Những bài hát ru xua tan âu lo, thắp lên hy vọng

Nhu Thụy
25/04/2021 - 10:01
Những bài hát ru xua tan âu lo, thắp lên hy vọng

Bà Mona Idrees ru cháu của mình ngủ

Ở đâu đó tại các trại tị nạn Trung Đông hay vùng đất nghèo châu Phi, nơi đang oằn mình trong đại dịch, những bài hát ru được ví như cánh cửa hy vọng về tương lai tươi sáng. Lời hát ru trở nên sống động khi màn đêm buông xuống, len lỏi dưới những tấm chăn, cuộn vào những căn phòng…
Xua tan nỗi lo âu, sợ hãi

Đối với Khadija al Mohammad, khi chào đón đứa con đầu lòng Muhammed cách đây 19 năm, trước khi cuộc nội chiến Syria diễn ra, cô luôn ngân nga những lời hát ru ngọt ngào, những bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Khi xung đột leo thang, gia đình cô phải rời Kafr Nabl năm 2013 và vượt biên đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cô sinh người con út Ahmad, nay đã 3 tuổi. Nằm trong số 12 triệu người phải di tản khỏi Syria kể từ năm 2011 và giờ đã là công dân Thổ Nhĩ Kỳ, Khadija nếm trải nhiều vất vả. Chính những bài hát ru đã theo giấc ngủ của 5 người con để xoa dịu tiếng bom rơi, đạn lạc cùng nỗi đau chiến tranh.

Trong lều tị nạn, Khadija giật mình mơ thấy máy bay trực thăng và quân đội Syria đuổi theo sau. Cô thức giấc, lo lắng không biết làm thế nào để bảo vệ các con mình, vậy là cô hát ru. "Ồ, máy bay bay trên bầu trời và sẽ không tấn công trẻ em trên đường phố. Hãy dịu dàng và tử tế với những đứa trẻ này...", Mohammad hát lại câu hát ru thuở trước.

Khadija chia sẻ, con trai Ahmad tìm đến những bài hát ru không chỉ để ngủ mà còn để cảm nhận sự dịu dàng của mẹ. "Những bài hát này nhắc nhở các con tôi rằng chúng không cô đơn trong màn đêm và hứa hẹn một ngày mai tươi sáng hơn", bà Khadija nói. Còn cô con gái Sedil al Mohammad (12 tuổi) của Khadija thường hỏi mẹ về cuộc sống ở Syria. Khadija lại hát những bài hát Syria để các con cảm nhận về quê hương.

Cũng giống Khadija, bà Mona Idrees ru cháu trai Zaid Abideen, 2 tuổi, của mình ngủ. Năm 2013, bà Mona trốn khỏi Syria cùng vợ chồng con trai đến Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Zaid được sinh ra. Bà đã hát những bài hát tiếng Syria cho cháu nghe để dạy cháu về tổ tiên, nguồn cội.

Những phụ nữ trên đã mang những bài hát ru xuyên biên giới và sáng tạo ra những bài hát mới trong suốt chặng đường chạy loạn. Trong những bài hát ru, họ không chỉ bày tỏ nỗi lo âu về một tương lai bất định mà còn thể hiện một nhịp thở hy vọng và lời nguyện cầu bình an.

Lời hát ru cũng là trải nghiệm của những bà mẹ nhí Liberia. Tại Liberia, cứ 10 nữ thanh thiếu niên thì có 3 người mang thai hoặc sinh con trong độ tuổi từ 15 đến 19. Sau nhiều năm sống vô gia cư ở thị trấn West Point gần Monrovia, Christiana Gmah đêm đêm hát ru con gái Orinna ngủ. Cha mẹ của Christiana đã gửi cô đi khi biết con gái mình mang thai ở tuổi 13. Giờ cô phải bán bánh mì ban đêm để mưu sinh, nuôi con gái.

Còn Princess Harris (17 tuổi) vỗ về cho con trai Annointed ngủ. Cô đặt tên cho con là Annointed để con sẽ được ban phước lành sau khi mẹ cô đuổi cô đi và cha của đứa bé từ chối nhận con mình. Harris ước mơ được đi học lại và trở thành một luật sư nhân quyền để đấu tranh cho quyền của phụ nữ và trẻ em. Cô hát ru Annointed về hy vọng tương lai của mình.

Những bài hát ru xua tan âu lo, thắp lên hy vọng - Ảnh 1.

Cô bé Sedil al Mohammad mường tượng về quê hương qua câu hát ru của mẹ

Hy vọng sớm vượt qua đại dịch

Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cuộc sống bị tác động mạnh mẽ. Phụ nữ chiếm gần 70% số nhân viên y tế và dịch vụ xã hội trên toàn cầu. Do đó, họ càng bị ảnh hưởng nhiều từ đại dịch. Ngoài việc phải đối phó với đại dịch, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, họ còn phải chăm sóc gia đình một cách tốt nhất.

Elizabeth Streeter, một y tá tại Massachusetts, Mỹ, làm việc ở khu vực dành cho bệnh nhân Covid-19 của bệnh viện. Khi đại dịch bùng phát dữ dội, cô đã tự đưa ra quyết định khó khăn là phải cách ly khỏi 4 cậu con trai của mình để tránh cho chúng tiếp xúc với virus. Cô ở trong ô tô đỗ bên ngoài nhà mình suốt một tháng, còn chồng cô ở nhà để chăm sóc lũ trẻ. Cô chỉ biết nhìn chồng con từ bên trong xe. Vào các buổi tối, Elizabeth kết nối với gia đình qua điện thoại. Cô cố cầm nước mắt để hát bài hát ru yêu thích của cậu con trai 3 tuổi. Lúc đó, cô vô cùng hoang mang, bối rối, không rõ đến khi nào mới có thể được ôm con trong vòng tay.

Còn Allison Conlon, một y tá đến từ thành phố Bridgewater, bang Massachusetts, làm việc trong phòng chăm sóc đặc biệt của bệnh viện, cũng phải tách khỏi gia đình của mình. Buổi tối, cô gọi cho cậu con trai 2 tuổi Lucas để đọc truyện, hát ru con ngủ. Mỗi Chủ nhật, cô về thăm nhưng không vào nhà. Thay vào đó, cô đọc truyện cho Lucas nghe qua cửa kính chống bão và chỉ biết hôn tạm biệt con qua lớp kính. "Con trai tôi đã rất kiên cường và thích nghi với sự thay đổi. Tôi rất mừng vì điều đó", Allison Conlon nói.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, các bài hát ru giúp xoa dịu cả người lớn và trẻ em. Laura Cirelli, giáo sư tâm lý học tại trường Đại học Toronto (Canada), đang nghiên cứu về tính khoa học của các bài hát ru. Cô phát hiện ra rằng khi hát ru, không chỉ đứa trẻ được xoa dịu mà cả người hát. Đặc biệt, lời hát ru kết nối con người với quá khứ, giúp đưa ta vào giấc ngủ rồi dẫn dắt ta đến những giấc mơ.
Nguồn: National Geographic
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm