Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển nền kinh tế xanh

24/06/2019 - 16:16
Tại Diễn đàn “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Dự án Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với Biến đổi Khí hậu Việt Nam (VCIC), Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức đã khẳng định vai trò và đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển nền kinh tế xanh.
Trong chiều ngày 24/6, tại diễn đàn ‘Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh’ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp liên quan đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế xanh.
 
 
1.jpg
Các đại biểu tham gia Diễn đàn “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”  

 

Hiên nay, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam đang là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
 
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng, điều này đã đặt ra cho chúng ta những thách thức to lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để chúng ta cải tiến công nghệ, ứng phó với biển đổi khí hậu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong công cuộc đổi mới chung trên toàn thế giới.
 
Trước hiện trạng đó, Việt Nam và cộng đồng quốc tế cần phối hợp hành động với những ý tưởng mới và tư duy sáng tạo để tạo ra sự thay đổi. Một trong những chiến lược hàng đầu hiện nay là phát triển nền kinh tế xanh ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, sử dụng hiệu quả năng lượng, tạo ra việc làm và đảm bảo công bằng xã hội.
 
 
2.jpg
Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tham gia vào phát triển nền kinh tế xanh 

 

Để đạt được mục tiêu này, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, trong đó các nữ doanh nhân, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cùng đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu, tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, kinh tế và xã hội tại Việt Nam.
 
Nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế xanh
 
Hiện tại, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ của Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực (27%) nhưng lại tập trung chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, 94% nữ doanh nhân đang vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tiên. Do vậy, doanh nghiệp nữ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận tài chính, đất đai, công nghệ và các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước cũng như của cộng đồng tài trợ.
 
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh, trong những năm qua, Hội LHPNVN đã thực hiện nhiều sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có Dự án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp 2017- 2025 nhằm nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, chú trọng đến nữ làm chủ doanh nghiệp. Những hoạt động này đã góp phần nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, phát huy tinh thần đổi mới sáng tạo, góp phần xây dựng nền kinh tế xanh.
 
Trong năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua Dự án “Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu” và Hội LHPNVN đã tổ chức Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” nhằm hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ lãnh đạo phát triển và chuyển giao các sáng kiến công nghệ xanh, sạch ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
 
3.jpg
Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam, giới thiệu các chương trình hỗ trợ phụ nữ thông qua hợp tác với Hội LHPN Việt Nam

  

Bà Elisa Fernandez, trưởng văn phòng UN Women tại Việt Nam, cũng khẳng định: Thông qua hợp tác với Hội LHPN Việt Nam, sắp tới, UN Women sẽ tài trợ 700 triệu đồng cho 3 doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo, áp dụng những sáng kiến xanh, mang lại lới ích kinh tế và xã hội cho phụ nữ nghèo và dân tộc thiểu số.
 

Đặc biệt, Diễn đàn “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” sẽ tạo ra sự liên kết giữa các nhà hoạch định chính sách với đội ngũ doanh nhân, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ sạch. Đây còn là cơ hội để các nhà tài trợ trong và ngoài nước chia sẻ, học hỏi, đối thoại, vận động chính sách, hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng cường vai trò của các doanh nhân nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế xanh cũng như mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.    

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm