Bệnh gút
Theo một thống kê, có tới 95% người mắc bệnh gút là nam giới và thường gặp ở tuổi trung niên. Ở tuổi này, đàn ông thường có thú vui đến với những bữa ăn thịnh soạn, uống nhiều bia, rượu nên dễ bị gút do rối loạn chuyển hóa purin, gây lắng đọng axit uric ở khớp, gây viêm khớp với các biểu hiện đặc trưng như: Sưng, nóng, đỏ, đau, phù nề ở khớp ngón chân cái, khớp ngón tay, cổ tay...
Theo lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa, bệnh gút không thể chữa trị dứt điểm mà cần một quá trình ăn uống, sinh hoạt hợp lý như ăn uống điều độ, không ăn những đồ cay, nóng, uống loại nước có cồn, thức ăn nhiều đạm như: Nội tạng động vật, ớt, dưa muối, rượu bia, thịt bò, hải sản, thịt chó... Nhìn vào danh sách những thứ cần kiêng khem này không ít người dễ bị sốc bởi ý nghĩ từ nay họ sẽ không được hưởng thụ những món ăn khoái khẩu của mình. Thế nhưng, nếu họ tìm được một thú vui khác tích cực hơn như luyện tập thể thao, tham gia các câu lạc bộ tăng cường sức khỏe hoặc ăn chay thì có thể ngăn ngừa bệnh phát triển.
Trầm cảm
Các triệu chứng trầm cảm ở nam giới có thể bắt đầu phát triển sớm nhưng chúng trở nên tệ hơn đáng kể ở tuổi trung niên. Có nhiều yếu tố để gây nên triệu chứng này khi bước qua tuổi 40. Lý do bệnh tật và sự lo lắng cũng khiến cho cánh mày râu bị trầm cảm chứ không chỉ phụ nữ.
Bởi vậy, các chuyên gia tâm lý và sức khỏe khuyên rằng, ngay khi có những triệu chứng của bệnh trầm cảm như mất ngủ, lo lắng, buồn bã, không hài lòng với mọi việc... thì người trong cuộc nên tìm đến bác sỹ và sự trợ giúp của y tế, không nên để các triệu chứng trở nên quá nghiêm trọng. Một trong những cách phòng ngừa trầm cảm là học cách kiềm chế stress, hoạt động thể chất thường xuyên và tránh làm việc căng thẳng.
Đau tim và đột quị
Theo các tổ chức y tế, đau tim hay đột quị ở nam giới ngày càng gia tăng. Điều này là do sức khỏe tim mạch của họ kém hơn, giảm nồng độ testosterone và mức cholesterol cao hơn. Cả đột quị (tai biến mạch máu não) và cơn đau tim (nhồi máu cơ tim) có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Do đó, điều quan trọng là phải nhận ra các triệu chứng của các tình trạng này một cách nhanh nhất và nằm trong “giờ vàng”, vì thực tế các phương pháp điều trị hiện đại có thể cải thiện cơ hội sống sót và làm giảm tình trạng tàn tật nếu được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.
Cách tốt nhất để ngăn chặn đột quị xuất huyết là kiểm soát huyết áp cao. Càng ít áp lực trên vách mạch máu, càng ít khả năng chúng bị vỡ. Để ngăn ngừa căn bệnh này nên tập thể dục đều đặn với mức độ nhẹ, có chế độ ăn hợp lý ít chất béo, ăn nhiều trái cây, rau quả, không để cân nặng tăng lên... Đặc biệt không nên hút thuốc bởi người hút thuốc có nguy cơ đột quị nhiều gấp hai lần người không hút thuốc.