pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều người Phần Lan thở dài với danh hiệu hạnh phúc nhất thế giới
Theo Business Insider, mức độ tín nhiệm xã hội cao ở Phần Lan có thể là một trong những lý do khiến đất nước này được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới liên tiếp trong 6 năm. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới ghi nhận rằng hầu hết người Phần Lan cho biết nếu họ lỡ đánh mất ví tiền, thì khả năng cao họ sẽ nhận lại được chiếc ví.
"Ở Helsinki, việc để trẻ ngoài trời hoàn toàn bình thường, tất nhiên là với thiết bị giám sát trẻ nhỏ và nếu có thể, đặt gần cửa sổ để bạn có thể nhìn thấy xe đẩy trong khi mua sắm hoặc uống cà phê", Jennifer De Paola, một nhà tâm lý xã hội và chuyên gia về hạnh phúc Phần Lan và đã chuyển đến Phần Lan sinh sống khi cô 25 tuổi, cho biết.
Đất nước này cũng nổi tiếng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Một công dân có tên Heli Jimenez cho biết người Phần Lan ngạc nhiên khi người dân ở các quốc gia khác không có "kỹ năng đơn giản" như đánh lửa khi đi cắm trại. Ngoài ra, người Phần Lan cũng thường rời khỏi công sở đúng 5 giờ chiều.
Nhưng khi hỏi người Phần Lan nghĩ gì về xếp hạng hạnh phúc, bạn sẽ nhận được câu trả lời đáng ngạc nhiên.
"Chúng tôi luôn ngạc nhiên khi vẫn đứng đầu", Meri Larivaara, một nhà ủng hộ sức khỏe tâm lý, nói trong một quán cà phê tại Helsinki: "Mỗi năm chúng tôi đều có các cuộc tranh luận như kiểu: 'Sao lại có thể như vậy chứ?'"
Trên thực tế, vài người địa phương cảm thấy khó chịu với cuộc khảo sát và thậm chí khó chịu với cách nhìn của thế giới khi nói họ là những người hạnh phúc. Khi nhắc đến xếp hạng, họ lắc đầu và thở dài.
"Chúng tôi không đồng ý với điều đó - nó không thực tế đối với chúng tôi", một nhà thiết kế nội thất nói.
Một từ chuẩn hơn để mô tả người Phần Lan là "hài lòng", Jimenez nói. "Bởi vì chúng tôi hài lòng với cuộc sống của mình."
Một câu hỏi khác
Một phần của vấn đề nằm ở cuộc khảo sát, được công bố bởi Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc và được viết bởi một nhóm các chuyên gia độc lập.
Dữ liệu xếp hạng được lấy từ Cuộc khảo sát Thế giới Gallup, một cuộc khảo sát trên toàn cầu yêu cầu người dân đánh giá cuộc sống của mình trên một thang đo về điều tốt nhất và tồi tệ nhất mà cuộc sống có thể mang đến cho họ. Người tham gia chọn điểm cuộc sống của mình trên một thang điểm từ 0 đến 10.
"Câu hỏi mà họ đặt cho các người tham gia là bạn hài lòng đến đâu với cuộc sống của mình vào lúc này. Vì vậy không có đề cập đến chuyện hạnh phúc", De Paola nói.
"Hạnh phúc có liên quan nhiều hơn đến cảm xúc và cách cảm xúc được truyền đạt," cô nói, nhắc đến nghiên cứu của cô. "Vì vậy, mỉm cười, vui vẻ, hân hoan, liên quan nhiều hơn đến hạnh phúc hơn là khái niệm hài lòng với cuộc sống".
"Người ta gọi nó là Báo cáo Hạnh phúc Thế giới vì nghe như vậy hấp dẫn hơn là gọi nó là báo cáo chỉ số hài lòng với cuộc sống".
Theo Business Insider, người Phần Lan không coi mình là những người "vô cùng hạnh phúc". Trên thực tế, đất nước này có thể khá bi quan.
Người Phần Lan "không tạo ra một tinh thần lạc quan," Larivaara, người ủng hộ về sức khỏe tâm thần, nói. Nhưng cô nhanh chóng nói thêm rằng sự bi quan và sự hài lòng có thể tồn tại cùng nhau.
Người Phần Lan thường bị coi là những người sống thu mình và nội tâm. Nhưng bên cạnh đó, người Phần Lan cũng rất hài lòng với những gì họ có.
"Họ gọi điện cho chúng tôi và chỉ hỏi liệu chúng tôi có hài lòng với cuộc sống của mình không. Chúng tôi chỉ nói rằng tôi không thấy có vấn đề gì vào lúc này, họ có thể gọi lại vào ngày mai", một người dân địa phương nói về cuộc khảo sát.
Được biết, dịch vụ y tế và giáo dục ở Phần Lan miễn phí cho tất cả cư dân - cho đến trình độ tiến sĩ. Nước này cũng chi trả một phần chi phí chăm sóc trẻ em cho các gia đình, và người lao động được hưởng 4 tuần nghỉ hè và 1 tuần nghỉ đông bên cạnh 13 ngày lễ quốc gia của đất nước.
Người Phần Lan được dạy từ khi còn nhỏ để không chấp nhận điều kiện làm việc kém chất lượng. De Paola nói: "Lương phải chuẩn, giờ nghỉ phải chuẩn, giờ làm việc phải chuẩn và có một công việc phù hợp với khả năng của mình - đây là những điều mà mỗi người Phần Lan mong đợi".
Ví dụ, nếu bạn mất việc làm ở Phần Lan, nhà nước sẽ giúp đỡ cho đến khi bạn tìm được việc mới. "Bạn không cần quá lo lắng về tiền bạc như ở nơi nào đó như Mỹ", Martela nói. "Nếu tôi mất việc, điều đó không ảnh hưởng đến việc học của con cái tôi hoặc chăm sóc sức khỏe của vợ tôi hay bất cứ điều gì khác".
Nói chung, người Phần Lan cũng không quá cầu kỳ khi được hỏi về ước mơ của họ và chung quy là có một ý tưởng rõ ràng về ý nghĩa của việc hài lòng với cuộc sống.
"Tôi không nói rằng họ không có những ước mơ lớn, nhưng họ mơ mộng những điều khả thi", De Paola nói.
Phần Lan đang có lượng dân số già ngày càng gia tăng. Theo thống kê, 21,9% dân số Phần Lan là người trên 65 tuổi. Nước này có tỷ lệ người cao tuổi đứng thứ ba trên thế giới, chỉ đứng sau Nhật Bản và Ý. Và tất nhiên, khoảnh cách giàu nghèo cũng tồn tại.
Nói về bản thân, De Paola nói rằng cô đã cảm thấy mức hài lòng với cuộc sống cải thiện hơn kể từ khi chuyển từ Ý đến Phần Lan.