pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Nhân dân kỳ vọng vào các quyết sách mới của Đại hội để phát triển đất nước bền vững!”
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Đoàn Chủ tịch đọc Diễn văn khai mạc Đại hội. Ảnh: TTXVN
Tham dự lễ khai mạc Đại hội có: Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; đại diện Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu; các đại sứ, đại biện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, cùng 1.587 đại biểu có mặt.
Tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội có các Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch; Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Phó Trưởng bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII Hoàng Trung Hải và đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Đọc diễn văn khai mạc Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đại hội Đảng lần thứ XIII diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thời cơ và thách thức đan xen. Cán bộ, nhân dân mong muốn và đặt nhiều kỳ vọng vào các quyết sách của Đại hội để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Phương châm của Đại hội là "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và mục tiêu đi tới của dân tộc, dân giàu nước mạnh, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Với quan điểm nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật, Thủ tướng cho biết Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Đồng thời, Đại hội kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, xác định phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới; đánh giá việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XII.
"Đặc biệt, bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII gồm những người tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực cách mạng để thực hiện những nhiệm vụ nặng nề mà Đảng và nhân dân giao phó", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đại hội XIII thể hiện bản lĩnh và ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam. "Với khát vọng mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nhất định sẽ lập nên những kỳ tích mới" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Theo chương trình, sau lễ khai mạc, Đại hội sẽ nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định tầm nhìn xa hơn đến giữa thế kỷ XXI, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặt ra mục tiêu và nhiệm vụ cụ thể phải hoàn thành cho mỗi chặng đường; thể hiện rõ tính kế thừa và phát triển, tính liên tục và hoàn chỉnh trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Các mục tiêu nêu cụ thể hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.