Nhiều tuyến xe buýt thay đổi lộ trình khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông hoạt động

19/03/2019 - 15:35
Chiều nay, 19/3, đơn vị khai thác, vận hành tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) cho biết, giá vé thấp nhất là 8.000 đồng; toàn tuyến là 15.000 đồng/lượt/người. Đồng thời nhiều tuyến xe buýt hiện nay trùng tuyến sẽ có thay đổi lộ trình.

Chuẩn bị tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường Sắt Hà Nội, cho biết: Tuyến Cát Linh - Hà Đông có giá vé mở cửa 7.000 đồng đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km).

Ví dụ: giá vé đi từ ga 1 đến ga 2 là 8.000 đồng; từ ga 1 đến ga 4 là 9.000 đồng; từ ga đầu đến ga cuối là 15.000 đồng/người/lượt.

Vé tháng có 2 loại gồm: Loại bình thường là 200.000 đồng. Loại vé này có thể dùng cho nhiều người sử dụng chung 1 vé tháng nhằm khuyến khích nhiều người sử dụng phương tiện này.

Loại vé tháng có ưu tiên (yêu cầu có ảnh và chỉ 1 người được sử dụng) dành cho các đối tượng như học sinh, sinh viên, người cao tuổi, là 100.000 đồng. Vé tháng có thời hạn sử dụng là 30 ngày.

Vé ngày có giá 30.000 đồng/ngày không hạn chế số lượt đi, được tính từ thời điểm mua đến lúc đóng tuyến.

 

img-2432-1550545302-width872height565.jpg
1 ga thuộc tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
 

 

Tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) có tổng chiều dài 13,05km với 12 nhà ga qua: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê, Yên Nghĩa. Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị như thang máy phục vụ người khuyết tật, thang cuốn, thang bộ...

Thời gian chạy tàu bất đầu từ 5 giờ đến 23 giờ. Tổng số có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.

Tần suất giờ cao điểm sẽ có 5 - 6 phút/chuyến. Thời gian bình quân từ đầu tuyến đến cuối tuyến là 23 phút.

Ông Trường cho biết thêm, việc ra đời của tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông nhằm tăng cường năng lực vận tải hành khách của phương tiện vận tải công cộng, kết nối các tuyến giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

432_huy-9902-1534068969_r_680x0.jpg
Tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

 

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội, cho biết: Số tuyến buýt hoạt động dọc hành lang tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông hiện nay khá lớn với 43 tuyến, khoảng 40% số lượng tuyến của toàn mạng lưới.

Theo đó sẽ phải điều chỉnh một số luồng tuyến xe buýt và kết nối xe khách liên tỉnh với tuyến đường sắt trên cao. Trong đó, với xe buýt sẽ được điều chỉnh 4 tuyến trùng lộ trình với tuyến đường sắt này. Cụ thể:

Tuyến số 2 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa) thành tuyến ngang Bác Cổ - Bến xe Mỹ Đình, kết nối tuyến đường sắt tại ga Láng.

Tuyến số 27 (Bến xe Yên Nghĩa - Nam Thăng Long)  thành tuyến buýt kết nối ngang khu đô thị Định Công - Nam Thăng Long, kết nối với tuyến đường sắt tại ga Láng.

Tuyến số 33 (Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Đỉnh) thành tuyến kết nội Cụm công nghiệp Thanh Oai - Xuân Đỉnh, kết nối với đường sắt tại ga Láng.

Điều chỉnh hợp nhất 2 nhánh tuyến 21A (Bến Giáp Bát - Bến Yên Nghĩa) và nhánh tuyến 21B (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Bến xe Mỹ Đình) thành 1 tuyến buýt ngang số 21 (KĐT Pháp Vân, Tứ Hiệp - Trần Vĩ), kết nối với đường sắt tại 2 ga Thượng Đình và Vành đai 3.

Hà Nội miễn tiền vé sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng cho các đối tượng: người có công, người khuyết tật và trẻ em dưới 6 tuổi.

Đối tượng được hỗ trợ 50% giá vé tháng là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi.

Đối tượng được hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Miễn phí cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ trên tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông trong 15 ngày đầu khi bắt đầu khai thác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm