Những bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ: Ung thư phổi

08/08/2017 - 20:20
Với phụ nữ, ung thư phổi liên quan nhiều đến hút thuốc lá thụ động. Theo Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, căn bệnh này rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao.
Chị Nguyễn Thị Hương (41 tuổi, Hà Nội) được phát hiện bị ung thư phổi cách đây một thời gian. Chị cho biết, mình chưa bao giờ hút thuốc lá. Thế nhưng hơn 2 năm trước, chị có biểu hiện ho khan, thi thoảng ho ra máu.

Chị đi khám và được kết luận bị ung thư phổi. Khi biết tin đó, chị rất sốc. Chị Hương không hút thuốc nhưng chồng chị nghiện thuốc lá từ lâu. Vì thế, chị đã tiếp xúc với khói thuốc lá từ hàng chục năm qua.
anh-bai-ung-thu.jpg
Phụ nữ và trẻ em dễ bị ảnh hưởng của khói thuốc lá. (Ảnh minh họa: Internet)

Nguyên nhân gây ung thư phổi thì hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu. Thống kê cho thấy, cứ 10 người ung thư phổi có tới 9 trường hợp liên quan đến thuốc lá, do hút thuốc chủ động hoặc thụ động (hít phải khói thuốc lá). Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác là do ô nhiễm môi trường, hóa chất hoặc do hít phải khí radon.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Sơn, cố vấn chuyên môn Bệnh viện (BV) Đa khoa An Việt, ung thư phổi là “một nhóm bệnh” chứ không phải một bệnh. Hiện hơn 80% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn.

Nguyên nhân bởi nhiều triệu chứng của ung thư phổi mới đầu rất mơ hồ. Do đó, người bệnh dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác nên khó phát hiện sớm.

TS Sơn cũng cho biết, khi bị ung thư phổi, bệnh nhân có triệu chứng là những cơn ho khan thường xuyên; sau đó có thể ho ra đờm, đặc biệt ho nhiều vào lúc gần sáng, đôi khi đờm dính thêm tí máu. Khi bệnh đã phát triển đến một mức nào đó, người bệnh thường xuyên bị viêm phế quản, viêm phổi, dẫn đến suy nhược cơ thể. 
capture.jpg
Hãy nói không với thuốc lá để phòng tránh ung thư phổi. (Ảnh minh họa: Internet)

Khi bệnh phát triển nặng hơn, có thể có các triệu chứng sưng phổi, nặng ngực, thở thấy nặng nhọc, thường xuyên thấy mệt mỏi, dễ bị chảy máu, nuốt khó, buồn ngủ, chóng mặt.

Hầu hết bệnh nhân phát hiện muộn 
      
PGS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, cho biết, ung thư phổi rất nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao. Hầu hết trường hợp ung thư phổi được phát hiện ở Việt Nam ở giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật. Thời gian sống sau khi được phát hiện rất ngắn. Do vậy, việc phát hiện sớm ung thư phổi đóng vai trò rất quan trọng.
ung-thu-phoi.jpg
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm trên thế giới có khoảng 106.470 phụ nữ chết vì ung thư phổi. (Ảnh minh họa: Internet)

Để phát hiện ung thư phổi, bác sĩ phải xem xét tiền sử của người bệnh, tiền sử hút thuốc, tiếp xúc với các chất ở môi trường tự nhiên và môi trường lao động, tiền sử ung thư của gia đình. Bác sĩ khám bệnh và có thể cho chụp X-quang lồng ngực, làm các xét nghiệm khác.

Nếu nghi ngờ ung thư phổi thì sẽ chỉ định làm thêm xét nghiệm tế bào trong đờm... Để chẩn đoán xác định ung thư phổi, phải sinh thiết mô nhỏ ở phổi.

Cũng theo TS Thuấn, để phòng ngừa ung thư phổi, cách tốt nhất là giữ cơ thể khỏe mạnh, ăn uống điều độ và đủ loại thực phẩm vì mỗi loại thức ăn có những yếu tố dinh dưỡng khác nhau, đều cần thiết cho cơ thể; không hút thuốc lá.

Chị em nếu có người thân hút thuốc lá cần yêu cầu bỏ thuốc; tránh hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh; đồng thời, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và đều trị sớm bệnh, nếu có.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm trên thế giới có khoảng 106.470 phụ nữ chết vì ung thư phổi. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, hiện mỗi năm, Việt Nam có khoảng 22.000 trường hợp ung thư phổi được phát hiện mới và 19.000 trường hợp tử vong. Trong đó, gần 90% trường hợp mắc ung thư phổi là do hút thuốc lá. Trong số những người mắc ung thư phổi, phụ nữ chiếm 20%.

Mời độc giả đón xem bài tiếp theo: Ung thư nội mạc tử cung

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm