pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cách cha mẹ nên thử nếu khó kìm chế cảm xúc khi dạy con
Ảnh minh họa
Trẻ hay bị đánh đập thường có tự trọng thấp, bị trầm cảm và có nhiều hành động tiêu cực trong tương lai. Cha mẹ nên biết, đòn roi chỉ thể hiện sự bất lực của phụ huynh trong việc nuôi dạy con cái và gây ảnh hưởng đến tương lai của con mình. Bởi vậy, trước khi mất kiên nhẫn và thiếu kìm chế cảm xúc, bố mẹ hãy thử một số cách sau.
1. Nhờ người thân trợ giúp trong lúc lấy lại bình tĩnh
Đầu tiên, nếu bạn cảm thấy tức giận và mất kiểm soát, bạn muốn đánh con, hãy cố gắng bình tĩnh và giữ yên lặng. Trong lúc đó, nên nhờ một người khác giúp đỡ trông con hoặc để bé một mình. Trong thời gian yên lặng này, bạn sẽ tìm thấy giải pháp cho vấn đề. Đôi khi các bậc cha mẹ không thể bình tĩnh bởi vì họ đang chịu rất nhiều áp lực. Bữa tối thì đang sửa soạn, những đứa trẻ đang đánh nhau, điện thoại đang đổ chuông và con bạn làm rơi chiếc bát. Hít thở thật sâu và đếm đến mười cũng là một gợi ý hiệu quả.
Nhiều cha mẹ thường mắng con để thoả mãn cảm xúc vào thời điểm đó nhưng sẽ lại hối hận vào lúc sau. Để tránh cảm xúc mâu thuẫn đó, tốt nhất nên kim chế việc đánh mắng hay quát tháo con cái. Bạn hãy thử im lặng vài lần, kết quả ngọt ngào sẽ tới với bạn.
2. Dành thời gian cho bản thân
Nhiều bậc cha mẹ có xu hướng sử dụng đòn roi với con bởi họ không có thời gian cho bản thân, luôn cảm thấy kiệt sức và bị hối thúc. Vì vậy, điều quan trọng là cha mẹ luôn phải dành một khoảng thời gian cho bản thân mình để tập thể dục, đọc sách, đi bộ hoặc nghỉ ngơi.
Khi cha mẹ hạnh phúc thì mới có thể nuôi dạy những đứa con hạnh phúc. Cảm xúc của cha mẹ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cách dạy con. Bởi vậy, việc tức giận hay dồn nén những stress sẽ không có lợi trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.
3. Ân cần nhưng kiên quyết
Một tình huống bực bội khác mà cha mẹ có xu hướng đánh con cái là khi chúng liên tục tỏ ra bướng bỉnh và không chịu nghe lời. Trong những tình huống này, hãy ngồi xuống ngang tầm mắt con, thể hiện giao tiếp bằng mắt, chạm vào chúng nhẹ nhàng và nói một cụm từ ngắn, ân cần nhưng đầy kiên quyết, những gì bạn muốn chúng làm theo. Ví dụ: "Mẹ muốn con chơi nhưng không ồn ào".
4. Cho con lựa chọn
Cho con bạn lựa chọn là một giải pháp hiệu quả thay vì đánh đòn. Nếu chúng nghịch phá thức ăn mà không chịu ăn, bạn nên hỏi chúng sẽ ngừng nghịch phá hay là rời khỏi bàn?. Nếu trẻ tiếp tục chơi với thức ăn của mình, bạn sử dụng hành động ân cần nhưng đầy kiên quyết bằng cách giúp chúng xuống khỏi bàn ăn. Sau đó nói rằng chúng có thể quay trở lại bàn ăn khi đã sẵn sàng ăn mà không đùa nghịch.
Thực ra, trẻ nhỏ rất thích được lựa chọn, dù là trong bất kỳ việc gì vì điều đó khiến chúng cảm thấy được chủ động cho cuộc sống và tự quyết định mọi việc liên quan tới bản thân như một người lớn thực thụ. Thế nên, bố mẹ hãy khéo léo đưa ra các phương án cho con lựa chọn nhé.
5. Sử dụng hệ quả logic
Hệ quả liên quan logic tới hành vi sẽ dạy con cái tính trách nhiệm. Ví dụ, con bạn phá vỡ cửa sổ nhà hàng xóm và bạn trừng phạt bằng cách đánh đòn. Chúng sẽ chẳng học được vì sao hành vi của mình lại xấu? Có thể chúng sẽ không bao giờ làm điều đó một lần nữa, nhưng đồng thời, chúng cũng biết rằng để thoát tội, chúng cần phải che giấu lỗi lầm của mình, đổ lỗi cho người khác, nói dối, hoặc đơn giản là không bị bắt gặp. Chúng có thể tỏ ra tội lỗi, giận dữ và hằn thù người đánh đòn chúng.
So sánh với tình huống một đứa bé đập vỡ cửa kính nhà hàng xóm và bố mẹ nó sử dụng giọng nói ân cần nhưng cương quyết: "Mẹ thấy con đã phá hỏng cửa sổ, con sẽ làm gì để sửa đây?". Đứa con quyết định cắt cỏ giúp và rửa xe nhiều lần cho người hàng xóm coi như trả chi phí phá vỡ cửa sổ. Trẻ học được những gì trong tình huống này? Đó là, sai lầm là một phần tất yếu của cuộc sống và nó không quá nghiêm trọng, nhưng con sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa những sai lầm. Trọng tâm được đưa ra khỏi các sai lầm và đặt vào trách nhiệm sửa sai. Đứa trẻ sẽ không cảm thấy tức giận hay hằn thù đối với cha mẹ của mình. Và quan trọng nhất là lòng tự trọng của trẻ không phá hỏng.
6. Tránh xung đột
Trẻ em thiếu tôn trọng cha mẹ có thể khiến cha mẹ đánh chúng. Tốt nhất là bạn nên thoát khỏi hoàn cảnh này ngay lập tức. Đừng rời khỏi phòng trong cơn tức giận hay thất bại. Nói một cách bình tĩnh "Cha/mẹ sẵn sàng ở phòng bên cạnh khi nào con muốn nói chuyện một cách tôn trọng hơn". Phương pháp tốt nhất là cha mẹ nên nghiêm khắc nhưng đủ tinh tế, nhẹ nhàng, làm bạn với con.
7. Đọc sách về nuôi dạy trẻ
Đôi khi, cha mẹ đánh con vì chúng không nghe lời. Tuy nhiên, trẻ con có những suy nghĩ khác biệt mà đến chính người lớn cũng khó mà hiểu được. Mỗi một giai đoạn, con lại có những chuyển biến mới, đòi hỏi phụ huynh phải tìm hiểu và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp. Vì vậy, bố mẹ nên đọc sách, dành thời gian nghiên cứu để hiểu tâm lý và hành vi của trẻ trong giai đoạn đó, có như vậy sẽ hạn chế tính nóng nảy và hiểu con nhiều hơn.