Nhiều chính sách nổi bật liên quan đến trẻ em có hiệu lực từ tháng 2/2019

31/01/2019 - 12:03
Trong số những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 2/2019, đáng chú ý là các chính sách liên quan đến trẻ em như: Phải lấy ý kiến trẻm em khi xây dựng văn bản liên quan; Bảo vệ học sinh tránh nguy cơ bị xâm hại, bạo lực…

BẢO VỆ HỌC SINH TRÁNH NGUY CƠ BỊ XÂM HẠI, BẠO LỰC

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT, hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Theo đó, nguyên tắc thực hiện công tác xã hội trong trường học là giữ bí mật các thông tin cá nhân của người học, trường hợp chia sẻ thông tin phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Tôn trọng các đặc điểm riêng biệt, tính cách, phẩm chất, hoàn cảnh cá nhân của người học, đặt người học vào vị trí trung tâm của các hoạt động trợ giúp.

Nội dung công tác xã hội trong trường học gồm: Phát hiện các nguy cơ trong và ngoài cơ sở giáo dục có ảnh hưởng tiêu cực đến người học; phát hiện các vụ việc liên quan đến người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, có hành vi bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

bao-luc-hoc-duong.jpg
Bộ GT&ĐT vừa ban hành Thông tư bảo vệ học sinh tránh nguy cơ bị xâm hại, bạo lực

 Đồng thời tổ chức các hoạt động phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp đối với người học có hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương và các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng, thực hiện việc can thiệp, trợ giúp đối với người học cần can thiệp, trợ giúp khẩn cấp hoặc giáo viên, người học có nhu cầu can thiệp, hỗ trợ. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho người học sau can thiệp hoặc người học, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng.

Đối với biện pháp phòng ngừa: Cần tuyên truyền, phổ biến, cảnh báo và hướng dẫn người học về các tình huống, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật. Tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, vận động cộng đồng, xã hội kịp thời phản ánh thông tin về các vụ việc liên quan đến người học và tham gia xây dựng môi trường trường học an toàn, lành mạnh.

Hướng dẫn người học, cha mẹ hoặc người giám hộ của người học, giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục sử dụng các dịch vụ hỗ trợ từ cơ sở giáo dục, Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em theo số 111, Trung tâm công tác xã hội các cấp hoặc các đơn vị cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 10/2/2019.

PHẢI LẤY Ý KIẾN TRẺ EM KHI XÂY DỤNG VĂN BẢN LIÊN QUAN

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em.

Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành sự phát triển của trẻ em.

tre-em.jpg
Từ 15/2, phải lấy ý kiến của trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan

 Các cơ qua trên phải tạo môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, không phân biệt đối xử, không trù dập, kỳ thị khi trẻ em bày tỏ hoặc không bày tỏ ý kiến; bảo đảm bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em tham gia lấy ý kiến.

Thông tư cũng nêu rõ, ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, ý kiến của Tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phải được cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu, phản hồi đầy đủ, kịp thời, khách quan, trung thực và sử dụng đúng mục đích.

Người thực hiện lấy ý kiến của trẻ em phải có kiến thức, thái độ thân thiện, kỹ năng phù hợp để làm việc với trẻ em. Việc lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em thực hiện theo quy định.

Trong quá trình tổ chức lấy ý kiến của trẻ em phải bảo đảm việc kịp thời cung cấp, giải thích thông tin, hỗ trợ cho trẻ em.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

QUY ĐỊNH MỚI VỀ THỜI GIAN TẬP SỰ CỦA GIÁO VIÊN

Từ ngày 8/2, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo quy định tại Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT do Bộ GG&ĐT mới ban hành.

Theo đó, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên/giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự trong các trường hợp cụ thể như sau:

Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng III, giáo viên THPT hạng III, giáo viên dự bị đại học hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng (quy định hiện hành giáo viên THPT chỉ cần tập sự 9 tháng).

Tuyển dụng vào chức danh giáo viên THCS hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng. Tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.

QUẢN LÝ TIỀN THU ĐƯỢC TỪ BÁN ĐẤU GIÁ THUỐC LÁ NGOẠI NHẬP LẬU BỊ TỊCH THU

 Thông tư 122/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 1/2 hướng dẫn việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ hoạt động bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu đảm bảo chất lượng để xuất khẩu ra nước ngoài.

Thông tư nêu rõ nội dung chi phí liên quan đến bán đấu giá thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu gồm: Chi phí kiểm nghiệm, giám định chất lượng; chi phí vận chuyển, giao nhận, bảo quản từ khi có quyết định tạm giữ hoặc tịch thu đến khi hoàn thành việc bán đấu giá; thù lao dịch vụ đấu giá...

thuoc-la-lau.jpg
Cơ quan chức năng bắt giữ một vụ buôn bán thuốc lá lậu

 Ngoài ra, tiền có được từ đấu giá sẽ chi cho các khoản sau: Mua tin thuốc lá nhập lậu tối đa không quá 200 triệu đồng/vụ việc; chi xăng dầu cho phương tiện để kiểm tra, bắt giữ đối tượng và tang vật vi phạm; bồi dưỡng làm đêm, làm thêm giờ cho cán bộ, công chức…

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được số tiền thu được do đấu giá thì cơ quan, đơn vị được giao tổ chức bán đấu giá có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm