Nhiều điều thú vị giờ mới biết về người sở hữu 33 bằng đại học

06/05/2018 - 06:56
Đó là sự nỗ lực của bản thân, biết lắng nghe người khác, có kỹ năng sống để thích nghi với mọi hoàn cảnh sống nhưng không được đánh mất bản thân và tâm hồn - người có 33 bằng đại học chia sẻ.

Tiến sĩ Hubert Petit (công dân Pháp), người giữ 33 bằng đại học và được ghi vào Sách Kỷ lục Guinness thế giới là người có nhiều bằng đại học nhất vừa có chuyến thăm Việt Nam. Ông đã chia sẻ quan điểm sống của mình với độc giả Phụ nữ Việt Nam.

- Điều gì đã thôi thúc ông học và hoàn thành nhiều bằng Đại học đến thế? Liệu bằng cấp có phải là thước đo độ tài giỏi của một con người?

Chúng ta không thể học nếu không tò mò, có mong muốn tìm hiểu. Tôi học nhiều vì tôi có nhu cầu muốn khám phá những điều mà tôi chưa biết.

Tất nhiên, tri thức có thể được lĩnh hội mà không cần qua hệ thống bằng cấp và thành công không nhất thiết cần phải có bằng cấp. Tuy nhiên, tự học là con đường rất khó khăn và không phải ai cũng làm được. Trong khi học đại học, ta tiếp thu được một hệ thống kiến thức cơ bản, đầy đủ sau đó mình tự học thêm những kiến thức khác có tốt hơn không. Chính vì vậy, học tập và vượt qua các kì thi là con đường ngắn nhất và dễ dàng nhất để có thể chạm đến thành công.

Tiến sĩ Hubert Petit giao lưu với các bạn trẻ Việt Nam

 - Vậy ông đã mất bao lâu để hoàn thành 33 bằng đại học cũng như việc sắp xếp thời gian học thế nào để không bị trùng nhau?

Nhiều người hỏi rằng tôi đã mất bao lâu để hoàn thành sự nghiệp học hành ấy nhưng không có câu trả lời cụ thể nào cả. Bởi khi đam mê, ham thích điều gì đó rồi thì thời gian sẽ không còn là mối bận tâm nữa.

Tôi vừa học vừa làm từ năm 18 tuổi, sau này khi đã có gia đình rồi, tôi vẫn thích học và không ngừng học. Đó cũng chính là lý do tại sao tôi lại có thể học tốt nhiều lĩnh vực khác nhau như thế.

Trong quá trình học, tôi có nhiều môn trùng giờ nhau, thậm chí có những môn tôi không tham dự được từ đầu đến cuối khóa học. Có những bằng, tôi thấy mình toàn đi thi. Vì thế, việc tự học là rất quan trọng.

Ngoài ra, tôi cũng phải biết sắp xếp thời gian nữa. Tôi từng phải thi môn hỏi đáp về chính trị lúc 9h và 11h cùng ngày hôm đó, tôi lại phải học môn Y học. Tôi đã phải sắp xếp với bạn bè để tôi có thể thi hỏi đáp trước họ. Như vậy, tôi đã kịp thời gian để 11h đi học Y.

- Người Việt Nam chúng tôi có câu “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, ông nghĩ sao khi bản thân mình học quá nhiều lĩnh vực và cũng làm khá nhiều nghề?

Tôi đã trải qua 12 công việc với tư cách là một bác sĩ, một luật gia, một nhà kinh tế học và sau đó, trong vòng 7 năm, tôi làm việc với tư cách là kiểm toán viên, là nhà ngoại giao, hiện nay thì là giảng viên tại trường đại học và… tôi chưa bao giờ chết đói (cười!).

Tuy nhiên, tùy từng bối cảnh thôi chứ không phải cùng một lúc tôi làm 12 nghề.

Tôi nghĩ, cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta nhiều cơ hội, những sự tình cờ và những bối cảnh. Cơ hội tình cờ bối cảnh kỹ năộc sống mà ta lựa chọn theo mong muốn. Vì thế, khi ta có đủ kỹ năng thì sẽ không thiếu cơ hội để chúng ta được thể hiện.

