pnvnonline@phunuvietnam.vn
Nhộn nhịp “chợ online” nội khu mùa dịch
Nhóm chợ của cư dân các quận Ba Đình và Đống Đa trên mạng xã hội thu hút 24,1 nghìn thành viên tham gia
Giao hàng không tiếp xúc
Những mô hình chợ trong khu dân cư được "họp" theo hình thức online, trong các nhóm chat trên mạng xã hội. Thường những "chợ" này sẽ được tổ chức thành các nhóm riêng tư, có người quản lý phê duyệt các thành viên tham gia. Người bán, người mua cũng là các thành viên trong khu chung cư hoặc khu vực lân cận.
Thường xuyên đặt mua hàng tại "chợ" chung cư, chị Bùi Hồng Vân (khu Định Công, Hà Nội) cho biết: "Cần mua gì, tôi vào chợ chung cư trên zalo, đặt hàng trong bài đăng của người bán, kèm theo số phòng, tòa nhà, họ sẽ mang đến treo ở cửa, bấm chuông rồi rời đi. Sau khi người giao hàng đi rồi, mình mới lấy đồ, xịt khử khuẩn để đảm bảo phòng dịch. Tiền hàng cũng chuyển khoản. Người mua và người bán chỉ giao tiếp với nhau trên mạng. Hàng hóa có vấn đề gì mình cũng phản hồi ngay trên nhóm để chủ hàng rút kinh nghiệm và các cư dân khác nắm bắt thông tin".
Không chỉ tại các khu chung cư, mà tại nhiều khu phố, phường trên địa bàn Hà Nội, các chợ nội khu cũng hoạt động hiệu quả trong những ngày giãn cách, thông qua hình thức chợ online. Chị Nguyễn Thị Huệ (phố Đội Cấn, Q. Ba Đình) thông tin thêm: Trước khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, chợ trong khu dân cư nhiều nên dễ dàng mua hàng tươi sống mỗi ngày. Nhưng thời điểm này, các chợ cóc, chợ tạm không được phép hoạt động; nhiều chợ lớn cũng bị phong tỏa do liên quan đến ca F0, thẻ đi chợ chỉ giới hạn 3 ngày/lần, nên việc mua sắm khó khăn hơn. Nếu đặt hàng online thì phải chờ, phí giao hàng cao, từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/đơn. Chính vì vậy, chị thường vào chợ online trong quận để tìm người bán ngay gần nhà hoặc trong quận để mua hàng cho đỡ mất nhiều thời gian và tiền ship.
Phải nghỉ bán hàng vì chợ bị phong tỏa, chị Nguyễn Thị Hoa (phố Vĩnh Phúc, Q. Ba Đình, Hà Nội) đã mở bán gia cầm trên chợ online. "Khách mua hàng đều là khách quen khi ngồi ở chợ, nên khi mình bán hàng trên mạng, khách vào đặt mua nhiều. Ở nhà, có thời gian, tôi còn tẩm ướp theo yêu cầu của khách hàng. Thậm chí, ai muốn đặt phở gà, bún ngan, vịt om sấu... tôi đều nhận làm. Nhờ có chợ online của khu mà tôi vừa giữ được khách hàng, lại thêm nhiều khách mới, có thu nhập trong mùa dịch", chị Hoa phấn khởi nói.
Mô hình chợ nội khu, chợ online trong làng cũng được mở rộng tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Tại thôn Tuần Lề (xã Tiên Dương, huyện Đông Anh), để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, nhân dân trong thôn được khuyến khích tự sản, tự tiêu, ai có nhu cầu bán các mặt hàng thiết yếu thì đăng kí với trưởng thôn. Từ một khu nhỏ bán hàng ở đầu làng, gần chốt vùng xanh cho dân cư trong thôn, nhu cầu phát sinh, để đảm bảo an toàn, nhóm chợ online được mở để người dân trong làng tiện trao đổi hàng với nhau. Từ mớ rau, quả trứng... đều được đưa lên chợ để dân làng mua sắm. Khi vận chuyển đồ, người bán, người mua phải thực hiện nguyên tắc 5K hoặc mang hàng ra gửi ở chốt kiểm dịch.