Những bạn trẻ khuyết tật biến rác thành 'vàng'

09/06/2019 - 14:42
Vật liệu rẻ tiền, thậm chí còn được coi là rác đã được những bạn trẻ khuyết tật thổi hồn ‘hô biến’ thành những bức tranh có giá trị nghệ thuật và quý tựa ‘vàng mười’.
ttg.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng dành lời khen cho những sáng tạo của Vụn Art khi thể nghiệm dòng tranh dân gian theo hình thức sáng tạo mới và độc đáo.

 

Những ngày này Hà Nội nắng như đổ lửa, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới 50 độ C. Vậy nhưng ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), trong hai khu vực trải nghiệm và giới thiệu sản phẩm của Vụn Art, cửa lúc nào cũng mở rộng. Trong phòng chỉ có quạt, không điều hòa, những bạn trẻ khuyết tật đang cần mẫn với công việc biến rác thành… "vàng". 

Thùng vải vụn đủ sắc màu để ở giữa phòng, mỗi người một góc, người chọn vải, ép mếch, người cắt, người dán… Từng công đoạn đều được các bạn trẻ làm với sự say mê hiếm thấy giữa thời tiết oi bức, đôi khi khiến ngay cả những người bình thường cũng chẳng muốn làm gì vì... chỉ thở thôi cũng mệt.

dscf8860.jpg
Hằng đang là thẳng các mảnh vải vụn và ép vào mếch.

 

Ở góc phòng bên trái, Hằng (sinh năm 2000) đang cẩn thận là từng miếng vải vụn, có miếng nhỏ xíu và ép vào miếng mếch. Góc phòng bên phải Trang (sinh năm 1997) đang dán từng chấm nhỏ xinh lên cánh của một chú gà trống, đôi khi chấm vải nhỏ như trêu ngươi khi không thể chạm đúng vị trí cần dán, Trang lại kiên nhẫn dùng đầu tăm nhấc miếng vải nhỏ như mắt của chú cá lên rồi tỉ mẩn dán lại.

 

dscf8880.jpg
Trang tỉ mẩn dán từng chấm nhỏ xinh lên cánh của một chú gà trống.

 

dscf8870.jpg
Quảng chăm chút cho từng chi tiết của bức Khuê Văn Các

 

Quảng ngồi giữa phòng mở điện thoại ra xem hình Khuê Văn Các- biểu tượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến- rồi lại chăm chú nhìn tác phẩm mà mình đang thực hiện, mắt ánh lên niềm vui. Những đốm nắng chiếu vào bức tranh Quảng đang làm khiến hình ảnh Khuê Văn Các hiện lên rực rỡ sắc màu. Quảng tập trung tối đa vào công việc, dường như không để ý đến nắng nóng và có người đang giơ máy chụp hình mình.

Những mảnh ghép làm nên… Vụn  

Quảng, Trang, Hằng là những bạn trẻ câm điếc. Quảng, 21 tuổi từng được đi học  nên biết chữ; Hằng biết vài từ đơn lẻ, còn Trang hoàn toàn không biết gì.

Quảng bị khiếm thính bẩm sinh, trước đây bố mẹ xin cho Quảng đi làm bốc vác, công việc quá vất vả so với vóc dáng gày gò và sức khỏe của cậu. Đến với Vụn Art, Quảng không chỉ tìm thấy một công việc phù hợp mà còn là việc mà cậu cảm thấy đam mê và yêu thích. Dù không thể giao tiếp được, nhưng khi có khách quốc tế đến trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn, Quảng và các bạn trẻ khác vẫn có thể nhiệt tình hướng dẫn họ.

cac-thanh-vien-cua-vun.jpg
Các thành viên của Vụn Art.

 

Bùi Thị Dung (sinh năm 2001), là người làng Vạn Phúc, gắn bó với Vụn từ những ngày đầu tiên. Đây cũng là công việc đầu tiên của cô gái với đôi mắt to tròn, bị khuyết tật trí tuệ nhẹ và chỉ có một tay sử dụng được.

Ngoài ra, còn có chị Hoàng Thị Hậu, được xếp vào một trong những thành viên cao tuổi nhất của Vụn. Chị Hậu bị khuyết tật vận động, đi lại khó khăn, từng bị trầm cảm. Ngày đầu vận động mãi chị mới đồng ý làm tại Vụn nhưng sau này đã rủ thêm cả em trai, cũng là người khuyết tật gia nhập Vụn.

Những người khác, mỗi người một dạng khuyết tật- đa số đều là nỗi lo lắng của người thân khi không thể tự mình kiếm sống- đến với Vụn họ đều được bố trí công việc phù hợp với khả năng của bản thân.

Ở Vụn có Trương Thị Hoàng Mỹ đến từ Cần Thơ. Mỹ là người bình thường, chồng cô là người khuyết tật. Năm 20 tuổi (2009), Mỹ quen chồng qua mạng; 2 năm sau họ làm đám cưới. dù khi đó đã biết anh bị khuyết tật vận động do tai nạn cô gái trẻ vẫn quyết khăn gói ra Hà Nội theo tiếng gọi của tình yêu.

“Tôi sống trong gia đình bốn thế hệ, cả người già, trẻ nhỏ, gồm ông bà của chồng, mẹ chồng, vợ chồng tôi và cậu con trai 6 tuổi nên rất cần có thời gian chăm sóc gia đình. Đến với Vụn ngoài việc thời gian có thể linh hoạt, tôi thấy yêu công việc này vì được tiếp xúc với nhiều người và tâm trạng luôn vui vẻ”- Hoàng Mỹ chia sẻ.

