Nhân viên ngân hàng 'méo mặt' vì lo đổi tiền mới cho khách hàng, người thân

02/02/2019 - 10:26
Thời điểm cuối năm, nhân viên ngân hàng vốn đã bận rộn để hoàn thành công việc, giao dịch với khách hàng lại càng đau đầu hơn trước áp lực đổi tiền mới cho cả khách hàng và người thân, bạn bè.
Ai cũng nghĩ, nhân viên ngân hàng thì..."muốn bao nhiêu cũng có"
 
Năm nào cũng vậy, cứ tầm cuối tháng 11 âm lịch đến sát Tết nguyên đán, chị Bùi Thị C., nhân viên một ngân hàng quốc doanh tại TP Vinh, Nghệ An lại liên tục nhận được điện thoại nhờ đổi tiền lẻ, tiền mới. Là nhân viên tín dụng đã nhiều năm, chị C. có mối quan hệ khá rộng với khách hàng doanh nghiệp, cá nhân trong đó có nhiều khách hàng VIP mà chị cần phải “chiều” để ra năm mới công tác giao dịch được suôn sẻ, thuận lợi.
 
“Có quá nhiều khách hàng liên hệ để đổi tiền lẻ, tiền mới mỗi khi dịp Tết đến, trong khi hạn mức phân bổ cho nhân viên chúng tôi lại giới hạn, mỗi người chỉ tầm khoảng chục triệu. Vì vậy, tôi buộc phải nhờ các mối quan hệ riêng, xoay sở để kiếm tiền lẻ mới nhưng cũng không đủ. Đổi cho khách hàng nào, bao nhiều tiền, từ chối khách hàng nào, từ chối ra sao để khách hàng không mất lòng cũng làm tôi phải cân đo, tính toán rất kỹ”, chị C. than thở.
 
11.PNG
Áp lực không nhỏ của nhân viên ngân hàng từ việc đổi tiền lẻ mỗi khi Tết đến Xuân về.
Không chỉ có khách hàng, áp lực đổi tiền lẻ, tiền mới còn đến cả từ người thân và bạn bè. Chị tâm sự, những người thân trong gia đình cũng như bạn bè của chị đều có chung suy nghĩ rằng nhân viên ngân hàng đổi tiền lẻ, tiền mới để lì xì dịp Tết sẽ rất dễ dàng và muốn bao nhiêu cũng có nên ai cũng gọi điện nhờ. “Bản thân mình cũng giải thích là tiền mới rất hạn chế nhưng vẫn có người không thông cảm”…
 
Không chỉ riêng chị C., đây cũng là tình cảnh chung của rất nhiều nhân viên ngân hàng. Trong giờ làm việc bận bịu phục vụ khách hàng, nhưng đến giờ nghỉ thì câu chuyện về việc tìm nguồn tiền, trao đổi, phân bổ tiền mới cũng là chủ đề chính của chị C. và các đồng nghiệp cùng phòng.
 
"Méo mặt" vì phải ứng tiền trước
 
Xung quanh việc đổi tiền lẻ, tiền mới cũng có rất nhiều chuyện để bàn đến, mà chủ yếu là chuyện bi nhiều hơn chuyện hài. Người nhờ đổi tiền thì nhiều, có khi lên cả hàng chục triệu, thế nhưng người đổi tiền lại không chuyển khoản hay đưa tiền mặt trước, lắm khi nể quá, chị C. lại xoay tiền ứng ra trước, còn đúng mấy trăm nghìn trong túi, còn đâu toàn tiền lẻ. Thế nhưng, có lần đổi được tiền rồi, chiều 30 còn liên hệ mãi mà họ không qua lấy tiền mới cho trong khi mình thì chẳng còn tiền mà sắm Tết. Chị C. chia sẻ, năm trước chị C. có một khách hàng VIP nhờ đổi một lượng lớn tiền mới nhưng xoay sở mãi chị chỉ đáp ứng được một phần, vì thế mà vị khách hàng không hài lòng và rút ngay khoản tiết kiệm đang gửi. Cũng chỉ vì xung quanh việc đổi tiền mới, tiền lẻ dịp cuối năm mà ảnh hưởng không ít đến việc giao dịch giữa ngân hàng và đối tác. “Lúc đấy tôi rất buồn, vì nhiều khách hàng nghĩ rằng chúng tôi không mặn mà với họ, nhưng họ đâu biết, chúng tôi làm ngân hàng nhưng không phải là cái máy để in tiền”.
 
khch-hng-giao-dch-ti-ngn-hng-vietcombank-ngh-an.jpg
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng Vietcombank Nghệ An. Ảnh minh họa
 
Chưa kể, chị H. – đồng nghiệp của chị C. - còn gặp cảnh dở khóc dở cười. Chị H cho biết, năm vừa rồi, khi đã đổi được tiền mới, tiền lẻ đem về để ở nhà, chưa kịp phân phát cho mọi người thì mẹ chồng không biết lại đi đổi cho các bác hàng xóm. Lúc về biết chuyện chỉ chị H. biết im lặng, không nói được câu nào, sau đó lại phải xoay sở, liên hệ đủ kiểu để huy động lại từ đầu. Còn chuyện vì không muốn mất vui mà những người như chị H., chị C. chấp nhận đổi cho mọi người còn mình thì vẫn dùng tiền cũ để lì xì là chuyện đã thường xuyên xảy ra.
 
 “Sát Tết, nhiều việc, cộng thêm áp lực đổi tiền mới khiến tôi mệt mỏi”, chị C. chia sẻ. Một đồng nghiệp cùng phòng của chị C. thậm chí còn viết hẳn chia sẻ lên mạng xã hội qua trang cá nhân: “Tui làm ở bank cũng chỉ là nhân viên, làm công ăn lương. Ngân hàng là nơi kinh doanh tiền, không phải là nơi in tiền. Mấy ngày này, tụi tui chạy bù đầu. Có những hôm đến 8, 9 giờ tối còn chưa mò được về tới nhà. Tụi tui có quen biết, đặc quyền nào để đổi tiền mới lì xì đâu. Đừng làm phiền tụi tui, hãy để cho tui sống yên ổn qua mấy ngày Tết. Nếu cảm thấy tiền cũ khó lì xì thì lì xì tui nè, tui nhận hết”.
 
Thiết nghĩ, lì xì là một nét đẹp văn hóa của dân tộc, ý nghĩa của mỗi phong bao lì xì không nằm ở giá trị vật chất hay việc tờ tiền bên trong là mới hay cũ mà nằm ở ý nghĩa tinh thần khi người ta trao nhau những tình cảm quý mến, những lời chúc chân thành trong mỗi phong bao ấy. Nếu việc trao lì xì trở về đúng với ý nghĩa nguyên bản của nó thì có lẽ những nhân viên ngân hàng như chị C. sẽ không còn phải đau đầu mỗi dịp Tết đến Xuân về. Còn bây giờ, có lẽ chị H., chị C. đã có thể thở phào vì ngày làm việc cuối cùng của năm cũ đã qua, “mùa đổi tiền mới” năm nay cũng không còn là “ác mộng” đối với chị C, chị H nói riêng và những nhân viên ngân hàng nói chung.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm