Nguy cơ mất lao động giỏi
Cách đây hai tuần, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự luật mở rộng đường cho lao động nước ngoài tới làm việc trong những lĩnh vực đang “khát” nhân lực của nước này. Quyết định của Quốc hội Nhật Bản đánh dấu một bước chuyển đổi chính sách lớn của nước này vốn lâu nay chỉ cấp thị thực làm việc cho những lao động tay nghề cao và có trình độ chuyên môn như bác sĩ, luật sư hay giáo viên.
Với việc hàng trăm nghìn lao động nước ngoài dự kiến sẽ đủ điều kiện xin thị thực mới, Chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ hoàn tất việc soạn thảo các quy định liên quan đến những biện pháp bảo đảm môi trường làm việc, giúp người lao động có thể sớm thích nghi và hòa nhập với cộng đồng sở tại. Hệ thống thị thực mới của Nhật Bản dành cho lao động nước ngoài sẽ có hiệu lực từ tháng 4/2019, bao gồm 14 lĩnh vực, trong đó có xây dựng, trồng trọt và điều dưỡng. Đây là những lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt lao động do dân số già đi và tỷ lệ sinh tiếp tục giảm sút.
Theo một khảo sát của OECD, Nhật Bản là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, trên 83 tuổi. Nhật Bản cũng là nước có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất với 25%, trong khi ở Mỹ chỉ là 14%. Bởi vậy, một thách thức lớn đặt ra đối với Chính phủ nước này là số người phải rời bỏ công việc ngày càng nhiều để chăm sóc người già.
Một điểm đáng chú ý trong luật mở rộng đối tượng lao động nước ngoài mà Quốc hội Nhật thông qua lần này có quy định những lao động có trình độ cao được phép mang theo gia đình khi sang Nhật Bản làm việc và có thể thường trú vĩnh viễn tại nước này.
Với môi trường lao động chuyên nghiệp, an toàn, thu nhập cao, Nhật Bản là thị trường lao động hấp dẫn thu hút hàng triệu lao động nước ngoài. Tính đến nay, Nhật đạt mốc kỷ lục 1,28 triệu lao động ngoại quốc, trong đó đứng đầu bảng là Trung Quốc, Việt Nam xếp thứ 3. Tuy nhiên, cùng với việc thông qua dự luật cho phép lao động nước ngoài được nhập cư dài hạn có thể khiến nhiều quốc gia đối mặt với nguy cơ bị “chảy máu” chất xám, trong đó có Việt Nam nếu như không có chính sách hiệu quả để giữ chân người tài.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ước tính đã có khoảng 1,3 triệu lao động có trình độ đại học ở Đông Nam Á đã tìm tới các nước có thu nhập cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đáng chú ý, con số này đã tăng lên 40% so với năm 2000.
Phải cân nhắc kỹ
Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB&XH, hiện có hơn 130.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản. Lao động Việt Nam chủ yếu làm việc ở các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, chế biến thực phẩm, điện tử, điều dưỡng, may mặc, điện tử...
Có thời điểm người lao động được trả lương lên tới 40-50 triệu đồng/tháng, sau khi trừ các khoản chi phí sinh hoạt, tiết kiệm được khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng để gửi về cho gia đình. Chính vì vậy, nhiều người lao động Việt đã đổ xô tìm cơ hội để đi làm việc tại Nhật Bản.
Theo ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có khoảng 1,2 triệu người bước vào tuổi lao động nhưng cũng có 400.000 người ra khỏi thị trường lao động, nên lao động thực tế còn lại chỉ khoảng 800.000 người. Do đó, nếu đưa 300.000 hoặc 400.000 lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài là con số cần phải tính toán, cân nhắc kỹ.
Ông Diệp cho rằng, việc Nhật mở cửa thị trường lao động là tín hiệu tốt do nhu cầu khan hiếm lao động của Nhật và đây cũng là cơ hội cho Việt Nam, là điều kiện để các công ty xuất khẩu lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Song cần tỉnh táo để đánh giá thấu đáo, đa chiều chứ không đánh giá theo chiều thuận lợi, vì lao động có kỹ năng tốt hiện nay trong nước cũng rất cần. Thực tế các doanh nghiệp tuyển dụng than phiền khó tuyển lao động tay nghề cao.
“Về lâu dài bài toán xuất khẩu cần phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Đừng tham vọng rằng hằng năm đưa 300.000-400.000 lao động đi xuất khẩu. Năm nay hoạt động xuất khẩu lao động ước đạt mục tiêu 140.000 người ra các nước làm việc, các năm tới có thể gia tăng thêm 20.000-30.000 lao động là vừa”, ông Diệp nói.