“Thủ lĩnh” của Vụn Art

Khá bất ngờ khi gặp Giám đốc Vụn Art Lê Việt Cường- bởi Cường là người từng đồng hành với Chương trình Mottainai của Báo Phụ nữ Việt Nam những mùa trước (với tư cách là Giám đốc của CTCP Kym Việt).

Tôi vẫn ấn tượng với hình ảnh Cường trực tiếp giới thiệu từng sản phẩm thú nhồi bông tới khách hàng trong ngày hội Mottainai năm nào. Nếu không nói ra, ít ai biết những sản phẩm vô cùng dễ thương đó cũng do chính những người khuyết tật làm ra. Bản thân Cường cũng là người khuyết tật vận động, đi lại rất khó khăn. Cường bị bại liệt sau một trận sốt hồi chưa đến 1 tuổi.

cac-thanh-vien-cua-vun2.jpg
Giám đốc Vụn Art Lê Việt Cường (áo hồng) và các thành viên khuyết tật (đứng) trong một buổi hướng dẫn trẻ em trải nghiệm ghép tranh từ vải vụn.

 

Cường chia sẻ, Vụn Art ra đời năm 2017 từ ý tưởng làm tranh ghép vải của Phó Bí thư thường trực Quận ủy Hà Đông. Từ 35 bạn trẻ khuyết tật (câm điếc, khuyết tật vận động, trí tuệ thể nhẹ…) tham gia lớp học ban đầu, có 14 bạn trụ lại và đang làm việc tại Vụn.

“Những bạn khuyết tật ở xa được hỗ trợ thuê nhà, điện nước, ăn ở và nhận khoản trợ cấp từ 1 đến 4 triệu đồng để có thể đảm bảo được đời sống ở mức tối thiểu nhất”- Cường chia sẻ- “Ngoài việc tận dụng được vải vụn của bà con làng nghề, giúp bảo vệ môi trường, tôi mong có thể đưa ra thị trường những sản phẩm tốt. Hy vọng có thể tạo ra được những chuỗi giá trị từ việc tạo việc làm cho người khuyết tật, sau này khi có lợi nhuận sẽ trích lại để gây quỹ cho chính người khuyết tật, con em họ và tiếp tục đào tạo nghề…”.

trai-nghiem-2.jpg
Du khách người Nhật Bản bên tác phẩm tranh ghép từ vải vụn do Quảng (trái) hướng dẫn.

 

Thậm chí, không cần trực tiếp làm việc tại Vụn, những người khuyết tật có thể nhận sản phẩm về làm tại nhà. Mô hình làm tranh ghép từ vải vụn cũng có thể nhân rộng ở các tỉnh, đặc biệt là các điểm du lịch bởi sản phẩm tốt và cạnh tranh được. Với thâm niên 14 năm làm việc ở nhà nước, 8 năm làm ngoài, Cường luôn muốn truyền cho các bạn trẻ khuyết tật thông điệp “nếu không làm được việc sẽ không ai nhận mình, sản phẩm của người khuyết tật cũng vậy!”.

Để Vụn Art vận hành được, ngoài khoản tiền tài trợ từ các cá nhân, tổ chức khoảng 350 triệu đồng, Cường đã đầu tư rất nhiều tâm huyết và khoản tiền khoảng 1,9 tỉ đồng và trong suốt 2 năm qua chưa nhận về 1 đồng nào. Vậy nhưng, bỏ qua gánh nặng về kinh tế, với ánh mắt sáng lấp lánh Cường hào hứng kể về những dự định mà cậu ấp ủ để Vụn Art có thể phát triển. “Hiện tại, số trẻ đến trải nghiệm làm tranh ghép từ vải vụn ngày càng tăng, các em được rèn tính kiên nhẫn, biết bảo vệ môi trường qua việc sử dụng đồ tái chế, hiểu và cảm thông với những người kém may mắn trong xã hội. Các sản phẩm sử dụng tranh ghép từ vải vụn cũng sẽ được đa dạng hóa, từ chiếc túi thổ cẩm, ba lô hay tấm bưu thiếp nhỏ xinh… Các thợ thủ công khuyết tật có thể đưa ra thị trường những sản phẩm nghệ thuật, chất lượng- khi có việc làm, họ cũng có một cuộc sống vui vẻ, lạc quan không phải là gánh nặng với gia đình, xã hội.”

Một số sản phẩm tranh ghép từ vải vụn do các bạn trẻ khuyết tật tại Vụn Art thực hiện:

ghep-vai.jpg
Sau 17 ngày lao động cật lực, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Đặng Thị Khuê (đứng thứ hai từ trái qua), bức tranh Khuê Văn Các đã được hoàn thành chứa đựng niềm tự hào và tâm huyết của Vụn art.

 

tranh-vai-vun-5.jpg
Hà Nội vào hè- bức tranh được làm theo đơn đặt hàng của khách Nhật.

 

tranh-vai-vun-1.jpg
Phố cổ.

 

tranh-vai-vun-2.jpg
Cô gái cầm quạt được làm từ bức tranh vẽ tay của Nguyễn Văn Chung, học sinh tiểu học yêu tranh dân gian và đam mê vẽ từ nhỏ. Bằng sự khéo léo, tỉ mẩn, các bạn trẻ khuyết tật đã tạo nên bức tranh đẹp- đưa nét văn hóa cổ truyền đến gần hơn với cuộc sống hiện đại. 

 

tranh-vai-vun-3.jpg
Tranh dân gian Đông Hồ ghép từ vải vụn.

 

tranh-vai-vun-4.jpg
Tranh dân gian Đông Hồ ghép từ vải vụn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm