pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều hàng quán ở Hà Nội chấp nhận chuyển về ngõ nhỏ hoặc bán vỉa hè vì không đủ chi phí thuê nhà mặt phố
Từng là một cửa hàng ngay mặt phố Đại La, nay chuyển về ngõ sâu nên cô H. phải treo nhiều biển chỉ dẫn.
Càng về những tháng cuối năm, người ta càng nhắc nhiều hơn về tình hình kinh tế. Một khung cảnh chung ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng là nhiều mặt bằng ở vị trí đắc địa, trước kia khó có thể thuê thì nay bị trả lại, để trống hay treo biển cho thuê hàng loạt.
Còn riêng tại Hà Nội, tình hình trả mặt bằng đã xảy ra ở các tuyến phố vốn buôn bán sầm uất hay ở các con đường trung tâm thực chất đã diễn ra từ những tháng giữa năm 2023. Đúng như trong báo cáo thị trường bất động sản của Bộ xây dựng vào quý 2/2023 đã dự đoán: "Nếu như nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh quý 2/2023 so cùng kỳ năm 2022 tại trung tâm thương mại cơ bản ổn định thì nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ nhà phố có xu hướng giảm, xuất hiện lại hiện tượng trả mặt bằng cho thuê đối với loại hình mặt bằng bán lẻ nhà phố ngay những vị trí trung tâm thành phố".
Nhiều nơi trên các tuyến phố ở Hà Nội đều có biển cho thuê, trả mặt bằng, từ nhà to đến cửa hàng nhỏ.
Chưa bàn đến các doanh nghiệp, khách thuê lớn, ngay các hàng quán, người kinh doanh nhỏ lẻ ở Hà Nội cũng nghĩ ra vô số giải pháp để làm sao vừa có thể duy trì công việc buôn bán, vừa cân đối được số vốn cá nhân.
Chấp nhận chuyển về nhà ở trong ngõ sâu để tiết kiệm một khoản lớn
Gia đình cô N.T.H đã mở bán mì vằn thắn được 26 năm, cửa hàng trên mặt đường Đại La cũng quen thuộc với nhiều vị khách. Từ thời điểm Covid-19, cộng thêm việc tuyến đường thi công mở rộng, công việc buôn bán bắt đầu có những biến động. Vì cản trở đi lại, bụi bẩn nên các khách hàng ngại tìm tới, quán dần vắng khách. Trong khi lúc đó, mỗi tháng cô vẫn phải trả cho chủ nhà số tiền thuê gần 8 triệu đồng/tháng.
"Cứ nghĩ đường sắp xong và dịch sắp hết nên cố giữ lấy vị trí quen thuộc đã bao năm của gia đình, để các vị khách quen còn tìm thấy. Thế là cô bỏ phí gần 2 năm, vừa bán, vừa lo liệu tiền thuê nhà", cô H. kể.
Sau khi đường làm xong, dịch ổn định trở lại thì chủ nhà lại tăng phí thuê mặt bằng. Không chỉ ở vị trí cũ mà cô H. cho biết đã từng hỏi sang khu vực đường Thanh Nhàn, Lê Thanh Nghị - những nơi đông dân cư, sinh viên... Nhưng cô cũng như một số hộ kinh doanh khác, không khỏi sốc khi phí thuê ở bên đó cũng tăng tới 30% - 40% so với thời điểm trước dịch.
Sau khi suy xét, đến tận tháng 10/2023, cô H. quyết định chuyển hàng về ngay ngôi nhà của gia đình ở một con ngõ trên đường Minh Khai, cách địa chỉ bán hàng cũ chỉ chừng hơn 1km. "Hạn chế lớn nhất là nhà cô ở giữa ngõ, từ ngoài đường lớn đi vào cũng khá sâu, khách không dễ để tìm vì họ đã quá quen với hàng cũ. Tuy nhiên, cái lợi thế lớn nhất là sẽ không phải tốn một khoản chi lớn cho tiền thuê mặt bằng."
Một tháng đầu mở lại hàng mì ở nhà, cô H. mỗi ngày chỉ bán được chừng 10 - 20 bát, nhưng cô chia sẻ rằng rất vui vì cảm thấy không còn gánh nặng mặt bằng lên vai. Cô làm các biển chỉ dẫn, ghi rõ cụ thể địa chỉ và treo từ cột điện đầu ngõ vào đến trong ngõ để các khách hàng tiện di chuyển. Ngoài ra, các con cô cũng phụ mẹ đưa thông tin lên các hội nhóm, mạng xã hội để những vị khách quen hay biết.
Không có sẵn vị trí như hàng mì của cô H., lại kinh doanh quán cà phê nên H.T chỉ có thể thuê một vị trí trong con ngõ nhỏ Thọ Xương. Dù khoảng cách tới Nhà thờ Lớn mấy bước chân nhưng dễ bị khuất bởi những căn nhà cao tầng chi chít cho nên quán cũng chỉ mở ngày thường, nghỉ thứ 7, chủ nhật. Theo lời chia sẻ, thời điểm mở quán ở tuổi 24, bạn trẻ này bị nhiều người khuyên ngăn, cấm cản nhưng vẫn quyết tâm làm. Bạn chuẩn bị nguyên liệu, trang trí, làm sao cho mọi thứ thật hoàn hảo.
Tháng đầu vận hành, doanh thu khá cao nhưng vẫn phải bù lỗ vì chưa tối ưu được chi phí. Tháng thứ 2, rồi tháng thứ 3, tháng thứ 5... liên tiếp là những khoản lỗ... Nhân viên từ 4 người đành phải cho nghỉ dần, có những ngày không một vị khách... Cả một năm qua đều trong tình trạng gồng lỗ.
Người kinh doanh nhỏ lẻ chọn bán hàng vỉa hè
Với số vốn chỉ 5 triệu đồng, Hải Nam (34 tuổi) từng nghĩ sẽ thuê được một tầng của căn nhà nhỏ ở trên đường Phùng Khoang để mở hàng bán sinh tố, nước ép vào mùa hè vừa qua. Thế nhưng, bước đầu đã gặp gian nan khi đi dọc cả con đường, hỏi nhiều nhà treo biển cho thuê tầng 1 thì giá thuê thấp nhất mà chủ nhà đưa ra là 7 triệu đồng, cho dù anh đã kỳ kèo xin giảm. Loay hoay chưa tìm được mặt bằng, đã thất nghiệp suốt 3 tháng trời, Nam đành gác lại những kế hoạch ban đầu và quyết định mở xe bán vỉa hè.
"Với 5 triệu, mình mua một xe hàng được thiết kế đơn giản. Chỉ mới 1 năm trước, mình từng đi hỏi thì nhà nhỏ cho thuê chỉ 3,5 triệu/tháng. Không ngờ bây giờ với số tiền 5 triệu lại chỉ có thể đứng ở vỉa hè như thế này", Hải Nam chia sẻ.
Những xe bán hàng mọc lên ở vỉa hè mọi con đường.
Và nếu đi dọc các tuyến phố ở quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông như Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Chánh, Lê Văn Lương, Lương Thế Vinh... không khó để bắt gặp những xe bán nước ép, cà phê muối.... Mà đứng bán đều là những người trẻ có cùng câu chuyện buôn bán, thuê mặt bằng giống như Hải Nam.