Nhập viện tâm thần vì mẹ ép... về quê

13/08/2016 - 17:12
Nhiều trẻ cảm nhận thấy bất an khi đối diện với người quen mà cha mẹ thấy tin tưởng được. Hậu quả khôn lường sẽ xảy ra nếu cha mẹ không để ý đến cảm nhận của con.
Nhiều cha mẹ vô tình đẩy con vào người... đáng ngại, khiến con bị xâm hại. Ảnh minh họa internet.

Với nhiều cha mẹ, người thân, hàng xóm, đồng nghiệp,… - những người họ biết sẽ đáng tin hơn. Còn những người đen đủi, xấu xí, ngớ ngẩn, tâm thần… thì mới là người “đáng ngại”. Nhưng trẻ không cảm nhận như vậy.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Hội quán các bà mẹ), trẻ có những cảm nhận về người đáng ngại theo bản năng. Đó là người mà tự trẻ cảm thấy không thích, bất an, không thoải mái dù có thể đó là những người bố mẹ tin tưởng. Nhiều cha mẹ không tin vào cảm nhận của con nên đẩy con đến gần người đáng ngại, khiến con bị quấy rối, thậm chí xâm hại.

Chị Nguyễn Lan Hải kể, trong một chuyến đi công tác ở các tỉnh miền Nam, chị quen một gia đình ở khu công nhân nghèo khổ. Gia đình ấy chỉ có người mẹ đơn thân và cô con gái 5 tuổi. Do chồng mất sớm nên gia đình chị chồng chất khó khăn. Lương ba cọc ba đồng không đủ nuôi con, chị phải cho mấy người công nhân thuê căn gác xép trong ngôi nhà chật chội của mình để có thêm tiền.

Một lần, khi chị đi làm thuê ở bên ngoài, chị gửi con gái ở nhà với các chú công nhân. Nghe vậy, bé nằng nặc đòi đi theo mẹ, nói rằng con không thích ở nhà với các chú. Không nghe con, người mẹ này còn quát và ép con ở nhà. Con bám mẹ thì làm sao mẹ rảnh tay chân mà làm việc được. Bé đành ngậm ngùi nghe theo mẹ.

Đi làm về, mẹ tá hỏa khi nghe con kể: Khi con ở nhà, các chú bày trò chơi cho con. Ban đầu các chú nhét chùm chìa khóa vào trong người các chú và đố con đi tìm. Con phải nhắm mắt để mò tìm ở người các chú. Xong, chơi ngược lại, các chú để đồ vào người con để các chú nhắm mắt tìm. Các chú chơi với con trò này nhiều lắm. Các chú còn rủ con lên gác, nằm đè vào người con và còn “đái” vào người con.

Nhiều cha mẹ cảnh giác với người không quen biết mà không thể ngờ được mối nguy tiềm tàng rất lớn ở những người họ vô cùng tin tưởng.

Theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải, cha mẹ cần tin tưởng vào sự nhạy cảm của con. Ảnh: Thu Hương.

Chị Nguyễn Lan Hải cho biết, cũng vì thiếu sự nhạy cảm mà có người mẹ khiến cô con gái tuổi dậy thì đang phải điều trị ở bệnh viện tâm thần. Mùa hè nào, người mẹ này cũng gửi con về nhà dì ở quê. Trong lần nghỉ hè năm nay, con gái không muốn về nhà dì nữa, nhưng người mẹ không tìm nguyên nhân mà vẫn bắt con phải về quê.

Hôm ấy, khi cả nhà dì sang làng bên ăn giỗ thì trời tối đen, báo hiệu cơn mưa to sắp đến. Dì sai cháu chạy về rút quần áo. Cháu về đến nhà thì trời đã mưa to, quần áo ướt sũng dính hết vào cơ thể cháu. Dượng đưa cho cháu cái khăn và bảo cháu lau người.

Thực ra, những năm trước, nhìn thấy ánh mắt rất lạ của dượng, con đã cảm thấy rất sợ. Dượng là người cao lớn, lại là người có quyền nhất trong nhà. Trong khi lau người, dượng bắt con động vào “bộ phận kia”. Vì quá sợ hãi, con làm theo răm rắp. Dượng còn dặn con không được nói chuyện này với ai. Con biết điều đó rất khủng khiếp và thấy vô cùng sợ hãi.

Con rửa tay bằng xà phòng không biết bao nhiêu lần mà không tẩy đi được cảm giác ghê tởm, xấu hổ. Con còn hơ tay lên ngọn lửa để... sát trùng mà vẫn không sao xua được những điều tồi tệ đó ra khỏi đầu. Con còn nhúng tay vào nồi nước sôi dẫn đến bị bỏng nặng. Sự ám ảnh đã ăn sâu vào trong đầu con, những cơn ác mộng có thể xuất hiện bất cứ thời gian nào trong ngày. Hiện tại, con đang ở bệnh viện tâm thần để điều trị những tổn thương tâm lý nặng nề.

Những người làm cha, làm mẹ, cần có sự nhạy cảm để nhận ra nỗi sợ hãi mơ hồ mà con gặp phải, đừng vô tình đẩy con vào vòng xoáy nguy hiểm.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm