Nhiều gia đình lao đao khi vật giá leo thang ở Indonesia

Hồng Anh
26/09/2022 - 07:19
Nhiều gia đình lao đao khi vật giá leo thang ở Indonesia

Anh I Made Nuka cùng 2 con trai. Ảnh: SCMP/Resty Woro Yuniar

Lạm phát, giá nhiên liệu và giá thực phẩm tăng đã đẩy nhiều hộ gia đình nghèo tại Indonesia vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Lựa chọn khó khăn của hộ gia đình nghèo

Tháng 7 năm nay, I Made Nuka đã phải đối mặt với sự giằng xé khi anh chỉ có số tiền ít ỏi, nhưng lại phải lựa chọn giữa việc cho con đi học và mua thức ăn nuôi gia đình.

Cuối cùng, anh đành phải lựa chọn phương án thứ hai, theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông, Trung Quốc).

Gia đình anh Made sống trong một ngôi làng ở hòn đảo du lịch Bali nổi tiếng của Indonesia, cách khu du lịch nhộn nhịp chỉ khoảng 20 phút lái xe. Anh Made là công nhân xây dựng với công việc không cố định.

Con cả của anh Made, I Putu Agus Buda Astrawan, tốt nghiệp cấp 2 từ hai năm trước, nhưng chàng trai 21 tuổi không được nhận bằng tốt nghiệp do không thể trả khoản nợ học phí khoảng 10 triệu rupiah (665 USD). Điều đó đồng nghĩa với việc Putu gần như không thể tìm được việc làm để đỡ đần gia đình.

Trong những tháng có nhiều việc, anh Made có thể kiếm được tới 2,1 triệu rupiah/tháng - số tiền đủ để nuôi gia đình ăn ba bữa/ngày với các món ăn thường thấy là tempeh (tương nén truyền thống của Indonesia), đậu phụ và rau. Made nói rằng thịt vẫn là một thứ xa xỉ đối với gia đình anh.

Gia đình anh Made sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo chỉ rộng khoảng 24 mét vuông, nhưng thực tế diện tích thực dùng chỉ vào khoảng 12 mét vuông, bởi một phần mái nhà đã bị sập.

Bản thân anh Made cũng chưa tốt nghiệp cấp 2, nhưng anh nói rằng mình "rất buồn" khi cậu con trai con út 12 tuổi, I Kadek Ardita Yana Wiradana, cũng có thể sẽ phải đối mặt với số phận tương tự.

"Tôi cảm thấy mình là người cha thất bại", Made nói với SCMP. "Nếu tôi đủ khả năng chi trả, thì tôi sẽ cho con đi học đủ 12 năm, nhưng tôi có thể làm gì khác đây? Với tình hình hiện tại, tôi chỉ có thể cho con đi học hết tiểu học".

Để cho Ardita đi học cấp 2, anh Made sẽ cần khoảng khoảng 1,1 triệu rupiah (tương đương 73 USD) để trả tiền mua đồng phục và sách vở cho con. Nhưng kể từ khi giá nhiên liệu tăng trong tháng này, Made không thể đổ xăng cho chiếc xe máy cũ của mình nữa, và điều đó cũng khiến anh không thể đi tìm việc làm.

Trong bối cảnh lạm phát đã tác động đến giá thực phẩm cơ bản - đặc biệt là dầu ăn, gia đình anh Made buộc phải "thắt lưng buộc bụng". Made nói rằng anh hiện chỉ đủ khả năng mua dầu ở mức "hạn chế".

Lạm phát ở Indonesia trong tháng 8 vừa qua ở mức 4,69%, giảm nhẹ so với mức 4,94% trong tháng 7 - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua.

"Nếu không tìm được việc làm, tôi phải vay mượn bạn bè hoặc hợp tác xã trong làng", người đàn ông 47 tuổi nói. "Hai tháng trước, tôi vừa phải vay hợp tác xã 600.000 rupiah, nhưng tôi vẫn còn nợ bạn bè 3 triệu rupiah nữa."

Putu, con trai cả của anh Made, được giao nhiệm vụ nấu ăn cho gia đình. Cậu nói rằng giá dầu ăn tại cửa hàng địa phương hiện vào khoảng 12.000 rupiah/lít, giảm so với mức 20.000 rupiah/lít của vài tháng trước.

Tuy nhiên, năm ngoái giá dầu ăn chỉ ở mức 8.000 rupiah/lít, Putu nói.

Cách ngôi nhà xiêu vẹo của gia đình anh Made khoảng 10 phút lái xe là nhà chị Ni Luh Sudiasih, một bà mẹ ba con làm nghề bán canang sari - lễ vật mà người theo đạo Hindu ở Bali dâng lên vị thần Sang Hyang Widhi Wasa.

Giống như anh Made, chị Ni Luh cũng gặp khó khăn trong việc mua thức ăn cho gia đình khi vật giá leo thang, nên chị đã bắt đầu đi kiếm rau trong vườn nhà hàng xóm để các con có cái ăn. Chống chị Ni Luh đã mất việc làm kể từ khi anh bị mất thị lực cách đây 6 năm, nên chị hiện là cột duy nhất trong gia đình.

