi, điều ám ảnh nhất về Hà Nội chính là sự đau đớn, xót xa”, nhạc sĩ tâm sự.

* Nghe bài hát "Em ơi Hà Nội phố" của nhạc sĩ Phú Quang - thơ Phan Vũ qua tiếng hát Bằng Kiều

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm