pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều chuyến bay phải "né" Hà Nội vì sương mù
Cụ thể, do điều kiện thời tiết xấu, mây mù, tầm nhìn giảm tại sân bay Nội Bài ảnh hưởng tới việc khai thác, Vietnam Airlines và Pacific Airlines đã điều chỉnh các chuyến bay đến sân bay Nội Bài trong ngày 21/1.
Theo đó, hãng Hàng không quốc gia chuyển hướng 2 chuyến VN248, VN7246 bay từ TP.HCM tới Hà Nội sang hạ cánh tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng). Hãng cũng chuyển hướng 2 chuyến VN7206, VN210 bay từ TP.HCM tới Hà Nội sang hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, chuyến bay VN1602 từ Buôn Ma Thuật tới Hà Nội cũng phải chuyển sang hạ cánh tại sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Chuyến bay VN1612 từ Pleiku tới Hà Nội phải chuyển hướng hạ cánh sang hạ cánh sân bay Đà Nẵng. Chuyến bay VN8714 từ Vinh tới Hà Nội đổi hạ cánh sang sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Ngoài ra, nhiều chuyến bay nội địa khác của hai hãng cũng bị ảnh hưởng dây chuyền như phải bay chờ, thay đổi thời gian cất cánh tại sân bay xuất phát do thời tiết xấu tại sân bay Nội Bài.
Với Bamboo Airways, hãng phải chuyển hướng chuyến bay QH1032 từ Côn Đảo - Hà Nội, sang hạ cánh tại Thanh Hóa. Chuyến bay QH1422 từ Đà Lạt - Hà Nội đổi hướng đến Vinh. Chuyến bay QH1404 từ Buôn Mê Thuột - Hà Nội đổi hướng đến Hải Phòng.
Chuyến bay QH212 của hãng từ TP.HCM - Hà Nội đổi hướng đến Đà Nẵng và chuyến bay QH1212 từ Quy Nhơn - Hà Nội đổi hướng đến Đà Nẵng.
Tới đầu giờ chiều, Bamboo Airways cho biết theo tín hiệu khả quan từ khí tượng, các chuyến bay trên chuẩn bị cất cánh về Hà Nội.
Sáng 21/1, Hà Nội chìm trong lớp sương mù kèm bụi bẩn. Các tòa nhà cao tầng biến mất trong lớp bụi mờ, tầm nhìn xa giảm, ô nhiễm không khí dễ dàng được nhìn thấy bằng mắt thường. Trạng thái này bắt đầu xuất hiện từ ngày 20/1 và kéo dài cả ngày.
Cụ thể, sáng 21/1, hệ thống quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ghi nhận năm điểm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 200, tương đương với mức rất xấu, "mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn".
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định nguyên nhân là lặng gió, nghịch nhiệt, đối lưu khí quyển thấp làm cho các chất ô nhiễm (do giao thông, xây dựng, đốt rơm rạ...) không thể phát tán lên cao hoặc đi xa.