Nhiều trường nghề quá tải khi sinh viên bỏ đại học theo nghề

01/03/2018 - 16:04
Dù không phải số đông, nhưng mùa tuyển sinh vừa qua, nhiều trường cao đẳng (CĐ) nghề đã “lội ngược dòng” đầy thuyết phục khi phải gạt bớt thí sinh xin học. Có nhiều bạn trẻ chủ động tìm đến với trường dù đã đỗ đại học (ĐH) trước đó.
Những năm qua, trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội đã tiếp nhận nhiều thí sinh có điểm thi 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia cao nhưng sẵn sàng bỏ ĐH đi học nghề - Ảnh minh họa 

Bỏ đại học đi học nghề

Lê Viết Hậu, sinh năm 1999, hiện là sinh viên lớp Công nghệ ô tô 6K7 của trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội. Một điều thú vị, trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hậu đã đạt 19,5 điểm 3 môn tổ hợp Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và trúng tuyển ngay nguyện vọng 1 vào ngành công tác xã hội, trường ĐH Lao động Xã hội. Tuy nhiên, sau đó, Hậu lại quyết định không đi học ĐH mà chuyển sang đi học nghề.

Hậu tâm sự, thích làm kinh doanh và mong muốn sau này sẽ mở một cửa hàng bán linh kiện ô tô. Vì thế, Hậu chủ động chọn học nghề về ô tô. “Bây giờ, học ở đâu (ĐH, CĐ, thậm chí trung cấp nghề) không quan trọng bằng việc học cái gì và học như thế nào. Độ thành công của mỗi người không tính đếm bằng bằng cấp người đó có mà là công việc, thu nhập ra sao”.

Hậu còn được bố mẹ, anh trai ủng hộ chứ không ngăn cản vì tin Hậu đã chọn đúng. Quả nhiên, sau một thời gian, Hậu càng ngày càng thích học nghề ô tô hơn. “Nếu ngày trước chọn học về công tác xã hội, chưa chắc mình đã hứng thú như thế”.

Hậu cho biết thêm, lớp 12 của Hậu ở trường THPT Lê Lợi (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) có tới 50-60% các bạn cũng chọn đi học nghề. Do các bạn lớn lên ở vùng nông thôn, mưu sinh của gia đình gắn với ruộng vườn nên nhiều bạn chọn học nghề về nông nghiệp, chăn nuôi để mong tương lai có đủ kiến thức giúp gia đình phát triển kinh tế vườn ao chuồng.

Hậu không phải là trường hợp cá biệt từ chối học ĐH để học nghề. Những năm qua, trường CĐ Nghề Công nghệ cao Hà Nội cũng đã tiếp nhận nhiều thí sinh có điểm thi 3 môn trong kỳ thi THPT quốc gia cao, đủ và thừa điểm đỗ vào nhiều trường ĐH như các sinh viên Nguyễn Danh Huy đạt 23,55 điểm, Đặng Văn Kiên, Phạm Sơn Dân 18,5 điểm…

Sự tăng “chất” của thí sinh đầu vào cũng góp phần giúp cho chất lượng đầu ra của trường tăng cao do khả năng tiếp thu, ý thức học tập của các em rất tốt. Trong khi nhiều trường ĐH, đặc biệt là ĐH vùng, ĐH ngoài công lập hạ chuẩn hết cỡ nhưng vẫn không đủ người học thì trường lại tuyển vượt dự kiến chỉ tiêu ban đầu. Điển hình như ngành Công nghệ ô tô tuyển 260 sinh viên trong khi chỉ tiêu dự kiến ban đầu chỉ là 200 em. Sau đó, ngành này đã phải dừng tuyển sinh để tránh… quá tải.

Một số ngành học khác của trường cũng hút đông thí sinh nhập học như công nghệ hàn, điện - điện tử… Nhiều em sau khi ra trường đang làm việc tại các khu công nghệ cao, các tập đoàn điện tử lớn, hay sang nước ngoài theo diện xuất khẩu nghề.

Một tiết học ở trường nghề Việt Nam - Hàn Quốc TP Hà Nội - Ảnh: NVCC 


Sự chuyển dịch tích cực

Trường CĐ nghề Công nghệ cao Hà Nội không phải trường hợp duy nhất khởi sắc trong mùa tuyển sinh qua. Trường CĐ Nghề Việt Nam-Hàn Quốc TP. Hà Nội (Uy Nỗ, Đông Anh) mới thành lập năm 2013 nhưng theo ông Bùi Kim Dương, Phó hiệu trưởng trường mỗi năm, tình hình tuyển sinh của trường lại đi lên rõ rệt. Chẳng hạn, khóa tuyển sinh đầu tiên trường tuyển được 480 sinh viên. Năm tuyển sinh thứ hai, trường đã tuyển được 700 em.

Trường có cơ sở vật chất khang trang do được TP. Hà Nội đầu tư xây dựng với số vốn 350 tỷ và là trường duy nhất trên địa bàn thành phố được Chính phủ Hàn Quốc đầu tư trang thiết bị, chương trình, đào tạo giáo viên… với tổng trị giá 6 triệu USD.

Xu hướng bạn trẻ chọn đi học nghề theo năng lực, nhu cầu cần được khuyến khích, giúp cân bằng lực lượng lao động trong xã hội, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay - Ảnh minh họa 


Hiện trường tuyển sinh 6 nghề đạt chuẩn Hàn Quốc là cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ hàn… Sinh viên không chỉ được học trong môi trường hiện đại, được miễn tiền ở trong ký túc xá mà sau khi ra trường còn được giới thiệu làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc việc làm tại các doanh nghiệp có vốn Hàn Quốc tại Việt Nam và các khu công nghiệp phía Bắc Thủ đô. Vì thế, dự báo, trong những năm tới, sức hút của trường còn lớn hơn nữa.

Xu hướng bạn trẻ chọn đi học nghề theo năng lực, nhu cầu cần được khuyến khích, giúp cân bằng lực lượng lao động trong xã hội, giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ hiện nay. “Trường nào, dù là trường nghề hay ĐH, nếu đào tạo tốt thì sẽ luôn có người theo học. Tương tự, bạn trẻ giỏi nghề cũng không lo thất nghiệp, thu nhập cũng ổn định, thậm chí còn tương đối cao so với mặt bằng chung”- ông Dương chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm