“Nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng”

BS. Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn, Hà Nội)
07/08/2020 - 17:52
“Nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng”
Trong đại dịch COVID, theo tôi không nên quá kì vọng vào vắc-xin, chủng vi-rút biến đổi theo nguyên lí giảm độc lực và dễ lây, nghĩa là nó sẽ chuyển sang trạng thái gây bệnh theo mùa. Bởi vậy mà hơn tất cả, mỗi người trong chúng ta hãy chủ động sống chung với vi-rút, nhìn thấy nó bằng trí tuệ để tránh ra.

SARS-CoV-2 đang biến đổi theo cách trốn tránh vắc-xin?

Khả năng miễn dịch là một điều không chắc chắn!

Ngay cả với những người đã nhiễm SARS-CoV-2, chúng ta vẫn chưa thể biết liệu bằng cách nào, mất bao lâu thời gian, thì người đó có thể miễn dịch với COVID-19. Đối với một số người, miễn dịch có thể kéo dài suốt đời, nhưng với người khác thời gian lại rất ngắn ngủi.

Vì thế mà tôi băn khoăn về vắc-xin phòng COVID.

“Nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng” - Ảnh 1.

Mỹ tuyên bố sẽ có vắc-xin tiêm chủng mở rộng vào cuối năm nay, Nga tuyên bố trong tháng 8, Trung Quốc lại khẳng định vắc-xin sẽ được chào đời đầu tiên ở quốc gia này chứ không phải nơi nào khác.

Tôi không tin hiệu quả của vắc-xin thần tốc như vậy!

Khoa học rất nghiêm ngặt, đặc biệt là khoa học vắc-xin. Quá khứ chúng ta đã từng thấy, với cúm lợn Mỹ vắc-xin sản xuất ra trở nên vô giá trị, thậm chí có hại nhiều hơn có lợi. Lịch sử cũng chưa từng ghi nhận vắc-xin lại xuất hiện thần tốc trong đại dịch.

Tôi ghi nhận cuộc chạy đua của 3 nhà sản xuất vắc-xin hàng đầu thế giới hiện nay:

- AstraZeneca và Đại học Oxford (Mỹ).

- Moderna (Mỹ).

- Sinovac Biotech (Trung Quốc).

Ngày càng có sự lạc quan rằng, cả 3 ứng cử viên này sẽ nhanh chóng về đích, nhưng tôi e công chúng đang tưởng tượng đến bữa tiệc ăn mừng quá sớm.

Điều mà tôi nghi ngờ đầu tiên là SARS-CoV-2 đang biến đổi theo cách trốn tránh vắc-xin.Hãy nhìn vào test nhanh kháng thể, nhà sản xuất dựa trên nguyên lí chọn những đoạn gen di truyền của vi-rút làm kháng nguyên mẫu, nếu cơ thể đã nhiễm bệnh và sản sinh kháng thể, thì sẽ xuất hiện phản ứng kết hợp kháng nguyên – kháng thể, tức là que thử dương tính.

Rõ ràng nhà sản xuất luôn công bố độ nhạy gần 100%.

Vậy tại sao hàng loạt quốc gia như Úc, Mỹ, Anh rồi cả châu Âu đều phải lắc đầu với test nhanh, khả năng chính xác của chẩn đoán từ gần 100% chuyển xuống còn gần 50/50, tức là chẳng khác gì việc tung đồng xu.

Tôi đoán theo logic, rất có thể chủng vi-rút đã đột biến quá nhiều, nó không còn là vi-rút thuần Vũ Hán nữa, nên test sử dụng kháng nguyên mẫu từ thời Vũ Hán sẽ không bị kháng thể của chủng vi-rút hiện nay phát hiện; đó là lí do để test nhanh">test nhanh âm tính giả quá nhiều so với công bố.

Điều này dự báo vắc-xin sản xuất theo mẫu vi-rút Vũ Hán, nếu có sinh kháng thể rất tốt, thì kháng thể đó nhiều khả năng không có mấy tác dụng với chủng vi-rút đã biến thể; nghĩa là bài học vắc-xin cúm lợn Mỹ sẽ lặp lại.

“Nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng” - Ảnh 2.

Nếu kháng thể yếu thì liệu miễn dịch có bền vững được lâu dài hay không?

Điều tôi nghi ngờ thứ 2 là khả năng miễn dịch.

Tôi có cảm giác dường như SARS-CoV-2 tấn công vào hệ miễn dịch, làm suy yếu, vì thế mà cơ thể khó khăn trong việc tạo kháng thể, mà một trong những bằng chứng là thời gian xuất hiện IgM và IgG khá dài, có thể sau 2 tuần mới đạt ngưỡng phát hiện.

Cho dù vắc-xin có tạo ra kháng thể chống lại được vi-rút đột biến, nhưng nếu kháng thể yếu thì liệu miễn dịch có bền vững được lâu dài hay không, đó là điều tôi rất nghi ngờ. Nghiên cứu về miễn dịch của SARS-CoV-1 năm 2003 cho thấy, khả năng duy trì miễn dịch của những người đã bị SARS được 2 năm, sau đó giảm rất nhanh. Hai chủng coronavirus gây cảm lạnh là OC43 và HKU1 cũng chỉ có thời gian miễn dịch 45 tuần sau nhiễm.

Theo dõi các chủng vi-rút đột biến trong đại dịch này, tôi cho rằng SARS-CoV-2 ở thời điểm hiện tại khác rất xa so với chủng ở Vũ Hán, nó đã biết trốn tránh để không bị phát hiện bởi test nhanh kháng thể một cách ngoạn mục, thì tôi dự đoán vắc-xin ra đời sẽ chẳng có mấy tác dụng phòng bệnh.

Vì thế mà trong đại dịch COVID, theo tôi không nên quá kì vọng vào vắc-xin, chủng vi-rút biến đổi theo nguyên lí giảm độc lực và dễ lây, nghĩa là nó sẽ chuyển sang trạng thái gây bệnh theo mùa. Bởi vậy mà hơn tất cả, mỗi người trong chúng ta hãy chủ động sống chung với vi-rút, nhìn thấy nó bằng trí tuệ để tránh ra.

“Nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng” - Ảnh 3.

Những biện pháp rất đơn giản để tránh không bị nhiễm:

- Đeo khẩu trang đúng cách.

- Ho hay hắt hơi che kín mũi miệng đúng cách.

- Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy 20 giây.

- Giữ khoảng cách tối thiểu 1m và được 2m càng tốt.

Chủng SARS-CoV-2 hiện tại dường như đã đột biến khác xa so với chủng vi-rút ở Vũ Hán hồi đầu năm, nó có thể tránh được sự phát hiện bởi test nhanh kháng thể một cách ngoạn mục, nên có nhiều khả năng vắc-xin sản xuất ra sẽ ít tác dụng. Chúng ta không nên quá kì vọng vào vắc-xin, mặc dù chắc chắn vắc-xin sẽ được sản xuất trong thời gian không lâu nữa, nhưng Việt Nam hãy cẩn trọng khi bỏ ra hàng tỉ đô la để nhập khẩu vắc-xin. Nhiệm vụ của các nhà khoa học Việt Nam sẽ rất quan trọng, đó là khi vắc-xin ra đời, thì phải nhanh chóng trả lời được câu hỏi vắc-xin ấy có tác dụng phòng bệnh tốt hay không, để tránh đốt tiền vì sự thiếu hiểu biết.

Hãy thật sáng suốt khi nhập khẩu vắc-xin trong đại dịch COVID-19!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm