pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những câu chuyện đằng sau "giấc mơ gia đình"
Một trong những sự kiện trong năm 2019 để lại nhiều cảm xúc lắng đọng, đã chạm vào trái tim của hàng ngàn người xem, chính là triển lãm "Giấc mơ gia đình" do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa, Gia đình trẻ em mồ côi "Xa mẹ" tổ chức nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Trẻ em gái 11/10, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Người xem xúc động trước những câu chuyện đời thiệt thòi của các em nhỏ. Ảnh: TTXVN
Tất cả những đứa trẻ được sinh ra trên đời đều không có quyền lựa chọn mẹ cha. Người lớn có lỗi khi những ký ức tuổi thơ của các con là nước mắt và nỗi buồn. Không ai có thể cầm được nước mắt khi nghe những tiếng lòng con trẻ: "Con lên lớp 5 thì mẹ bệnh mất, bố thường xuyên đánh đập con và em. Ông bà ngoại thương hai chị em mang về nuôi nhưng không nuôi nổi hai đứa nên đưa con vào Trung tâm bảo trợ Lào Cai. Con không có lựa chọn cho dù không muốn", em Hà Tố Uyên, sinh năm 2004 ở Lào Cai chia sẻ. Còn Thào A Lềnh, sinh năm 2000, ở Yên Bái, nghẹn ngào: "Lên 2 tuổi bố mất, mẹ bỏ đi lấy chồng, con ở với ông bà nội. Đến tuổi, con không được đi học, hằng ngày phải đi chăn trâu, lấy củi. Có lần con ốm nặng, ông bà cho đi khám, bác sỹ giữ lại viện để điều trị nhưng vì không có tiền nên bà cho con về. Những lúc đó con thèm lắm có mẹ ở bên".
Tôi cứ ám ảnh mãi về Giàng A Thọ, sinh năm 1999, ở Sơn La. Ở tuổi 20 phơi phới thanh xuân và những khát khao tuổi trẻ nhưng khuôn mặt cậu khắc khổ như một ông già và ánh mắt thì chất chứa biết bao u sầu. Cũng phải, làm sao cậu có thể cười khi sinh ra đã không biết mặt cha, mẹ thì bỏ 6 anh em Thọ đi lấy chồng. "Con chỉ nhớ cũng có lần mẹ đến thăm và mẹ khóc, mẹ nói thương chúng con", ký ức duy nhất còn sót lại về mẹ trong Thọ chỉ vậy thôi nhưng như một "vết hằn" không thể mờ phai.
Một người bạn họa sĩ của tôi sau khi xem triển lãm xong, trong một quán cà phê vắng, chị đã lặng đi rất lâu. Chị bảo: "Tôi không thể vẽ cuộc đời màu xanh khi còn quá nhiều đứa trẻ buồn từ ánh mắt đến nụ cười. Tôi muốn khắc họa rừng sa mộc giữa bão giông mưa nắng. Tôi tin, mỗi đứa trẻ thiệt thòi ấy, dù không có bố mẹ, không có gia đình nhưng khi có cộng đồng dang tay che chở, chúng sẽ mạnh mẽ và đầy sức sống như rừng sa mộc trên núi cao mà tôi vẫn thấy". Chia sẻ của người bạn làm tôi nhớ tới thông điệp của cuộc triển lãm: "Hãy bảo vệ trẻ em, trao cho các em một cuộc sống có tình yêu thương và một tương lai bền vững".
Để nụ cười tương lai thắm sắc Xuân
Có những ước mơ giàu sang phú quý nhưng cũng có những ước mơ giản đơn mà thắt lòng. Chúng ta làm sao có thể cầm nước mắt khi nghe cậu bé Trần Hữu Hùng (SN 2007, đến từ Hưng Yên), chịu nỗi đau mất mẹ và bao bất hạnh dưới bàn tay vô thức của người cha tâm thần, mơ ước: "Con ước mẹ con sống lại, để con được gặp mẹ, ôm mẹ. Con chưa bao giờ được ôm mẹ cả".
Còn cô bé Phan Trần Kim Hồng, sinh năm 2004, đến từ Nha Trang, thì bộc bạch: "Nếu trên đời này có một điều ước dành cho con, con sẽ ước có thêm 10 điều ước khác vì con có rất nhiều thứ muốn trở thành hiện thực. Cuộc đời con, chưa bao giờ có gì cả!". Với cô bé 15 tuổi mất mát quá nhiều như Hồng thì làm sao một điều ước có thể lấp đầy những khoảng trống thiếu thốn trong em. Nếu ai biết về hoàn cảnh của Hồng sẽ hiểu, vì sao em muốn ước có 10 điều ước: "Có lần con đi ra biển, nhìn thấy những gia đình đi du lịch, các bạn tầm tuổi con được bố mẹ ôm vào lòng. Các bạn ấy có đầy đủ bố mẹ, con thì không. Khi đi học, giờ ra chơi, con ngồi một mình trong lớp vì không ai muốn chơi với con. Những lúc ấy, con đành lấy sách vở ra ngồi chép chép cho quên đi".
Ước mơ thường là những điều không hoặc chưa có thật. Chỉ mong sao, dù chỉ một phần mười thôi, điều ước của Hồng thành hiện thực.
Dẫu ước mơ chỉ mãi là ánh sao xa xôi trên bầu trời thì tôi vẫn mong các em nuôi dưỡng cho mình những ước mơ. Vì một ánh sao nhỏ xíu trên bầu trời vào một đêm không trăng, không sao cũng có thể trở thành đốm sáng diệu kỳ; vì ước mơ sẽ cho các em hy vọng và niềm tin, nghị lực để nhìn về tương lai.
Đường đến với giấc mơ còn dài nhưng chỉ cần có niềm tin, tôi tin, Giàng A Súa (SN 2000, ở Yên Bái, học viên trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa) sẽ biến ước mơ thành hiện thực. Súa ước rằng, sau này ra trường có công việc ổn định, em có thể nuôi sống bản thân và hai em ở quê nhà. Khi nghe Lương Văn Thuận, sinh năm 2000, ở Sơn La, kể: "Năm con đang học lớp 1 thì bố mất vì bị HIV. Một năm sau mẹ cũng mất vì lây bệnh từ bố. Em gái con cũng mất vì căn bệnh đó khi lên 9 tuổi. Nhà giờ còn một mình con", Thuận không nói điều ước của mình nhưng với "chàng trai" đang bước vào tuổi đôi mươi, tôi ước hộ em, sẽ có một cô gái với trái tim nhân hậu và tấm lòng bao dung song hành cùng em trong cuộc đời, để những nỗi buồn tuổi thơ trở nên mờ nhạt, để nụ cười tương lai thắm sắc hoa mơ, hoa mận, hoa đào mỗi mùa Xuân đến.
Cùng với việc kể cho công chúng về hoàn cảnh và ước mơ của những mảnh đời thiệt thòi, triển lãm "Giấc mơ gia đình" cũng cho thấy sự chung tay, đồng hành của cộng đồng trong việc giúp các em nhỏ có một cuộc sống an toàn và tương lai tươi sáng hơn. Đó là Trường Trung cấp Kinh tế Du lịch Hoa Sữa; là Gia đình trẻ em mồ côi "Xa mẹ"; là Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam với chương trình Thắp sáng ước mơ, hỗ trợ và tặng nhiều suất học bổng tới các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để các em có thể tiếp tục được đi học...