pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhân Ngày Quốc tế nam giới (19/11): Nói với con trai về chuẩn đàn ông năm 2024
Ảnh minh họa
Phải đến ngày 13/1/2024, chàng trai của bố mới tròn 18 tuổi, trở thành một người đàn ông thực thụ chứ không còn là cậu nhóc nữa. Nhưng nhân Ngày Quốc tế nam giới (19/11), bố viết sớm cho con, về chuẩn đàn ông năm 2024 đặng để cậu chuẩn bị nhé!
Đàn ông năm 2024 có khác gì đàn ông thế hệ trước? Khác lắm! Đàn ông năm 2024 không cần nắm đấm để phân thứ hạng đâu. Sức mạnh của đàn ông năm 2024 nằm ở lời hứa và trách nhiệm của anh ta với cuộc đời anh ta, với những người thân của anh ta và cao hơn, với xã hội mà chúng ta đang sống.
Trách nhiệm của một người đàn ông chẳng phải là thứ trách nhiệm gánh vác sơn hà xã tắc trên vai. Lại càng không phải "đàn ông phải thế này, đàn ông phải thế nọ". Trách nhiệm của người đàn ông mà bố mong muốn ở con đó là trách nhiệm với những gì mình nói ra, trách nhiệm với những gì mình được giao và cả những gì mình quản nó.
Trách nhiệm để không nói ra thứ mình không chắc chắn làm được. Trách nhiệm để không từ chối những gì mình làm được. Trách nhiệm để bảo vệ cô gái mà mình đã nói yêu thương. Trách nhiệm để gìn giữ gia đình.
Trách nhiệm với những tài sản mình đang có, đang quản, bao gồm cả lòng tin mà mọi người đã dành cho mình.
Bố vẫn tin rằng, đàn ông trưởng thành theo độ lớn của trách nhiệm anh ta nắm giữ. Ngày bố bằng tuổi cậu, thật lòng thì, bố vẫn chưa có được nhiều trách nhiệm lắm. Thậm chí phải đến khi gặp mẹ rồi, bố mới bắt đầu học về trách nhiệm. Bố thật không muốn cậu sẽ lặp lại những đổ vỡ như bố đã từng trải qua chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của mình.
Đàn ông năm 2024 khác với đàn ông cũ kỹ là như thế. Nghe có vẻ nặng vai nhưng đàn ông mà vô trách nhiệm thì lại thành nặng nợ với xã hội, với gia đình, người thân. Thế nên chàng trai của bố ạ, đừng gánh trên vai hai chữ Trách Nhiệm mà hãy biến nó thành lẽ sống của mình, thành nguyên tắc sống của mình.
Giống như việc bố hay nói con nhường nhịn các em, không phải vì con là con trai mà là vì con có trách nhiệm trước các em mình. Ra ngoài xã hội cũng vậy, việc ta lùi lại nhường đường cho mọi người gấp hơn, vội hơn, cần nhanh hơn là trách nhiệm của chúng ta. Ta nhường cơm sẻ áo với người nghèo hơn. Ta không đạp lên người khác để cao hơn họ.
Đó đều là trách nhiệm của ta với xã hội. Trách nhiệm đóng góp một phần lợi ích của bản thân cho lợi ích chung. Trách nhiệm của làm việc tử tế. Trách nhiệm của việc giữ môi trường sống công bằng để cùng phát triển thay vì lợi dụng hay tranh đoạt bằng mưu mô xấu xí. Đàn ông của năm 2024 là thế, thẳng lưng để thẳng lòng.
Bên cạnh trách nhiệm, bố còn thấy đàn ông năm 2024 rất khác với thế hệ đàn ông xưa cũ ở hai chữ nữa: Vị Tha. Chiều cao của một người đàn ông thời Napoleon tính từ đỉnh đầu của họ đến bầu trời. Chiều cao của một người đàn ông thời 2024 lại được tính bằng cái… cúi đầu.
Không phải là luồn cúi hay cúi đầu trước kẻ mạnh mà là cái cúi đầu của bao dung. Sẵn sàng xin lỗi nếu mình sai. Sẵn sàng tha thứ cho những kẻ đã làm đau mình. Vị tha không phải là hèn nhát mà là sự sẵn sàng mỉm cười đi qua những hơn thua.
Chúng ta đâu cần phải "chiến đấu cho tới chết" chỉ để chứng minh mình giỏi hơn ai đó. Chúng ta chỉ cần giỏi hơn chính chúng ta của hôm qua là đủ. Đàn ông vị tha luôn hấp dẫn trong mắt phụ nữ. 46 năm bố trải qua, vị tha và cao thượng là thứ bố vẫn đang học mỗi ngày. Học vị tha để tấm lòng mình được mở ra rộng hơn.
Học vị tha bằng gia tăng vốn sống, tích luỹ kiến thức, mở mang tầm nhìn. Không phải vị tha có nghĩa là tha thứ tất thảy. Mà vị tha là nhìn mọi thứ bằng nhiều góc cạnh, tìm thấy sự tử tế, tích cực ngay cả trong những thứ tưởng chừng xấu xí.
Vị tha không phải là bỏ qua. Vị tha là chấp nhận. Vị tha không phải là không bắt lỗi. Vị tha là biết dung thứ.
Đàn ông năm 2024 không phải để trưng bày trong tủ kính với hàng trăm thứ nhãn mác "đàn ông phải là…", "nam tử hán đại trượng phu". Mình chỉ cần là chính mình, cùng phụ nữ Việt làm cho cuộc đời này tốt đẹp lên. Không phải "giúp vợ" mà là cùng phụ nữ làm nên cuộc đời này ngày một tốt đẹp hơn, đáng sống hơn.