Đặng Nam Phương (28 tuổi) là một bà mẹ như vậy. Bé Bư - con gái chị Phương năm nay 4 tuổi, có 3 năm được mẹ “homeschool”, con không đến trường, mà tự học ở nhà bằng “giáo trình” do mẹ soạn.
Lần đầu tiên gặp bé Bư, tôi vô cùng ngạc nhiên! Một cô bé 4 tuổi giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, vốn từ vựng phong phú, ngữ điệu rất tự nhiên và rất “tây”. Chưa hết, Bư còn là một cô bé rất lễ phép, tự tin, biết thể hiện suy nghĩ rất rõ ràng. Đó là thành quả của Nam Phương, sau 3 năm từ bỏ mọi công việc ngoài xã hội để lựa chọn ở nhà hoàn toàn với con và dạy con theo kiểu homeschooling.
Chân dung bà mẹ homeschool Đặng Nam Phương cùng hai con gái Bư (4 tuổi) và Siêu Tăm (1 tuổi). Ảnh NVCC. |
“Năm Bư 1 tuổi, tôi gặp một số người bạn đang áp dụng cách dạy này và bị thuyết phục hoàn toàn. Tôi mua các loại sách ngoại văn về cách chăm sóc trẻ, ngôn ngữ, cảm xúc, kỹ năng… của trẻ. Ngày chăm con, tối ôm sách đọc để có thêm kiến thức. Dần dần, vừa nắm bắt nhu cầu, phát triển của con vừa hoàn thiện cách giáo dục phù hợp” - Phương chia sẻ.
Bản thân từng đi du học và sinh sống ở nước ngoài khá lâu, về nước làm giáo viên dạy tiếng Anh nên Phương có vốn tiếng Anh rất ổn. Cô quyết định dành phần lớn thời gian để dạy con học tiếng Anh. Mỗi ngày, hai mẹ con tập trung khoảng 2 tiếng để trò chuyện bằng tiếng Anh, học từ vựng. “Tôi không dạy xen kẽ vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt mà tập trung riêng biệt thời gian để bé không bị xáo trộn ngôn ngữ. Vì vậy, Bư vừa nói tiếng Anh trôi chảy, vừa nói tiếng Việt rất tốt” – theo Phương.
Bư là cô bé tự tin, tự lập, biết giúp mẹ chăm sóc em. Ảnh NVCC. |
Ngoài dạy con học tiếng Anh, nhận thấy con thích mặt chữ, các con số, Phương tiếp tục ưu tiên thời gian để dạy con cách ghép chữ, số. Hiện tại, Bư bắt đầu xem được đồng hồ số, ghép cơ bản các chữ cái có nghĩa như bố, mẹ, Bư, em Tăm… “Homeschool con là như vậy, nắm bắt sở thích của con để định hướng con. Ở bên con cả ngày nên tôi hiểu rất rõ con thích gì, ghét gì, tính cách của bé như thế nào, lắng nghe con nhiều hơn… điều này giúp tôi dễ dàng uốn nắn, định hướng cho con!” – bà mẹ trẻ chia sẻ.
“Rất nhiều người hỏi tôi, cuộc sống của con chỉ quẩn quanh trong mối quan hệ và giao tiếp của bố mẹ, gia đình, liệu có hạn chế con trong giao tiếp xã hội về sau không? Tôi không thấy đây là vấn đề! Chưa ai nhận xét rằng Bư nhút nhát, thiếu tự tin trong giao tiếp” - Phương nói. Kỹ năng giao tiếp của con phụ thuộc chủ yếu vào sự hướng dẫn và giao tiếp của bố mẹ là chính. Muốn bé giao tiếp tốt, trước hết con phải có kỹ năng ngôn ngữ tốt, trên cơ sở đó được bố mẹ chủ động hướng dẫn để giao tiếp hiệu quả.
“Nhiều đứa trẻ gặp gỡ, vui chơi chủ yếu theo hướng dẫn của thầy cô. Khi các bé có bất đồng, mâu thuẫn trong giao tiếp, nếu người lớn áp đặt cách giải quyết thay vì hướng dẫn bé thì trong trường hợp này bé không học được gì. Bố mẹ phải có sự chủ động dẫn dắt kèm với giải thích gốc rễ vấn đề, bé sẽ hiểu rõ chuyện.
Tại Hà Nội, số cha mẹ lựa chọn homeschool con rất hiếm. Một bà mẹ khác cũng đã áp dụng cách này khá lâu và thành công cho cả ba đứa con của mình là chị Keziah Hương (Q.Thanh Xuân). Thay vì gửi con đến các trường mẫu giáo giáo dục sớm, chị Hương dành thời gian dạy các con tại nhà.
“Tôi nghĩ giai đoạn 0-6 tuổi là lúc các con học bằng trực quan: Quan sát và bắt chước là chính nên cần người làm gương thì cha mẹ là tấm gương lý tưởng nhất” - theo quan điểm của chị Hương. Điều khá hay là chị Keziah Hương đã mời được 7 gia đình tham gia thành một nhóm cho các con cùng học, cùng sinh hoạt như một lớp học thu nhỏ, tạo nhóm bạn vui chơi và giao lưu, hoạt động cộng đồng thường xuyên để các con học cách giải quyết những va chạm từ mức độ đơn giản đến phức tạp.
Những bà mẹ “homeschool con” như chị Phương, chị Hương rất hiếm. Là một cách thức giáo dục khá hiệu quả, thế nhưng không có nhiều cha mẹ dám thử. Đâu là rào cản của họ?
Triết lý của lối giáo dục homeschool: - Tập trung vào học sinh hơn là tập trung vào nội dung chương trình (khác với kiểu giáo dục ở hệ thống trường lớp chính thức là tập trung vào nội dung chương trình); - Làm cho học sinh trở nên năng động và thúc đẩy sự tham gia của chính học sinh thiết kế việc học của mình; - Thúc đẩy tính độc lập sáng tạo, sự tự tin; - Nói không với các hình thức thi đua, điểm số hoặc phân lớp học. |