Nhân Ngày Vì người nghèo 17/10: 'Tủ chia sẻ' giúp chị em vơi bớt khó khăn

17/10/2019 - 08:00
4 tháng qua, cứ mỗi lần Chi hội phụ nữ làng Đăk Ri Jốp (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum) tổ chức sinh hoạt, chị em lại tập trung đông đủ tại nhà rông. Vừa hướng dẫn, trao đổi về chăn nuôi, trồng trọt, vừa đăng ký và nhận các phần “quà” từ “Tủ chia sẻ”, chị em phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Khác hẳn trước, gần đây khi nghe Chi hội trưởng Y Ngoai thông báo sinh hoạt vào buổi tối, chị em đều chuẩn bị cơm nước sớm hơn, có mặt đông đủ tại nhà rông để nghe thông tin thời sự liên quan trực tiếp tới cuộc sống của người dân như: Diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, tình hình lây lan của bệnh dịch tả lợn châu Phi hay nâng cao tinh thần cảnh giác về nạn mất trộm mủ cao su trên địa bàn... Sau đó, chị em sẽ đăng ký và nhận các phần “quà” từ “Tủ chia sẻ” của làng. 

 

Hỗ trợ quần áo cho chị em phụ nữ làng Đăk Ri Jốp

 

“Chất keo” gắn kết chị em với tổ chức Hội 

Chị Nguyễn Thị Xoan, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Cảnh, cho biết: Từ khi chiếc “Tủ chia sẻ” xuất hiện tại nhà rông làng Đăk Ri Jốp (tháng 6/2019), phụ nữ trong làng tham gia sinh hoạt rất đông đủ. Ngày trước, mặc dù đã được Chi hội trưởng đến từng nhà thông báo lịch sinh hoạt, nhưng đến giờ họp chỉ được hơn nửa hội viên. Số chị em tham gia sinh hoạt ít khiến cho việc tuyên truyền các hoạt động của Hội, hay các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến hội viên gặp nhiều khó khăn. Dự kiến, trong thời gian tới, Hội LHPN xã Tân Cảnh sẽ đặt thêm “Tủ chia sẻ” ở 2 làng còn lại của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

 

Để hiểu rõ hơn về chiếc “Tủ chia sẻ” này, chúng tôi đã trao đổi với chị Y Quyền, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Tô. Chị Quyền cho biết, để nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình “Học tập và làm theo Bác” trên địa bàn huyện, cuối tháng 4/2019, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện đã triển khai xây dựng mô hình “Tủ chia sẻ” tại làng Kon Pring, xã Ngọc Tụ. Đây là mô hình được cụ thể hóa từ mô hình “Địa chỉ tiếp nhận quần áo và đồ dùng sinh hoạt cũ” triển khai năm 2018 tại các xã Diên Bình, Ngọc Tụ, Kon Đào, Tân Cảnh và thị trấn Đăk Tô.

 

Mục đích xây dựng “Tủ chia sẻ” là để tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phát huy tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách” hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ và trẻ em nghèo trên địa bàn thôn Kon Pring. “Tủ chia sẻ” sẽ tiếp nhận, phân loại quần áo, đồ dùng sinh hoạt đã qua sử dụng, còn tốt và không sử dụng đến từ các địa chỉ “Tiếp nhận quần áo và đồ dùng sinh hoạt cũ” trên địa bàn huyện và kịp thời hỗ trợ hội viên, phụ nữ và trẻ em nghèo, khó khăn trong thôn.

 

Vào các buổi sinh hoạt Hội, hội viên nào có nhu cầu sử dụng quần áo và đồ dùng sinh hoạt đã qua sử dụng sẽ đăng ký với chi hội trưởng. Tùy hoàn cảnh cụ thể, chi hội trưởng sẽ phân chia cho hội viên nghèo. Qua hơn 5 tháng triển khai, “Tủ chia sẻ” đã hỗ trợ hàng trăm bộ quần áo, đồ dùng sinh hoạt đã qua sử dụng cho hội viên, phụ nữ làng Kon Pring. Không chỉ ở Kon Pring, đến nay huyện Đăk Tô đã có 3 “Tủ chia sẻ” khác ở các làng Đăk Ri Jốp (xã Tân Cảnh); thôn 5 (xã Diên Bình) và thôn Đăk Lung (xã Kon Đào).

 

Mô hình cần nhân rộng 

Chị Mai Thị Ái Vân, cán bộ Hội LHPN huyện Đăk Tô, cho biết thêm: Các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã và đang duy trì 11 “Địa chỉ tiếp nhận quần áo, đồ dùng sinh hoạt cũ”; cụ thể hóa các địa chỉ tiếp nhận này thành 4 “Tủ chia sẻ” tại nhà rông các thôn.

 

Đổi mới hình thức sinh hoạt Hội thu hút đông đảo chị em phụ nữ tích cực tham gia

 

Trong năm 2019, các điểm tiếp nhận đã hỗ trợ 3.348 bộ quần áo đã qua sử dụng và 15 chiếc chăn bông cho gần 700 hội viên nghèo; hỗ trợ 10 cặp sách và 30 bộ sách vở cho học sinh nghèo DTTS trên địa bàn; riêng trong quý III năm 2019, đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.864 bộ quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho 355 hộ gia đình hội viên. Những phần quà được chia sẻ từ những tấm lòng hảo tâm đã góp phần giúp nhiều hội viên, phụ nữ DTTS và học sinh nghèo vượt qua khó vươn lên trong cuộc sống.

 

“Tủ chia sẻ” được duy trì bằng cách, tất cả chị em có quần áo, đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt đã qua sử dụng, còn tốt nhưng không sử dụng đến sẽ đem đến các chi hội trưởng trên địa bàn. Tại đây, các chi hội trưởng sẽ tiếp nhận và đóng gói, vận chuyển đến các “Tủ chia sẻ” ở các làng. Đến kỳ sinh hoạt, trên cơ sở nhu cầu và hoàn cảnh của từng gia đình hội viên, chi hội trưởng rà soát và cấp phát, trao tặng cho hội viên. Bằng phương pháp này, “Tủ chia sẻ” không chỉ giúp đỡ hội viên nghèo, mà còn góp phần quan trọng trong việc thu hút hội viên, phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội.

 

Chị Vân còn cho biết, những chiếc “Tủ chia sẻ” này được tận dụng từ các tủ đã cũ không có nhu cầu sử dụng ở các địa phương; chị em sửa chữa lại và mua sắm các ổ khóa để khóa lại. Chìa khóa do chi hội trưởng giữ và bảo quản...

 

Từ hiệu quả thiết thực của “Tủ chia sẻ”, hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng, nhất là tại các làng, bản nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Việc làm ý nghĩa này là minh chứng sinh động trong triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm