pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhóm cổ phiếu ngân hàng lập kỷ lục mới, nhà đầu tư vẫn cần lưu ý gì?
Nhà đầu tư theo dõi biến động cổ phiếu trên bảng giao dịch điện tử. Nguồn ảnh: bnews
Vốn hóa Vietinbank vượt tập đoàn Vingroup
Sau khi đứt mạch 7 phiên tăng với việc đánh dấu phiên giao dịch ngày 9/1 giảm điểm, thị trường chứng khoán nhanh chóng hồi phục, tăng trở lại trong phiên giữa tuần. VN-Index trở lại mốc 1.160 điểm, thanh khoản toàn thị trường cải thiện đáng kể.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục hút dòng tiền mạnh nhất, tạo lập nhiều dấu mốc, kỷ lục mới.
Điển hình, CTG (Ngân hàng Vietinbank, sàn HOSE) tăng vọt tới 3,3% lên mức 31.000 đồng/cp, mức tăng mạnh thứ 2 toàn rổ VN30 phiên 10/1. Điều này đồng thời nâng giá trị vốn hóa của CTG tại sàn lên 166.470 tỷ đồng, vượt qua vốn hóa của tập đoàn Vingroup, tại 166.288 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, vốn hóa của CTG đã tăng gần 21.000 tỷ đồng còn Vingroup giảm nhẹ hơn 3.800 tỷ đồng.
Một cổ phiếu ngân hàng khác thuộc nhóm VN30 cũng có biến động ấn tượng, đó là SHB (Ngân hàng SHB, HOSE) khi đạt hơn 94 triệu cổ phiếu được sang tay trong phiên 10/1. Đây là mức giao dịch lớn kỷ lục trong suốt thời gian niêm yết của cổ phiếu này tại sàn. Đồng thời cũng là phiên khớp lệnh lớn nhất kể từ khi SHB gia nhập nhóm VN30 từ tháng 8 năm ngoái.
Thị giá cổ phiếu SHB tăng 2,6%, thuộc nhóm tăng mạnh của VN30, lên mức 12.000 đồng/cp. Nối dài chuỗi 10 phiên giao dịch tích cực, trong đó có 8 phiên tăng và 2 phiên đi ngang, giúp SHB tăng hơn 12%, chạm mức đỉnh kể từ phiên 20/9.
Tính chung nhóm ngân hàng phiên 10/1, thanh khoản tăng mạnh với khoảng 5.800 tỷ đồng, cao nhất thị trường, tăng 2.000 tỷ đồng so với phiên trước đó. Trong đó, giá trị giao dịch của SHB đã chiếm tới 1/5, tương đương 20%.
Ngoài ra, một số mã ngân hàng khác cũng bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt với các nhóm quốc doanh. VCB (Ngân hàng Vietcombank, HOSE) tiếp tục chạm mốc 500.000 tỷ đồng vốn hóa tại 89.500 đồng/cp, BID (Ngân hàng BIDV, HOSE) xác lập đỉnh mới tại 47.400 đồng/cp.
Trước diễn biến này, theo chứng khoán Yuanta, cổ phiếu ngân hàng thường có tỷ lệ sinh lời trong những tháng đầu năm (tháng 1 và tháng 2), đây cũng là động lực giúp nhóm này bùng nổ trong thời gian đầu năm nay.
Chứng khoán BIDV cho rằng, các yếu tố chính để tác động đến thị giá nhóm ngành ngân hàng khởi sắc thời gian qua, đến từ bối cảnh nhiều cổ phiếu top đầu sàn đi xuống, giúp cho mặt bằng chung của cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn trên thị trường.
Kèm thêm thông tin chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% được công bố đầu năm nay, khiến thị trường được kỳ vọng nhiều hơn, các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc cho vay, hỗ trợ thông tin tích cực cho cổ phiếu ngân hàng tăng điểm.
Đánh giá từ giới chuyên môn
Giới phân tích cho biết, 2 yếu tố chính thúc đẩy nhóm ngân hàng thời gian tới là dòng tiền của khối ngoại và kết quả kinh doanh của ngân hàng.
Dù tăng mạnh nhưng mặt bằng giá nhóm ngân hàng đang thấp so với thị trường chung, nếu đạt được 2 yếu tố trên thì giá cổ phiếu ngân hàng năm nay sẽ tốt hơn. Còn nếu thiếu những yếu tố này, diễn biến chỉ mang tính chất giữ nhịp cho thị trường.
Về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng có nhiều điểm sáng như tín dụng có tín hiệu tăng trưởng tốt hơn, chất lượng tài sản có thể cải thiện. Song, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn chịu áp lực từ các vấn đề như nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp.
Do vậy, một vài ý kiến khuyến nghị, thời điểm "đua lệnh" nhóm cổ phiếu ngân hàng đã qua vùng "điểm đẹp", nhà đầu tư nên xem xét, cân nhắc cẩn trọng mọi khía cạnh, tránh chạy theo hiệu ứng "đám đông".