Bệnh nhân Covid-19 lạm dụng Paracetamol vì lầm tưởng sẽ giúp cơ thể bình phục nhanh, chuyên gia nói gì?

Minh Ngọc
24/08/2021 - 16:05
Bệnh nhân Covid-19 lạm dụng Paracetamol vì lầm tưởng sẽ giúp cơ thể bình phục nhanh, chuyên gia nói gì?
Gần đây nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng được cách ly tại nhà đã sử dụng nhiều loại thuốc có thành phần Paracetamol và lạm dụng paracetamol. Điều này mang lại nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu sử dụng quá liều.

1. Lạm dụng paracetamol trong điều trị Covid-19

Thông tin thuốc có chứa Paracetamol có thể chữa lành bệnh Covid-19 trên mạng xã hội không rõ nguồn gốc đã lan truyền nhanh chóng trong thời gian qua. Nhiều người làm theo và đều nhận được những bài học đắt giá khi bị ngộ độc, suy gan cấp, thậm chí có nguy cơ tử vong. 

Nhiều bệnh nhân Covid-19 sử dụng quá liều Paracetamol vì lầm tưởng sẽ giúp cơ thể bình phục nhanh - Ảnh 1.

Bệnh nhân F0, F1 lạm dụng paracetamol - Ảnh: Internet


Tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận đột biến những ca ngộ độc do sử dụng Paracetamol quá liều và có các biểu hiện rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu không thể phát hiện ra. 

Những ngày này, bác sĩ Nguyễn Xuân Đạt làm việc tại Hà Nội liên tục tư vấn y tế online cho nhiều trường hợp F0 và F1 trong khu cách ly, đa phần mọi người đều lo lắng về tình hình dịch bệnh và hỏi bác sĩ cách sử dụng của 5-7 loại thuốc có chứa Paracetamol theo lời khuyên từ “cộng đồng mạng”.

Trả lời cho điều này, BS. Đạt cho biết, các loại thuốc như Efferalgan, Tylenol hay Panadol đều chứa thành phần paracetamol và chỉ được sử dụng với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng. Ví dụ 1 người trưởng thành khoảng 60kg thì chỉ nên uống tối đa 500mg/lần và cách nhau từ 4-6h, trong trường hợp sốt cao mới uống để điều hòa cơ thể. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không thấy hạ sốt lại tiếp tục uống những loại thuốc còn lại mà không biết chúng có cùng thành phần. 

2. Tác hại khi lạm dụng paracetamol

Sử dụng quá liều paracetamol có thể gây suy gan, ngộ độc và tử vong

Theo BS. Trần Thiên Tài - Trưởng Đơn vị Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, hoạt chất paracetamol có tác dụng giúp cơ thể giảm đau, hạ sốt. Hoạt chất này được sử dụng trong lâm sàng để điều trị triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ khớp, sử dụng cho cả người lớn, trẻ em và phụ nữ có thai. 

Nhiều bệnh nhân Covid-19 sử dụng quá liều Paracetamol vì lầm tưởng sẽ giúp cơ thể bình phục nhanh - Ảnh 2.

Dễ ngộ độc khi lạm dụng paracetamol tự chữa COVID-19 - Ảnh; Internet

Nếu sử dụng thuốc liên tục trong khoảng thời gian quá ngắn (4h uống 1 lần)  hoặc dùng nhiều loại thuốc chứa paracetamol mà không có chỉ định của bác sĩ sẽ dẫn đến tình trạng quá liều, biểu hiện ngộ độc chính là triệu chứng đầu tiên.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Paracetamol là thuốc không thuộc diện kê theo đơn nên người dân có thể tự ý mua tại hiệu thuốc về sử dụng nên nguy cơ gây ngộ độc hoàn toàn có thể xảy ra với bất cứ ai. 

Ngoài ra, bác sĩ Nguyên cũng cảnh báo: "Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn".

Các triệu chứng tiếp theo đang cảnh báo lạm dụng paracetamol gồm chán ăn, buồn nôn, xanh xao… thường xuất hiện trong vòng 24h sau khi uống. Một số người trong độ tuổi trung niên trở lên, các diễn tiến nặng hơn có thể là tăng men gan, suy gan, hoại tử, rơi vào tình trạng hôn mê và tử vong nếu như không phát hiện kịp thời. 

Ngoài ra, một số người có cơ địa dị ứng với thành phần paracetamol còn gặp các biểu hiện như nổi mề đay, phát ban, phù mạch. Vì vậy, chúng ta tham khảo lời khuyên của bác sĩ là việc luôn cần ưu tiên. 

Cũng theo bác sĩ Trần Thiên Tài, các trường hợp sốt kéo dài quá 3 ngày hoặc uống paracetamol không thấy đỡ thì cần đến các cơ sở y tế để thăm khám ngay, tránh sử dụng thêm thuốc ngăn tác dụng phụ và các hậu quả khó lường. 

3. Khuyến cáo liều lượng phù hợp cho từng nhóm đối tượng

Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành, mỗi ngày chỉ nên dùng 3 đến 4 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (như người lạm dụng rượu, gầy yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn).

Nhiều bệnh nhân Covid-19 sử dụng quá liều Paracetamol vì lầm tưởng sẽ giúp cơ thể bình phục nhanh - Ảnh 3.

Không lạm dụng paracetamol, với người trưởng thành, mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg

"Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước... Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra" - các chuyên gia chống độc khuyến cáo.

Còn đối với bệnh nhân bị Covid-19 có triệu chứng ho, sốt nên liên hệ ngay với trung tâm y tế, trạm y tế gần nhất hoặc gọi điện đến đường dây nóng của CDC Hà Nội để được hướng dẫn kịp thời. Người dân không tự ý mua thuốc để dự trữ, tự điều trị tại nhà theo các thông tin chưa có hướng dẫn từ Bộ Y tế - Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật CDC Hà Nội cho biết. 

Ngoài ra, trước khi sử dụng paracetamol, người dân cần lưu ý rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và sử dụng đúng theo hướng dẫn để phòng tránh các loại thuốc chữa bệnh lao hay động kinh sẽ làm tăng độc tính của paracetamol. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm