Nhạc sĩ Quốc Trung: “Tôi không thấy mình già cỗi”

Bảo Minh (Thực hiện)
18/03/2022 - 11:00
Nhạc sĩ Quốc Trung: “Tôi không thấy mình già cỗi”

Nhạc sĩ Quốc Trung

“Tôi không xuất hiện nhiều trên truyền thông nhưng luôn làm việc và nghiên cứu chăm chỉ. Khi mình hoạt động như vậy, tư duy sẽ đáp ứng theo và khiến mình không cằn cỗi” - nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.

Truyền hình thực tế không giúp gì nhiều cho âm nhạc

+ Hai năm vừa qua, làng nhạc Việt xuất hiện nhiều gương mặt mới với cá tính âm nhạc riêng biệt. Trong số đó, gương mặt nào gây ấn tượng với anh?

- Thời gian qua, tôi tập trung vào sản phẩm cá nhân và gần như không xem tivi, nên thú thực số nghệ sĩ mới tôi biết tới không quá nhiều. Khi làm việc cho dự án "Round Asean - Korea Music Festival" (Liên hoan âm nhạc khu vực Đông Nam Á - Hàn Quốc) mới đây, tôi có giới thiệu 4 gương mặt trẻ cho phía Hàn Quốc, và sau đó họ lựa chọn Mỹ Anh. Dễ thấy, trong năm vừa rồi, Mỹ Anh nổi bật với những hoạt động ấn tượng cùng tần suất xuất hiện dày đặc. Thế nhưng, bên cạnh đó, cũng có rất nhiều gương mặt ấn tượng khác.

Cá nhân tôi thích Mạc Mai Sương, một nghệ sĩ hát nhạc Indie và cũng chưa tham gia nhiều vào các hoạt động showbiz. Tôi nhìn thấy cô gái này có tư chất nghệ sĩ, giọng hát hấp dẫn và giàu nội lực.

+ Theo anh, sự xuất hiện của những gương mặt như Mỹ Anh, Mạc Mai Sương, Marzuz… có phải là tín hiệu lạc quan cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam hay không?

- Nói lạc quan tôi e còn khá sớm. Tôi nghĩ sự khác biệt hiện tại chỉ là trong những năm gần đây, chúng ta đang có xu hướng nói nhiều về những nghệ sĩ thuộc thế hệ gen Z. Đương nhiên, họ đang tạo ra một xu hướng âm nhạc tương đối cởi mở và hợp thời, đi theo xu thế của thời đại. Thế nhưng, vẫn còn một khoảng cách khá xa giữa thế hệ nghệ sĩ trẻ của Việt Nam với thế giới mà chúng ta cần rất nhiều nỗ lực để thu hẹp.

+ Liệu các show truyền hình thực tế cũng như sự phát triển của Youtube có giúp gì cho sự phát triển của đời sống âm nhạc tại Việt Nam, thưa anh?

- Truyền hình thực tế không giúp gì nhiều cho lĩnh vực âm nhạc. Ngay tại nước ngoài, các gameshow cũng thoái trào, dần trở nên nhạt nhẽo, thiếu sức hấp dẫn. Ở Việt Nam, văn hóa tivi vẫn còn đang rất mạnh, nhiều bạn trẻ được khán giả biết tới khi xuất hiện đều đặn trên truyền hình. Thế nhưng, tivi đôi khi lại là mặt trái của showbiz, khi mà khán giả bắt gặp một nghệ sĩ quá nhiều và không còn muốn tới show xem anh ta biểu diễn trên sân khấu.

Youtube cũng tích cực ở một khía cạnh nào đó, khi nó giúp nghệ sĩ quảng bá hình ảnh tới công chúng một cách dễ dàng hơn. Thế nhưng, đừng bao giờ lẫn lộn khán giả trên Youtube với khán giả ngoài đời. Một nghệ sĩ có một triệu view trên Youtube không có nghĩa là anh ta bán được 1.000 vé ở concert, chưa nói tới 10.000 vé…

Nhạc sĩ Quốc Trung: “Tôi không thấy mình già cỗi” - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Quốc Trung

Ít tham gia showbiz không có nghĩa tôi dừng lại

+ Thời gian gần đây, anh ít xuất hiện trên truyền thông. Dường như anh đang theo đuổi một dự án mới?

- Đúng vậy, tôi đang tìm thấy hứng thú trong những dự định mới về nhạc điện tử. Đây là lĩnh vực mang lại nhiều cảm hứng nhưng lại tốn thời gian. Tôi phải mày mò học tập, dịch sách, nghiên cứu như nhà khoa học trong một phòng thí nghiệm.

Sau hơn 30 năm làm nhạc, anh có khi nào thấy mình đã trở thành một nhà khoa học già cỗi?

- Tôi là người tôn thờ sự sáng tạo. Tôi thường nghĩ tôi phải là người chán tôi đầu tiên, trước khi để người khác chán. Nhìn lại chặng đường đã qua, tôi chưa bao giờ dừng thay đổi, từ khi còn gắn bó với ban nhạc Phương Đông, tới lúc đồng hành cùng Thanh Lam, hay cho đến khi ra mắt album "Đường xa vạn dặm". Hiện tại, tôi rút lui và không còn tham gia nhiều vào showbiz, nhưng không có nghĩa là tôi dừng lại.

Tôi làm việc và nghiên cứu chăm chỉ mỗi ngày. Khi mình hoạt động như vậy, tư duy sẽ đáp ứng theo và khiến mình không cằn cỗi. Đương nhiên cũng phải tỉnh táo và không nên ảo tưởng, phải cảm nhận và kiểm tra xem mình đang lạc hậu hay không, mình bị chững lại ở việc gì.

Có lần ra nước ngoài, tôi chứng kiến Paul McCartney ở tuổi 72 vẫn đứng hát 3 tiếng đồng hồ trên sân khấu. Tôi cũng mong muốn ở tuổi 70, 80, mình vẫn có thể làm nghệ thuật.

Nhạc sĩ Quốc Trung sinh năm 1966, anh là con trai duy nhất của NSND Trung Kiên và ca sĩ - giảng viên Thanh Nga. Quốc Trung sớm có được nền tảng âm nhạc vững chắc, được đào tạo tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) rồi tu nghiệp tại châu Âu. Trở về Việt Nam vào năm 1991, anh thành lập nên ban nhạc Phương Đông, gặt hái được nhiều thành công trên sân khấu Thủ đô với đỉnh cao là giải Nhất tại Liên hoan Các ban nhạc nhẹ toàn quốc lần đầu tiên.

Năm 1991, Quốc Trung bắt đầu cộng tác với ca sĩ Thanh Lam, sản xuất nhiều chương trình lớn và đưa Thanh Lam trở thành diva đầu tiên của công chúng. Quốc Trung từng giành được 11 đề cử và 1 giải Cống hiến.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm