pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều người bỏ qua chung cư, chọn mua đất xây nhà dù tốn kém
Mong muốn có không gian thoải mái hơn
Chí Linh (35 tuổi) vừa xây căn nhà gồm 1 tầng lửng, 2 lần và 1 sân thượng trên mảnh đất khoảng 40m2. Được biết, phần thô xây dựng hết 700 triệu đồng, chi phí hoàn thiện và nội thất khoảng 1 tỷ đồng. Chí Linh cùng vợ đã lên kế hoạch xây nhà với tiêu chí là nhà phải sáng, thoáng và mát cho con có nhiều chỗ chơi.
Khi được hỏi tại sao không mua chung cư - loại hình nhà cửa nhiều người lựa chọn hiện tại, Chí Linh cho rằng nhà chung cư so ra thì giá mềm, an ninh, và có tiện ích xung quanh đầy đủ. Song, cũng sẽ có những bất tiện: "Mỗi lần cần sửa chữa hay đón bạn bè, người thân vô chơi hơi bất tiện. Phí quản lý, xe cộ... cũng là một khoản chi phí cần phải cân nhắc. Nhà phố thì tự do hơn nhưng giá lại cao... Mình thấy loại nào cũng ổn, quan trọng bản thân thấy thích hợp loại nào, và cần cân nhắc đến yếu tố tài chính nữa".
Bên cạnh đó, Hoa Phạm sau 15 năm sống ở thành phố, chủ yếu trong các căn hộ chung cư chật hẹp, cô mong muốn xây 1 ngôi nhà với không gian rộng rãi để các con vui chơi. Cuối 2019 - đầu 2020 thì dịch bắt đầu bùng phát, nên Hoa Phạm quyết định nghỉ việc ở thành phố để về quê làm việc và sinh sống, sau đó mới quyết định xây nhà. Diện tích căn nhà là 515m2, thiết kế 2 tầng rưỡi, với kiến trúc gồm 6 phòng: 1 phòng khách, 1 phòng bếp, 4 phòng ngủ và 1 phòng thờ, tổng chi phí 5,5 tỷ đồng.
"Mình mong muốn không gian sống thoải mái, dễ chịu nhưng đơn giản, tiện ích và hiện đại. Đất ở quê rộng rãi nên mình muốn làm theo mô hình nhà vườn với nhiều cây xanh và không gian mở".
Xây nhà vì phù hợp với tài chính
Với Thuỵ Ân (28 tuổi, Đà Nẵng), do gia đình đã có sẵn 1 mảnh đất nên việc lựa chọn xây nhà sẽ "dễ thở" và phù hợp trong câu chuyện tài chính. Cô chia sẻ rằng mua 1 mảnh đất với giá trị thị trường hiện nay cần 1 nguồn vốn không hề nhỏ. Do vậy, việc xây nhà trên mảnh đất của gia đình sẽ giúp giảm đi 1 nửa gánh nặng tài chính và dễ thực hiện hơn. Căn nhà 2 tầng với mảnh đất 90m2, thiết kế mang hơi hướng Bắc Âu với 3 phòng ngủ và 2 nhà vệ sinh, phòng khách và bếp liền nhau, tổng chi phí xây dựng là 1,3 tỷ đồng.
"Bên cạnh đó, đối với các thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội, dân cư đông nên chung cư là một giải pháp tối ưu. Nhưng ở Đà Nẵng, việc sở hữu 1 căn nhà đất riêng là điều có thể thực hiện được".
Lê Trang (32 tuổi, Lâm Đồng) vào năm 2016 khi giá đất Bảo Lộc đang còn rẻ, vợ chồng cô đã gom góp tiền mừng cưới, bán vàng, vay thêm người thân một ít để đủ tiền mua 1 miếng đất. Trang chia sẻ: "Lúc đấy chỉ nghĩ mua đất xong, khi nào trả hết nợ mới bắt đầu tích tiền xây nhà. Và đến năm 2021, giấc mơ của chúng mình cũng bắt đầu được thực hiện. Căn nhà trong mơ đã có mặt trên đất Lâm Đồng, tuy không to nhưng đây là thành quả và tâm huyết chúng mình cố gắng sau 7 năm".
Mua nhà đất vì sau này sẽ được giá hơn
Thắng (27 tuổi) đã chi 3,3 tỷ đồng để mua nhà đất ở Hà Nội. Cậu bạn chia sẻ rằng giá chung cư chỉ tăng khi mua ở thời kỳ đầu, còn ở thời kỳ sau, nhà cũng khá xuống cấp nên không được giá bằng nhà đất. Do xác định không ở quá lâu dài nên cậu muốn chọn nhà đất để vừa được thiết kế theo tuỳ thích mà không mất giá trị.
"Ưu điểm của nhà đất là các phòng đều có cửa sổ, sửa chữa xây dựng, đập phá xin phép dễ, giá có thể tăng nhẹ trong tương lai để bù lại khoản lãi mình đóng hàng tháng. Mặt khác, chung cư 3 phòng ngủ thường trong đó 1 phòng sẽ không có cửa sổ", Thắng chia sẻ.
Nhiều người cho rằng mua nhà có phải là tiêu sản, song Thắng nhấn mạnh rằng nó còn tùy vào thời "điểm mua", "nơi mua" và "mua để làm gì"? Nếu tự trả lời được 3 câu hỏi trên thì mỗi người sẽ có được 1 định nghĩa riêng.
Những lưu ý khi mua và xây nhà đất
Với Chí Linh, để tiết kiệm trong ngân sách xây nhà, anh cho rằng trong quá trình xây nhà nếu biết làm phần nào, nên tự bắt tay vào làm. Chẳng hạn như tự nhập vật liệu về làm, sẽ giúp tiết kiệm và dành phần ngân sách cho những việc khác cần hơn.
Đối với Thuỵ Ân, cô bạn chia sẻ rằng đa phần những ai lần đầu làm nhà cũng sẽ rất bỡ ngỡ, rất nhiều vấn đề cũng như sợ phát sinh quá nhiều kinh phí. Theo cô bạn, để giảm được tối đa vấn đề đó thì:
Thứ nhất, hãy ước lượng mình sẽ xây bao nhiêu và liệt kê các hạng mục liên quan đến phần cần chi trả với con số cụ thể nhất. Sau đó, nếu bị vượt quá kinh phí dự trù, lọc lại những phần không cần đầu tư quá kỹ và giảm bớt kinh phí phần đó.
Thứ hai, đối với những hạng mục không quá cấp bách sắm liền thì có thể chừa lại và hoàn thiện dần dần.
Cuối cùng, các bạn nên chốt bản thiết kế cẩn thận để trong quá trình thi công, không chỉnh sửa quá nhiều sẽ dễ dẫn đến phát sinh cho chủ nhà.
Ảnh: NVCC