Giải quyết vấn đề chị em phải xếp hàng
Hình ảnh nhà vệ sinh công cộng dành cho nữ luôn trong tình trạng đông kín người xếp hàng dài, còn nhà vệ sinh nam hoàn toàn vắng vẻ không còn mấy xa lạ với người dân thành phố Thượng Hải, Trung Quốc.
Năm 2016, thành phố này bắt đầu cho lắp đặt hệ thống nhà vệ sinh không giới tính. Theo đó, các nhà vệ sinh không còn chia thành khu của nam giới, khu của nữ giới mà trở thành một căn phòng lớn với nhiều buồng vệ sinh, ai cũng có thể vào được.
Giải quyết nỗi lo lắng của người chuyển giới
Đi toilet ở nhà vệ sinh công cộng thực sự trở thành nỗi ám ảnh của hầu hết người chuyển giới trên thế giới. Thông thường, những người chuyển giới từ nam thành nữ sẽ vào nhà vệ sinh dành cho nữ. Song, những người chuyển giới từ nữ sang nam thời gian đầu sẽ rất ngại vào nhà vệ sinh dành cho nam giới. Họ có thể bị kỳ thị, lăng mạ, quấy rối tình dục, thậm chí đánh đập chỉ vì nhu cầu đi vệ sinh của bản thân. Một số người nhất quyết không sử dụng nhà vệ sinh công cộng nữa trong khi số còn lại vẫn hiển nhiên dùng nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật với mong muốn không bị ai quấy rối mình.
Kết quả của cuộc khảo sát với 27.715 người chuyển giới ở Hoa Kỳ năm 2015, gần 60% số người chuyển giới ở Mỹ phải tránh sử dụng nhà vệ sinh công cộng vì sợ bị bắt gặp, bị quấy rối và tấn công. 12% trong số họ đã bị quấy rối bằng lời nói, 1% bị tấn công thể xác và 1% bị tấn công tình dục trong nhà vệ sinh công cộng trong năm trước. Có đến 9% những người chuyển giới bị từ chối cho vào nhà vệ sinh công cộng.
Tháng 8/2019, tại một trung tâm thương mại thuộc thành phố Quezon của Philippines - nơi đang xây dựng hình ảnh là thành phố bình đẳng giới, khi cô Gretchen Custodio Diez, 28 tuổi, bước vào nhà vệ sinh nữ thì bị một nữ lao công chặn lại. Người lao công này yêu cầu Gretchen dùng nhà vệ sinh nam với lý do “vẫn còn bộ phận sinh dục nam”. Cô còn bị còng tay, áp giải về đồn cảnh sát như tội phạm vì muốn dùng nhà vệ sinh nữ. Quá bức xúc trước cách đối xử vô lý, Gretchen đã đem chuyện chia sẻ lên mạng xã hội. Đối mặt với làn sóng tức giận, nữ lao công đó đã phải viết thư tay xin lỗi Gretchen. Ngay sau đó, thị trưởng thành phố Quezon - bà Joy Belmonte - cũng chỉ trích trung tâm thương mại và khẳng định sẽ nỗ lực bảo vệ quyền lợi của cộng đồng những người thuộc cộng đồng LGBT.
Do đó, nhà vệ sinh công cộng không giới tính có thể xem như một bước tiến bộ trong việc chống phân biệt, đối xử với người mang giới tính thứ 3 và chuyển giới trong cộng đồng LGBT.
Thuận tiện cho các ông bố, bà mẹ có con nhỏ
Bố mẹ đưa con đi vệ sinh, hay bố mẹ phải đi vệ sinh mang con theo vào nhà vệ sinh khác giới đều tạo ra những băn khoăn khá giống nhau. Một bên là sự e ngại về vấn đề giới tính, một bên là vấn đề an toàn của con trẻ.
Sẽ ra sao nếu bé trai bước vào nhà vệ sinh nữ cùng mẹ và đặt ra những câu hỏi đúng với bản chất tò mò của con: Vì sao mọi người lại ngồi, vì sao mọi người không có thứ giống của con?
Việc đưa con vào nhà vệ sinh khác giới tính có thể gây khó xử cho những ai đi vệ sinh, mà cũng có thể gây ảnh hưởng xấu về tâm lý và khía cạnh giới tính cho con. Do đó, sự xuất hiện của nhà vệ sinh công cộng không giới tính thực sự đã mang lại sự thuận tiện cho những trường hợp đặc biệt: Mẹ đưa con trai hoặc bố đưa con gái đi vệ sinh.
Với những trường hợp con gái cùng bố, con trai cùng mẹ đi ra ngoài, hay những người khuyết tật phải ngồi xe lăn và có người nhà đi cùng và phải tới nhà vệ sinh công cộng cũng, sẽ xuất hiện tình huống khó xử tương tự. Khi đó, nhà vệ sinh công cộng không giới tính cũng có thể giải quyết những vấn đề này.
Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy ngày 19/11 là Ngày Nhà vệ sinh thế giới, kể từ năm 2013. Năm 2019 là năm thứ 7 diễn ra sự kiện thường niên này với chủ đề: “Không bỏ sót bất kỳ một ai”. Ngày Nhà vệ sinh thế giới giúp mọi người trên toàn cầu ý thức được tầm quan trọng của hệ thống nhà vệ sinh tới sức khỏe của con người và chung tay xây dựng một xã hội khỏe mạnh hơn. |