"Tôi thực sự cảm nhận rõ tác động của lạm phát. Trước đây gạo có giá 10.000 rupiah/kg, bây giờ đã tăng giá lên 12.000 rupiah/kg. Chỉ tăng có 2.000 rupiah thôi, nhưng với tôi là cả vấn đề. Trước đây tôi có thể mua một miếng tempeh với ngần ấy tiền", chị Ni Luh nói.

Thu nhập của chị Ni Luh từ việc bán canang sari là khoảng 35,000 rupiah/ngày (khoảng 2,33 USD).

"Tôi cho các con ăn cơm trưa với tempeh, đậu phụ và rau. Nhưng nếu tôi không có tiền để mua các món phụ, thì tôi sẽ chỉ rang cơm thôi", chị Ni Luh nói.

Nguy cơ tạo ra "vòng luẩn quẩn của đói nghèo"

Jakarta đã phân bổ 24,17 nghìn tỷ rupiah (1,6 tỷ USD) trong các đợt hỗ trợ tiền mặt cho hơn 20 triệu gia đình nghèo nhất của đất nước trước làn sóng lạm phát khiến giá nhiên liệu tăng theo.

Các gia đình đủ điều kiện đã nhận được hỗ trợ thông qua Chương trình Family Hope của chính phủ, và sẽ được cấp thêm 600.000 rupiah (40 USD) cho mỗi gia đình.

Gia đình anh Made cũng nằm trong diện được nhận hỗ trợ. Made cho biết trong đại dịch COVID-19, gia đình anh đã nhận các khoản hỗ trợ trong gói chăm sóc xã hội - bao gồm gạo, dầu ăn và các thực phẩm cơ bản khác.

Tuy nhiên, Made cho biết gia đình anh vẫn chưa nhận được tiền mặt. Còn Ni Luh nói rằng gia đình chị đã không còn nhận được các gói viện trợ từ năm ngoái.

Những đứa trẻ trong hai gia đình này cũng chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào từ Chương trình Smart Indonesia, chương trình trợ giúp xã hội và hỗ trợ học phí được triển khai vào năm 2008 nhằm giải quyết tình trạng tỷ lệ nhập học thấp và giảm tỷ lệ học sinh nghèo bỏ học.

Indonesians made to choose between food and school fees as inflation hits poorest hardest - Ảnh 1.

I Made Nuka và gia đình anh sống trong một ngôi nhà xiêu vẹo, mái nhà đã bị sập một phần. Ảnh: SCMP/Resty Woro Yuniar

Ông Retno Listyarti, một ủy viên của Ủy ban Quốc gia về Bảo vệ Trẻ em, cho rằng chính phủ Indonesia nên cải tiến cơ sở dữ liệu cho Chương trình Smart Indonesia. Năm nay, chương trình này đã phân bổ 9,6 nghìn tỷ rupiah (638,8 triệu USD) để giúp đỡ khoảng 17,9 triệu học sinh trong diện hỗ trợ.

"Tôi cho rằng số học sinh có nguy cơ bỏ học đang gia tăng sau khi nhiên liệu tăng giá. Số tiền từ Chương trình Smart Indonesia có thể giúp chi trả tiền đi lại cho các em học sinh, vì có những trường hợp đã được nhà trường miễn học phí, nhưng địa điểm của trường lại cách nhà học sinh quá xa", ông Retno nói.

Ông Retno phân tích: Nếu có nhiều trẻ em bỏ học hơn, thì điều đó sẽ cản trở mục tiêu giảm thiểu đói nghèo của chính phủ và gia tăng tỷ lệ tảo hôn. Và nếu điều này tiếp tục diễn ra, thì nó sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn của đói nghèo, do các bậc cha mẹ chỉ tốt nghiệp tiểu học sẽ bị hạn chế hơn về nguồn lực, khó chi trả cho giáo dục để con cái được học cao hơn.

Gia đình anh Made và chị Ni Luh vẫn còn hy vọng, nhờ vào Bali Children’s Project - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục tiêu giúp trẻ em Bali thoát nghèo thông qua giáo dục.

Hiện tại, Bali Children’s Project đang chi trả học phí cho 584 trẻ em - bao gồm các con của anh Made và chị Ni Luh. Con số được ghi nhận trong năm 2020 là 474 trẻ. Kể từ khi giá nhiên liệu tăng, danh sách xin hỗ trợ của tổ chức này đã dài thêm, theo bà Anastasia Restu Rahayu, giám đốc của Bali Children’s Project.

Theo bà Rahayu, nhiều em học sinh - đặc biệt là những em muốn theo học trường nghề - đang gặp khó khăn trong việc mua nhiên liệu để đến trường, khi các cơ sở đào tạo thường ở xa so với nhà các em. "Một trong những học sinh được chúng tôi tài trợ đã phải từ bỏ ước mơ đi học nghề vì lí do này", bà Rahayu nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm