pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Nhiều cha mẹ không biết mình đang vi phạm quyền của con”
Chuyện gia đình thời hiện đại - Ai cũng có quyền là buổi tọa đàm do NXB Kim Đồng phối hợp với Trung tâm Văn hóa Pháp tổ chức nhân dịp ra mắt bộ sách Tuyên bố về quyền. Tham gia tọa đàm có TS Giáo dục Nguyễn Thị Bích Thủy (giảng viên Khoa Các khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội; chuyên gia về các vấn đề xã hội - bình đẳng giới, tâm lý học xã hội/giáo dục hướng nghiệp học đường và công tác xã hội tại trường học), TS Luật học Võ Khánh Linh (Khoa Chính trị học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), dịch giả Hải Ngân - người chuyển ngữ bộ sách Tuyên bố về quyền của Pháp sang tiếng Việt.
Tại tọa đàm, TS Nguyễn Thị Bích Thủy nêu ra một thực tế: Có những quyền mà trong xã hội hiện đại rất đề cao như quyền tôn trọng đời sống riêng tư, quyền được học tập, được tự do ngôn luận… Tuy nhiên, những quyền này ở trong gia đình, đặc biệt là với lứa tuổi học sinh, nhiều gia đình hoặc nhiều bậc phụ huynh lại chưa quan tâm hoặc xem nhẹ.
"Ví dụ như con viết nhật ký, hay con có những ý kiến, quan điểm riêng thì bố mẹ hay nhìn hay đánh giá bằng nhận thức và tư duy của người lớn và cho rằng nhu cầu, quan điểm của con là không phù hợp là chưa chính xác. Chúng ta không biết được rằng chúng ta đang vi phạm quyền của con", TS Nguyễn Thị Bích Thủy nói.
Theo chị, môi trường xã hội Việt Nam đề cao tính cộng đồng hơn là quyền cá nhân như xã hội phương Tây, vì thế cá nhân trong gia đình chúng ta thực hiện nhu cầu, thực hiện mong muốn thì cần tương thích với nhu cầu và quyền của những thành viên khác trong gia đình. Dù là xã hội Việt Nam truyền thống hay xã hội Việt Nam hiện đại thì vẫn phải đảm bảo quyền tương thích với chuẩn mực văn hóa của xã hội.
"Tuy nhiên xã hội Việt Nam hiện đại có những thay đổi, có sự bình đẳng hơn giữa bố mẹ và con cái, giữa người chồng và người vợ. Nhưng bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. Bình đẳng là mỗi người biết được vị trí vai trò của nhau để tôn trọng để tạo điều kiện cho nhau. Khi gia đình xây dựng trên nền tảng yêu thương tôn trọng và chia sẻ mọi người đều được thực hiện yêu cầu của mình thì gia đình sẽ bền vững hạnh phúc", TS Nguyễn Thị Bích Thủy nói.
Trong khi đó, TS Võ Khánh Linh cho rằng: Giá trị của quyền không dừng lại ở việc luật quy định và ghi nhận trẻ em có quyền mà còn ở vấn đề được biết quyền của mình và được bố mẹ tạo điều kiện thực hiện quyền của mình.
"Trong gia đình, bố mẹ phải là người có trách nhiệm hiểu về quyền của chính mình và quyền của con cái, từ đó cung cấp cho con cái quyền của mình và hình thành lối sống văn hóa văn minh hiện đại, tôn trọng quyền tự do cá nhân của mọi người", TS Võ Khánh Linh nói.
Tuyên bố về quyền là bộ sách do NXB Kim Đồng mua bản quyền từ Pháp, gồm 4 cuốn: Tuyên bố quyền con gái, Tuyên bố quyền con trai, Tuyên bố quyền của mẹ, Tuyên bố quyền của bố. Bộ sách được nhận định sẽ làm thay đổi suy nghĩ và những định kiến vốn có về quyền của mỗi người trong cuộc sống khi mang đến cho độc giả hàng loạt quyền rất "kỳ lạ" mới được "phát minh", nhằm nhắc nhở rằng việc tôn trọng sự bình đẳng giữa tất cả mọi người là vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại.
TS Nguyễn Thị Bích Thủy nhận xét đây là bộ sách khá thú vị. Từ trước tới nay, ở nước ta, quyền thường được đề cập đến trong luật và khái niệm mang tính pháp lý bên khi đưa khái niệm này đến với học sinh nhỏ tuổi thì sẽ rất khó để các em cảm thụ. Với bộ sách tranh này, các em sẽ cảm nhận và hiểu về quyền một cách dễ dàng, tự nhiên.