Luôn “tính đường dài”
Theo một khảo sát trên 500 nhân sự đang làm việc trong lĩnh vực CNTT tại TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, được thực hiện trong tháng 12/2014 bởi công ty ITviec.com, có đến 50% số lao động đang làm việc trong lĩnh vực CNTT cho biết họ có dự đinh sẽ đổi nơi làm việc trong vòng 6 tháng tới. Đây là chỉ dấu cho thấy, CNTT là một lĩnh vực “đầy gai góc” đối với mọi người nói chung, đặc biệt là đối với phụ nữ.
Qua trao đổi với một số nữ chuyên viên CNTT, họ cho biết bản thân công việc này có không ít yếu tố khiến cuộc sống riêng của họ gặp khó khăn. Trước hết, tính chất công việc với toàn máy móc, dữ kiện và số liệu dễ khiến tâm hồn họ trở nên “khô cứng”. Hơn nữa, đây là công việc phải chịu nhiều áp lực, nên quỹ thời gian dành cho gia đình cũng như các nhu cầu riêng tư sẽ trở nên eo hẹp. Mặc dù vậy, một số người khác lại cho rằng, với tính chất linh hoạt, có thể làm việc mọi lúc mọi nơi, nên một số công việc cụ thể trong lĩnh vực này (như quản lý web, viết game, tham gia viết phần mềm…) lại rất phù hợp với những phụ nữ vốn phải chịu cảnh “một vai hai gánh” - nếu họ biết sắp xếp, cân đối hợp lý quỹ thời gian dành cho công việc và gia đình. Chỉ 10% muốn làm việc theo hình thức “thuê ngoài” (outsourcing), song phần lớn trong số này lại là phụ nữ. Được biết, phương thức làm việc này thường không mang lại thu nhập quá cao và ổn định nhưng thời gian làm việc khá thoáng, không phải chịu quá nhiều áp lực.
Nguyễn Thị Hồng Trúc, chuyên viên kiểm soát chất lượng phần mềm của Công ty phần mềm FPT
Sự khác biệt rõ ràng nhất giữa 2 giới, đó là trong khi có gần 50% nam giới đang làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin coi việc tạo ra sản phẩm là điều quan trọng nhất, thì quan điểm này ở nữ chỉ chiếm 32%; Trong khi gần 50% nữ giới tham gia khảo sát coi điều kiện học hỏi, đào tạo là quan trọng nhất để chọn nơi làm việc, thì tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 19%. Những con số trên phần nào cho thấy, một khi phụ nữ đã chấp nhận dấn thân vào lĩnh vực này thì họ luôn “tính đường dài”, tìm mọi cách để nâng cao năng lực làm việc, hơn là chỉ “loay hoay” với những mục tiêu trước mắt.
“Đất dụng võ”
Ông Chris Harvey, người sáng lập và giám đốc điều hành của ITviec, cho biết: Hầu hết các khách hàng của công ty này đều có nhu cầu tuyển dụng thêm từ 10 đến 50% nhân viên mới trong năm 2015. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu nhân sự chất lượng cao và có kinh nghiệm đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng. Do đó, các công ty hoạt động trong lĩnh vực này đang cạnh tranh mạnh để thu hút và giữ chân những nhân viên tài năng.
Có thể nói, sức nóng của thị trường nhân sự CNTT đang tăng lên nhanh chóng, khi theo dự báo của Bộ Thông tin & Truyền thông, trong giai đoạn 2013 - 2018, các doanh nghiệp CNTT cần tuyển mới hơn 400.000 lao động, song các trường trong nước mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng 60.000 người. Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT sẽ lên đến 1 triệu người và con số thiếu hụt sẽ là khoảng 400.000 người. Ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, nhận xét, hiện tại các trường đại học đào tạo về CNTT đang giảm sút đầu vào, lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành này giảm mạnh.
Cách đây 18 năm, Dự án CNTT Việt Nam - Canada (VCIT) đã tiến hành khảo sát tại 30 công ty CNTT Việt Nam thì chỉ có 66/690 cán bộ chuyên môn CNTT là nữ. Trong số đó, 11% có bằng cấp về phần mềm máy tính và 7% có bằng cấp về phần cứng máy tính hoặc kỹ sư điện. Hiện giờ, mặc dù tình hình đã được cải thiện đáng kể nhưng đa số phụ nữ vẫn chỉ làm lập trình viên nhiều hơn là thiết kế phần mềm và chuyên gia phần cứng. Một số tổ chức, đơn vị đã có những hình thức khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ tham gia lĩnh vực này. Tại khu vực doanh nghiệp tư nhân, một số gương mặt nữ “sáng giá” đã xuất hiện và khẳng định vị thế, tiêu biểu là Nguyễn Thị Việt Thanh - CEO của công ty Anphabe và Nguyễn Nguyệt Anh - Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ IDC.
Nguyễn Thị Việt Thanh, người sáng lập kiêm CEO mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe
Với tình trạng thiếu hụt nhân sự CNTT như vừa nói, cơ hội để ngày càng nhiều phụ nữ tham gia lĩnh vực này đang rộng mở. “Vùng đất hứa” đầy thách thức này sẽ trở thành “đất dụng võ” để họ thể hiện tài năng của mình.
Theo dự báo của Bộ Thông tin & Truyền thông, trong giai đoạn 2013 - 2018, các doanh nghiệp CNTT cần tuyển mới hơn 400.000 lao động, song các trường trong nước mỗi năm chỉ đào tạo được khoảng 60.000 người. Đến năm 2020, nhu cầu nhân lực trong ngành CNTT sẽ lên đến 1 triệu người và con số thiếu hụt sẽ là khoảng 400.000 người. |