Nhiều hệ thống hạ tầng làm giảm khả năng thoát lũ của các sông

31/07/2018 - 18:45
Những ngày qua do ảnh hưởng của mưa lũ, mực nước nhiều sông chính và nội địa, hồ chứa lớn tại Hà Nội lên cao, thậm chí nhiều sông, hồ có mực nước vượt ngưỡng thiết kế.

Qua đi kiểm tra thực tế đêm qua (ngày 30/7) tại tuyến đê sông Bùi, huyện Chương Mỹ - nơi bị ảnh hưởng ngập nặng nề do mưa lũ với mực nước ngấp nghé mặt đê, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng đã có chia sẻ với báo chí về tình hình mưa lũ nơi đây. 

1_53153.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng
 

- Qua đi kiểm tra thực tế tình hình ở huyện Chương Mỹ, Thứ trưởng có đánh giá thế nào về tình hình mưa lũ nơi đây? 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Sau bão số 3, mưa lũ kéo dài gây ra ngập lớn ở nhiều tỉnh. Mưa cường độ lớn, tập trung nhanh uy hiếp sự an toàn của đê, nhất là những đê cấp 4. Tuy là đê cấp 4 nhưng phạm vi ảnh hưởng rất lớn. 

Có ý kiến cho rằng, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Hiện nước sông Bùi đổ ra sông Tích, sông Tích đổ ra sông Đáy và khả năng thoát của của các sông phụ thuộc vào sông Đáy. Bên cạnh đó, đổ vào sông Đáy còn có sông Hoàng Long. 

Có thể, lũ hôm qua là do từ ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống; trong đó, có nước từ Hưng Thi đổ ra các sông Ninh Bình rồi đổ ra sông Đáy. Tuy có cửa sông nhưng việc thoát nước của sông Đáy ra sông Hồng bị hạn chế. 

Lũ sông Đà nối với sông Đào nhưng mực nước thấp và hôm qua sông Đà đã dừng xả nên cần có những đánh giá một cách khoa học. Chúng tôi đã giao cho các đơn vị khoa học đánh giá cụ thể. Về sơ bộ có thể là ảnh hưởng một phần từ sông Hoàng Long nên khả năng thoát ra biển yếu đi. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có suy nghĩ là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng lấn ra các sông làm giảm khả năng thoát lũ. Đây là vấn đề cũng cần quan tâm và có đánh giá. Tôi chưa có đủ thông tin về điều này nhưng một trong những suy nghĩ là như vậy. 

Và không chỉ ở sông Bùi mà nhiều hệ thống sông cả nước, hệ thống cơ sở hạ tầng làm giảm khả năng thoát lũ là một thực tế. 

- Mực nước dâng cao đã ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở Chương Mỹ. Việc khắc phục đã được triển khai như thế nào? 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Hôm qua, các đơn vị chức năng, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng có các đoàn kiểm tra. Khi tôi xuống kiểm tra, các hệ thống bờ bao bằng các bao tải cát cũng đã được củng cố tương đối cao, khoảng 40-50 cm. Các lực lượng vũ trang đã huy động triển khai rất tốt. 

Các đơn vị chức năng đã có cảnh báo, thông báo sớm cho người dân. Các kịch bản di dân cũng được xây dựng rất cụ thể nếu xảy ra sự cố, kể cả việc cung cấp, hay cắt điện, tổ chức giao thông như thế nào… Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị khá tốt. 

ttxvn_chuongmy180731.jpg
Hơn 800 hộ dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) vẫn ngập trong nước lũ (ảnh chụp sáng 31/7). Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
 

- Với những phương án mà thành phố đã đưa ra, Hà Nội có gặp khó khăn gì không? 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng: Thành phố Hà Nội rất lớn, khả năng thoát lũ của thành phố phụ thuộc rất nhiều sông bao quanh. Cho nên việc củng cố hạ tầng của thành phố cần tiếp tục phải làm. 

Qua đợt này, chúng ta phải nhận dạng những chỗ nào trũng thấp, đê thấp phải củng cố, đặc biệt là phải kiểm tra hướng thoát lũ xem chỗ nào cản lũ hay không. 

Chúng ta phải lồng ghép vấn đề phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Khi làm đường, xây dựng đô thị… phải chú ý đến thoát nước. 

Trong một lúc chúng ta cải thiện tất cả các vấn đề là rất khó. Nhưng việc cần phải làm ngay là hỗ trợ người dân về nước sinh hoạt, đề phòng dịch bệnh, hỗ trợ khắc phục những nhà xung yếu… Tôi nghĩ rằng chính quyền thành phố Hà Nội sẽ làm tốt điều này. 

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm