pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhật ký hành trình hơn 100 năm trước của Yersin ở Đông Dương
Cuốn sách "Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương"
Alexandre Yersin (1863-1943) là một bác sĩ, nhà vi khuẩn học người Pháp gốc Thụy Sĩ, người phát hiện ra trực khuẩn bệnh dịch hạch vào cuối thế kỷ 19. Ông cũng là nhà thám hiểm, khám phá Cao nguyên Lang-bian và gợi ý cho Toàn quyền Đông Dương lập ra thành phố Đà Lạt.
Cuốn sách Những chuyến du hành qua xứ Thượng ở Đông Dương do dịch giả Cao Hoàng Đoan Thục chuyển ngữ, NXB Trẻ phát hành như một cuốn nhật ký hành trình của Alexandre Yersin về những ngày ông chu du qua các vùng núi ở các nước Đông Dương. Những khu vực chưa được khám phá của dãy Trường Sơn, nằm giữa Trung Kỳ và Nam Kỳ, vào những năm 1890 được coi là không thể tiếp cận đối với người Việt Nam. Alexandre Yersin là người đã không ngại đường xa hiểm trở, không ngại những tộc người xa lạ mà dấn thân vào cuộc hành trình đầy thử thách này.
Trong 3 chuyến du hành liên tiếp, ông đã khám phá cao nguyên Kontum, vùng Đắk Lắk, cũng như cao nguyên Lang-bian ở độ cao 1.500 mét so với mực nước biển, nơi mà vài năm sau thành phố Đà Lạt được xây dựng theo lời khuyên của ông.
Đây là một cuốn sách để hiểu thêm về danh nhân Yersin và quan trọng hơn, để hiểu thêm về hoàn cảnh và các dân tộc tại vùng núi và cao nguyên Việt Nam vào thời đó. Với văn phong ngắn gọn, đơn giản, Yersin kể chuyện đi bộ, cưỡi ngựa hoặc voi, du hành qua các vùng đất nguy hiểm (cướp bóc, hổ, rắn...) trong những khu rừng rậm, dưới những cơn mưa dầm hay nắng nóng; ông phát hiện ra những địa điểm mà người châu Âu chưa bao giờ nhìn thấy. Trên đường đi, ông tiêm vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa cho người dân và cố gắng hòa giải những xích mích giữa các buôn làng mà ông đi qua.
Alexandre Yersin ghi chép tỉ mỉ với sự quan sát của một người lần đầu đến các vùng đất mới, tiếp xúc những con người mới và ông luôn tập trung vào hành trình của mình. Ông không có nhiều những miêu tả về cảm xúc, cách viết ngắn gọn, cô đọng, ông đứng đó quan sát, ghi chép, không tham gia những việc của các buôn làng. Mục tiêu của ông rõ ràng và cụ thể: tiến về phía trước, khám phá những bộ tộc mới, những con người mới. Nhưng chính bản thân những câu chuyện đó tự tỏa ra cảm xúc mạnh mẽ.
Alexandre Yersin đến Đông Dương vào năm 1890, khi Pháp vẫn đang trong quá trình củng cố quyền lực của mình ở các vùng đồng bằng và châu thổ có người Việt sinh sống, chưa quan tâm đến những vùng núi và cư dân nơi đây. Quyển sách của ông là nhật ký về một chuyến phiêu lưu thám hiểm, ở đó ông viết ra hành trình, những phát hiện mới, những khó khăn, thử thách luôn chờ đợi ông. Nhờ vậy, người đọc biết về ông nhiều hơn, về những khám phá đầy giá trị của ông về những tộc người cổ xưa giờ đây đã không còn trên bản đồ.