Người lập kỷ lục có nhiều bằng đại học nhất thế giới chia sẻ về quan điểm sống

- Ông có thể chia sẻ phương pháp học của mình cho các bạn trẻ?

Điều thứ nhất, cần có một phương pháp học cho riêng mình, phương pháp này có thể không giống ai nhưng phù hợp với cá nhân. Thứ hai, cần xác định rõ mục tiêu: học để làm gì? Thứ ba, thực sự có đam mê. Thứ tư, ham học hỏi, tò mò. Thứ năm, cần phải có kỷ luật. Và cuối cùng, đó là sự may mắn.

Không có ai đi đến thành công mà chưa từng phải nỗ lực và cố gắng. Bạn cũng cần phải trau dồi những kỹ năng sống để thích nghi trong mọi hoàn cảnh nhưng vẫn phải luôn giữ được bản sắc riêng của mình.

- Dành nhiều thời gian cho việc học tập như vậy, tôi băn khoăn cuộc sống hàng ngày của ông có bị đảo lộn?

Mọi người đừng nghĩ tôi chỉ có học không thôi. Tôi bắt đầu tự kiếm sống từ năm 18 tuổi. Kì nghỉ hè năm ấy, tôi làm thêm ở công ty chuyển thư, chuyển hàng. Qua đó, tôi biết được quá trình, ekip vận chuyển như thế nào. Đó cũng là một cách học.

Tôi cũng có gia đình riêng như tất cả mọi người. Ngoài ra, tôi còn đi dạy nhảy valse, chachacha, zumba, rock… và tôi còn dạy cả môn karatedo nữa.

Tôi cũng luôn đảm bảo ngủ đủ giấc. Với tôi, ngủ đủ 7 tiếng mỗi ngày là rất quan trọng.

-Vợ ông có cằn nhằn về việc ông học quá nhiều không?

Vợ tôi là một bác sĩ y khoa Mắt, con gái tôi có thắc mắc sao mẹ học ít vậy, vợ tôi trả lời: Vì bố đã học nhiều rồi... (cười!)

- Việc học của ông có tác động đến con cái thế nào?

Với con cái, tôi chỉ đưa ra điểm khởi đầu và kỹ năng sống. Điểm khởi đầu, tôi giúp chúng nhận ra rằng muốn đạt được điều gì cần sự nỗ lực của bản thân, cần là chính mình và biết lắng nghe người khác. Tiếp đó là kỹ năng sống, tôi dạy chúng cách thích nghi và không đánh mất tâm hồn.

Con gái tôi đang làm việc tại Liên hợp quốc, trụ sở tại Mỹ. Con tôi có 4 bằng đại học và tôi nghĩ như vậy là đủ.

Tiến sĩ Hubert Petit giữ 33 bằng đại học bao gồm Y tế, Luật, Kinh tế, Khoa học chính trị, Quan hệ quốc tế, Toán học, Văn học, Ngoại giao, Dịch tễ học, Xã hội học, Dân tộc học, Ngôn ngữ và văn minh phương Đông...

 Ông là giảng viên trường Đại học Strasbourg và nhiều trường đại học khác trên thế giới. Ông là Đại sứ của Cộng đồng Pháp ngữ. Ông đã từng làm việc trong cơ quan ngoại giao của Pháp và Liên minh châu Âu, tại Trung Đông, Balkans, châu Á, châu Phi, Hội đồng châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và UNESCO. Ông cũng từng giữ các vị trí trong bộ Y tế Pháp, với cương vị bác sĩ ở Tây Nam nước Pháp.

 Ông được trao Huân chương Cành cọ Hàn lâm Pháp, bác sĩ danh dự của đại học Tirana. Trong số các bài giảng của ông, có thể kể đến Các vấn đề châu Âu tại Albania (chương trình thạc sĩ), Nghiên cứu về châu Á hiện đại tại đại học New York, Ngoại giao châu Âu tại đại học Cairo, tại học viện ngoại giao của Kazakhstan và của Cộng hòa Dân chủ Congo

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm