Nhồi máu cơ tim là gì? 10 điều cần nhớ về nhồi máu cơ tim

Hồng Phượng
05/03/2020 - 16:10
Nhồi máu cơ tim là gì? 10 điều cần nhớ về nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim là một cấp cứu nội khoa. Bệnh nhân nhồi máu cần được đưa đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để can thiệp cấp cứu kịp thời cứu sống cơ tim. Triệu chứng bệnh thường gặp: đau ngực, có cảm giác thắt nghẹt, bóp chặt, vã mồ hôi, nôn ói,…

1. Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim xảy ra khi bất kì một nhánh động mạch vành nào bị tắc nghẽn đột ngột hoặc bị hẹp nặng làm lưu lượng máu chảy qua giảm.

Nhồi máu cơ tim là tình trạng bệnh nguy hiểm đến tính mạng do máu cung cấp cho khối cơ tim bị cắt đột ngột gây tổn thương mô cơ tim.

2. Phân loại nhồi máu cơ tim cấp

Nhồi máu cơ tim có 5 type:

Type 1: nhồi máu cơ tim cấp thể tự nhiên do nứt vỡ mảng xơ vữa gây huyết khối tắc hoàn toàn mạch vành.

Type 2: nhồi máu cơ tim do mất cân đối cung cầu giữa oxy và nhu cầu cơ tim như: co thắt mạch vành, bệnh hô hấp,..

Type 3: nhồi máu cơ tim nhưng bệnh nhân chết đột ngột từ trước khi có mẫu xét nghiệm máu.

Type 4a: nhồi máu cơ tim sau can thiệp mạch vành.

Type 4b: nhồi máu cơ tim liên quan đến huyết khối trong stent khi chụp mạch vành hoặc mổ tử thi.

Type 5: nhồi máu cơ tim sau phẫu thuật cầu nối động mạch vành.

3. Triệu chứng nhồi máu cơ tim

Triệu chứng thường gặp nhất là đau ngực, thường được mô ta như cảm giác bóp nghẹt, khó thở, thắt chặt, nặng ngực hoặc cảm giác nhói, nóng rát. Thường cơn đau chủ yếu ở giữa ngực hoặc hơi lệch về ngực trái. Thỉnh thoảng, người bệnh hay than đau lan xuống tay, bụng, cổ hàm dưới.

Ảnh 2.

Triệu chứng nhôi máu cơ tim thường gặp nhất là đau ngực (Ảnh: Internet)

Một vài triệu chứng khác như:

- Cảm giác yếu, mệt

- Vã mồ hôi

- Buồn nôn, nôn ói.

- Khó thở

- Đau đầu

- Ho

- Choáng, chóng mặt

- Nhịp tim nhanh.

Đôi khi triệu chứng nhồi máu cơ tim có thể nhầm lẫn với bệnh lý đường tiêu hóa khi đau nóng rát ở vùng ngực kèm buồn nôn, nôn ói.

Một lưu ý quan trọng, không phải tất cả các cơn nhồi máu cơ tim đều xuất hiện chứng triệu chứng giống nhau, hoặc các dấu hiệu nặng như nhau. Đau ngực là một triệu chứng hay gặp ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu cho thấy bên cạnh đau ngực, nữ giới thường có các triệu chứng khác như:

- Khó thở từng cơn

- Đau hàm

- Đau phần lưng trên

- Đau đầu nhẹ

- Buồn nôn, nôn ói.

Một vài trường hợp, các triệu chứng của nhồi máu cơ tim còn được diễn tả như các dấu hiệu của bệnh cúm.

Một vài xét nghiệm giúp chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim

- Điện tâm đồ (ECG): điện tâm đồ là phương pháp được chỉ định đầu tiên giúp chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim. Điện tâm đồ là một máy có tác dụng ghi nhận lại tất cả các hoạt động của điện thế tim và ghi lại trên băng ghi thông qua các điện cực được gắn trên ngực hoặc tứ chi.

Ảnh 3.

Điện tâm đồ giúp chẩn đoán sớm nhồi máu cơ tim (Ảnh: Internet)

Điện thế được mô tả bằng những sóng trên giấy ghi hoặc hiển thị trên màn hình. Bởi vì tế bào cơ tim bị tổn thương nên không thể có những xung điện thế bình thường. Trên điện tâm đồ cho thấy hình ảnh nhồi máu cơ tim đã xả ra hoặc đang diễn tiến như thế nào.

- Men tim: trong các tế bào cơ tim khi bị tổn thương sẽ tiết ra những chất hóa học đưa vào máu. Nhờ đó, để chẩn đoán nhồi máu cơ tim thì xét nghiệm men tim là một cận lâm sàng có giá trị tương đối tốt.

4. Các nguyên nhân thường gặp nhồi máu cơ tim cấp

2 nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim thường gặp nhất là do mảng xơ vữa hoặc do huyết khối.

4.1. Mảng xơ vữa trong lòng động mạch

Khi lượng máu cung cấp đến các cơ tim bị giảm trong các trường hợp: tim đập quá nhanh, hoặc người có huyết áp thấp. Nếu nhu cầu oxy cao hơn khả năng cung cấp nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra mà không cần có huyết khối. Những người có mảng xơ vữa trong lòng động mạch thường gặp tình huống này.

Các nguyên nhân gây nên mảng xơ vữa trong lòng mạch máu:

Cholesterol xấu:

Cholesterol xấu hay còn gọi là LDL-cholesterol, là một trong những nguyên nhân hình thành nên mảng xơ vữa lòng mạch máu. Cholesterol là một chất không màu có thể tìm thấy trong thức ăn. Không phải tất cả các cholesterol đều xấu, tuy nhiên LDL cholesterol có thể lắng đọng tại mạch máu và hình thành các mảng xơ vữa. Mảng xơ vữa ngày càng phát triển sẽ hạn chế dòng máu chảy qua động mạch.

Chất béo bão hòa

Chất béo bão hòa cũng là một trong những thành phần tạo nên mảng xơ vữa động mạch. Chất béo bão hòa có nhiều trong các loại thịt heo, bò, sản phẩm từ sữa, bơ, phô mai.

Những chất béo này cùng với các cholesterol xấu hình thành và gia tăng nhanh kích thước mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu và giảm nồng độ của các cholesterol có lợi trong máu.

4.2. Huyết khối gây nghẽn lòng mạch máu

Một nguyên nhân khác gây tắc nghẽn lòng mạch máu đột ngột là sự hiện diện của các cục huyết khối. Mạch máu có mảng xơ vữa đã bị hẹp một phần, khi các huyết khối đi qua sẽ gây tắc đột ngột lòng mạch máu, thiếu máu nuôi cho vùng cơ tim mạch máu đó cung cấp. Đây được gọi là nhồi máu cơ tim do huyết khối.

5. Người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim

Những yếu tố dưới đây làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đặc biệt nhồi máu cơ tim.

5.1. Tăng huyết áp

Khi có tiền căn tăng huyết áp, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng hơn so với người bình thường. Huyết áp càng tăng, nguy cơ nhồi máu tăng tỷ lệ thuận. Huyết áp cao gây tổn thương mạch máu và thúc đẩy hình thành các mảng xơ vữa.

5.2. Tăng cholesterol xấu trong máu

Nồng độ cholesterol xấu trong máu càng cao nguy cơ nhồi máu cơ tim càng cao. Bạn có thể giảm cholesterol trong máu qua chế độ ăn, hoặc sử dụng các loại thuốc thuộc nhóm statins.

5.3. Tăng triglyceride máu

Triglyceride là một loại chất béo có mặt trong mảng xơ vữa mạch máu.triglyceride sau khi được ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hóa khắp cơ thể và tồn tại dưới dạng tế bào mỡ.

5.4. Đái tháo đường và tăng đường huyết

Đái tháo đường là do tăng lượng đường trong máu. Đường trong máu quá cao gây phá vỡ lòng mạch máu và tổn thương động mạch vành.

5.5. Béo phì

Béo phì liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim như: đái tháo đường, tăng đường huyết, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, tăng triglyceride máu.

Ảnh 4.

Béo phì liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim (Ảnh: internet)

5.6. Hút thuốc lá

Ngoài việc tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, hút thuốc lá còn dẫn đến nhiều bệnh khác trong đó có lao phổi, bệnh tim mạch,…

5.7. Tuổi tác

Ở nam giới, nguy cơ nhồi máu cơ tim tăng sau 55 tuổi, ở nữ giới là 65 tuổi.

5.8. Một vài yếu tố nguy cơ khác gây nhồi máu cơ tim

- Stress

- Ít vận động thể thao

- Sử dụng các chất kích thích: cocaine hay amphetamine

- Tiền sử tiền sản giật hoặc đái tháo đường thai kỳ trong lúc mang thai.

6. Phương pháp điều trị

Điều trị nhồi máu cơ tim tùy thuộc vào sinh hiệu hiện tại của bệnh nhân và nguy cơ tử vong ngay lập túc. Người bệnh cần được sử dụng aspirin và một vài loại thuốc chống kết tập tiểu cầu càng sớm càng tốt.

Một vài loại thuốc hỗ trợ triệu chứng như: oxy để thở, thuốc giảm đau (morphine) giảm đau ngực, beta blocker giảm nhu cầu oxy của cơ tim, nitroglycerin giúp máu đến nuôi cơ tim dễ dàng hơn, và thuốc nhóm statins.

Sau khi xử trí ban đầu, người bệnh được cân nhắc nên sử dụng các liệu pháp tái tưới máu. Mục tiêu là khôi phục lại lượng máu đến nuôi các tế bào cơ tim bị tổn thương càng sớm càng tốt tránh tổn thương vĩnh viễn.

Tái tưới máu là một phương pháp điều trị nhồi máu cơ tim tốt nhất hiện nay. Người bệnh được đưa vào phòng thông tim của bệnh viện. Một ống thông dài được đưa vào tim thông qua các mạch máu lớn trong cơ thể (động mạch đùi).

Sau khi đưa ống thông vào đúng vị trí mạch máu bị tắc nghẽn, 1 stent chuyên dụng được đưa vào lòng mạch giúp chỗ hẹp được thông thoáng và máu lưu thông dễ dàng hơn.

Nếu bệnh nhân không thể hoặc không có điều kiện đặt stent mạch vành, hoặc quá chỉ định đặt stent. Thuốc ức chế sự kết tập tiểu cầu có thể được xem xét. Một vài thuốc chống kết tập tiểu cầu: clopidogrel, prasugrel, ticagrelor.

Trong thời gian nằm viện, các thuốc được sử dụng để tim hoạt động tốt hơn như aspirin, beta blocker, thuốc ức chế men chuyển.

Khả năng hồi phục sau nhồi máu cơ tim phụ thuộc vào số lượng tế bào cơ tim bị tổn thương và thời gian bệnh nhân nhận được sự can thiệp của nhân viên y tế. Người bệnh đến bệnh viện càng sớm, khả năng hồi phục càng nhanh. Tuy nhiên, nếu phần cơ tim không được cấp máu chết đi, tim không đủ khả năng bơm máu cho cơ thể sẽ dẫn đến suy tim.

Tổn thương cơ tim làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp và từ đó nguy cơ tái phát nhồi máu cơ tim tăng cao.

Một vài bệnh nhân có thể bị rối loạn lo âu hoặc trầm cảm sau nhồi máu cơ tim. Vì vậy cần trao đổi với bác sĩ về những vấn đề người bệnh quan tâm trong quá trình hồi phục bệnh.

Một vài người có thể qua trở lại hoạt động bình thường sau nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần thay đổi lối sống, uống thuốc đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tái phát.

7. Biến chứng

Những biến chứng thường gặp của nhồi máu cơ tim cấp:

7.1 Rối loạn nhịp tim

Rối loạn nhịp tim có thể bao gồm: Rối loạn nhịp thất, rối loạn nhịp trên thất và rối loạn dẫn truyền.

Rối loạn nhịp là một biến chứng thường gặp của nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim ST chênh lên tăng nguy cơ biến chứng loạn nhịp tim và ngược lại đối với nhồi máu cơ tim ST không chênh.

Khoảng 90% các bệnh nhân nhồi máu cơ tim diễn tiến đến loạn nhịp sau này. Khoảng 25% bệnh nhân có loạn nhịp ngay trong 24 giờ đầu của bệnh. Một trong những dạng loạn nhịp nguy hiểm nhất là rung thất tỷ lệ xuất hiện cao trong giờ đầu và giảm dần trong những giờ sau đó.

Nhưng loạn nhịp tim liên quan đến nhồi máu thường lành tính và tự giới hạn. Tuy nhiên cũng cần tích cực điều trị đối với biến chứng loạn nhịp tim tránh dẫn đến hạ huyết áp, thiếu oxy cung cấp cho cơ thế hoặc nguy cơ rối loạn nhịp thất ác tính.

7.2. Biến chứng cơ học

Có 4 nhóm biến chứng cơ học thường gặp nhất: vỡ tâm thất, tổn thương vách liên thất, đứt trụ cơ nhú gây hở van hai lá, thay đổi cấu trúc thất trái.

Thay đổi cấu trúc thất trái

Thay đổi cấu trúc thất trái là một vùng cơ tim ở thất trái bị dày lên và tạo thành cấu trúc bất thường. Tỷ lệ biến chứng này ở người nhồi máu cơ tim khoảng từ 3-15%. Yếu tố nguy cơ xảy ra biến chứng thay đổi cấu trúc thất trái: Nữ giới, huyết khối làm tắc nghẽn nhánh trái trước, ở người chỉ có 1 nhánh mạch vành và không xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực

Tổn thương vách liên thất

Biến chứng này khá hiếm xảy ra, tuy nhiên đó là biến chứng gây tử vong khá cao. Tổn thương vách liên thất thường xuất hiện sau nhồi máu khoảng từ 2 đến 8 ngày và thường kèm theo shock tim.

Tổn thương vách liên thất thường gặp ở người nhồi máu cơ tim thành trước, người tăng huyết áp trước đó, hoặc sử dụng các thuốc giảm đau nhóm NSAIDs, hoặc steroids.

Tránh tỷ lệ tử vong, người bệnh cần được cấp cứu kịp thời.

Vỡ tâm thất

Vỡ tâm thất thường do tổn thương vách liên thất hoặc thành tự do của thất trái. Vỡ tim là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 90%. Nhận biết sớm, ổn định huyết động và cấp cứu kịp thời là rất quan trọng để cứu sống bệnh nhân.

7.3. Một vài biến chứng khác

- Rối loạn huyết động

- Nhồi máu cơ tim tái phát sớm

- Biến chứng huyết khối thuyên tắc

- Phản ứng màng ngoài tim

- Hội chứng Dressler

- Hội chứng vai bàn tay

8. Phòng tránh

Có rất nhiều cách phòng tránh nhồi máu cơ tim hoặc tránh tái phát nhồi máu cơ tim.

Một trong những cách giúp giảm yếu tố nguy cơ là có chế độ ăn tốt cho hệ tim mạch: Ăn các ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây và thịt nạc.

Cần hạn chế các loại thức ăn dưới đây: Đường, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans, cholesterol.

Tập vận động thể dục đều đặn mỗi ngày cũng rất tốt cho sức khỏe tim mạch. Nếu đã có tiền căn nhồi máu cơ tim, cần hỏi ý kiến bác sĩ và tìm những bài tập phù hợp dành cho sức khỏe.

Một điều khá quan trọng cần dừng nguy hút thuốc lá nếu bạn đang sử dụng. Ngưng thuốc lá không những giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim mà còn tốt cho cả sức khỏe tim mạch hà hệ hô hấp.

9. Chế độ ăn giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Thay đổi thói quen ăn uống không phải là điều dễ thực hiện. Tuy nhiên, chỉ những thay đổi nhỏ mỗi ngày dần sẽ trở thành những thay đổi lớn ảnh hưởng tốt đến chất lượng sức khỏe.

Một khi bạn hiểu tác dụng của loại thực phẩm đó tốt như thế nào đối với sức khỏe, sử dụng loại thức ăn đó thường xuyên sẽ dễ dàng hơn. Một chế độ ăn tốt cho tim mạch bao gồm rất nhiều loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, một trong số đó đang được sử dụng mỗi ngày trong cuộc sống mỗi gia đình.

Hội Tim mạch học Hoa Kỳ (American Heart Association - AHA) khuyến cáo nên sử dụng những loại thực phẩm tốt cho hệ tim mạch:

- Trái cây

- Rau xanh

- Ngũ cốc nguyên hạt

- Sản phẩm từ sữa chứa ít chất béo

- Hạn chế muối

- Ăn nhiều cá

- Tăng cường sử dụng các loại hạt

Bên cạnh đó, AHA cũng khuyên nên hạn chế các loại thịt đỏ, thực phẩm chứa nhiều đường và hạn chế các thức uống có gas, bia rượu.

Một vài công thức chế biến được khuyến cáo:

- Sử dụng các loại thịt nạc bỏ da, và chế biến không sử dụng kèm theo các loại dầu mỡ bão hòa hoặc thuộc nhóm transfat.

- Ăn cá ít nhất 2 lần mỗi tuần. Trong dầu cá có chứa nhiều omega 3 giúp giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch.

Ảnh 5.

Trong dầu cá có chứa nhiều omega 3 giúp giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch (Ảnh: Internet)

- Hạn chế tối đa sử dụng các thức uống hoặc thực phẩm chứa nhiều đường.

- Hạn chế sử dụng muối trong bữa ăn hàng ngày.

- Sử dụng bia, rượu ở mức độ cho phép.

- Ăn vừa đủ, không ăn quá nhiều.

- Mỗi bữa ăn, sử dụng ít nhất 50% trái cây và rau xanh.

Ảnh hưởng của rượu, bia lên hệ tim mạch:

- AHA khuyến cáo mỗi ngày nam giới chỉ nên uống không quá 2 đơn vị bia, rượu, nữ giới không quá 1 đơn vị bia, rượu.

1 đơn vị bia, rượu = 360ml bia = 120ml rượu.

- Uống quá nhiều bia, rượu tăng lượng calo hấp thu vào cơ thể. Nghiện rượu có thể dẫn tới đột quỵ tim.

Can xi và bệnh nhồi máu cơ tim:

Tương tự như rượu, mối quan hệ giữa can xi và bệnh lý tim mạch hay nhồi máu cơ tim vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không có chất béo, cùng với ăn ít nhất 4-5 bữa ăn có bổ sung trái cây và rau xanh mỗi ngày giảm đáng kể huyết áp, cũng như nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Ở phụ nữ nên được bổ sung từ 1000mg đến 2000mg canxi mỗi ngày. (thao AHA).

Đường và bệnh tim mạch:

Nguy cơ béo phì và bệnh lý tim mạch gia tăng đáng kể khi sử dụng đường quá nhiều trong các bữa ăn hàng ngày.

Nữ giới nên sử dụng tối đa 100 calo mỗi ngày từ các sản phẩm chứa đường, tương đương khoảng 6 muỗng cà phê. Nam giới không nên quá 150 calo, tương đương khoảng 9 muỗng cà phê.

Các thực phẩm chứa nhiều đường: nước uống có gas, kẹo, bánh ngọt, cookies, nước uống trái cây đóng gói, kem, …

10. Câu hỏi thường gặp

10.1. Những dấu hiệu bất thường đi kèm với nhồi máu cơ tim?

Nhịp tim nhanh bất thường

- Mạch đập không đều

- Huyết áp tăng

Đối với nhồi máu cơ tim thất phải hoặc giảm nặng chức năng thất trái, tụt huyết áp, shock tim có thể gặp:

- Nhịp thở tăng nhanh

- Ho, hắt xì có thể do tăng sản xuất đàm phản ứng.

10.2. Can thiệp mạch vành qua da trong nhồi máu cơ tim là gì?

Can thiệp mạch vành qua da là sử dụng một đoạn ống thông (catheter) dài đưa vào lòng mạch thông qua động mạch đùi và luồn đến vị trí mạch vành bị tắc. Khi đến đúng vị trí, bác sĩ sẽ sử dụng 1 loại bóng đặc biệt, nong mạch vành và đặt stent vào để tái thông dòng máu chảy. Đây là một kĩ thuật với mức độ xâm lấn ít hơn phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành cần phải mở ngực. Đây là một thủ thuật không gây đau và bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình làm thủ thuật. Thường mất khoảng 1 giờ để hoàn thành xong thủ thuật và bệnh nhân có thể xuất viện chỉ sau 1-2 ngày nằm viện.

Những nguy cơ của thủ thuật bao gồm: chảy máu, nhiễm trùng, phản ứng dị ứng với thuốc cản quang, tổn thương mạch máu trong quá trình làm thủ thuật hoặc đột quỵ, suy thận,… Tuy nhiên, các nghiên cứu lớn cho thấy nguy cơ tai biến cần can thiệp cấp cứu hay tử vong liên quan đến kỹ thuật chụp động mạch vành khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1-2%.

Nguồn tham khảo:

1. https://www.healthline.com/health/acute-myocardial-infarction#causes

2. https://www.health.harvard.edu/a_to_z/heart-attack-myocardial-infarction-a-to-z

3. https://emedicine.medscape.com/article/155919-treatment#d19


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm