pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhiều video độc hại, nhảm nhí… triệu view ảnh hưởng tâm lý trẻ em
ĐB Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn) phản ánh tính trạng tràn lan video xấu, độc trên mạng
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 6/11, ĐB Ngàn Phương Loan (đoàn Lạng Sơn) hỏi về bình luận của Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trước mặt trái của một số video trên mạng internet hiện nay.
Theo ĐB Phương Loan, ngày càng xuất hiện nhiều video với nội dung độc hại, nhảm nhí, trái thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa.
Cụ thể, nhiều video làm méo mó hình ảnh của người dân tộc thiểu số, hay dieo cho trẻ em có nội dung tiêu cực ảnh hưởng đến tâm sinh lý trẻ nhỏ. Nguy hiểm hơn, những video xấu độc này còn gây ảnh hưởng tính mạng của các cháu nhỏ.
"Điều đáng nói là những video này có lượt view lên đến hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu lượt view!" – nữ ĐB nêu thực trạng khi đặt câu hỏi cho tư lệnh ngành thông tin truyền thông.
Trả lời câu hỏi của ĐB Phương Loan, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cung cấp thông tin, hiện trên nền tảng Youtube có 120.000 tài khoản ở Việt Nam có đăng ký làm video. Có 350 kênh với hàng triệu người theo dõi, có thu tiền ăn chia quảng cáo.
"Hiện vẫn còn nhiều video xấu độc trên mạng!" – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận.
Ông Hùng cũng cho hay, trước thực trạng này, Bộ TT&TT đã đạt được tỷ lệ tháo gỡ video của Youtube từ 50 – 90%, đạt thỏa thuận với Youtube là khi Bộ thông báo với kênh này về những video vi phạm pháp luật thì sẽ không được "ăn chia" quảng cáo.
"Mỗi tháng chúng tôi gỡ bỏ hàng ngàn clip xấu độc, xử lý nghiêm các cá nhân sản xuất video xấu độc như một số trường hợp cụ thể mà thời gian qua người dân, cử tri đã được nhìn thấy qua phương tiện thông tin đại chúng" – ông Hùng cho hay.
Để mạnh tay hơn với video nhảm nhí độc hại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị người dân, các tổ chức khi phát hiện video xấu, độc liên quan thì báo đến đường dây nóng của Cục phát thanh truyền hình – Bộ TT&TT để phối hợp xử lý.
Thời gian tới, việc kiểm soát các dạng video này, theo tư lệnh ngành thông tin truyền thông là sẽ làm nghiêm, bao gồm: Làm việc với Youtube để việc thực thi pháp luật đạt 100%, 2021 sẽ có công cụ phát hiện video xấu, độc để kịp thời ngăn chặn, phối hợp các bộ VHTTDL để ra văn bản hướng dẫn thế nào là video vi phạm thuần phong mỹ tục, và ra đường dây nóng nhận thông báo báo cáo clip xấu độc.
Trước đó, vào ngày 4/11, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội, một số ĐBQH lo ngại thời gian qua, không ít vụ tai nạn thương tích, tử vong ở trẻ em do học theo các clip nhảm nhí trên mạng xã hội. Trong khi đó, bất cập hiện nay là chưa có quy định ràng buộc nào với việc đăng tải clip lên các trang mạng xã hội. Đại biểu Lưu Thành Công, đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cho biết: trên các kênh Youtube, xuất hiện ngày càng nhiều các clip có thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, nói xấu, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân gây tác hại rất lớn đến đời sống sinh hoạt của nhiều gia đình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội.