Những câu nói cửa miệng khiến trẻ tổn thương

23/05/2016 - 08:47
Đôi khi bố mẹ không nhận ra mình vô tình khiến con thấy buồn chỉ bởi câu nói bình thường.
cau-noi-lam-tre-ton-thuong-1.jpg
  1. “Tránh ra! Đừng quấy bố mẹ”

Những lúc bé muốn lại gần với bố mẹ nhưng do người lớn quá bận nên nói bé ra chỗ khác chơi, hoặc lúc bé vừa làm được một việc tốt, vừa phát hiện ra một điều mới mẻ muốn khoe với bố mẹ nhưng lại không được hưởng ứng, bé sẽ thấy buồn và thất vọng. Không chỉ vậy, bé có thể sẽ hình thành ý nghĩ mình là gánh nặng làm phiền bố mẹ, dần dần lớn lên bé sẽ không còn muốn chia sẻ những vui buồn với bố mẹ nữa.

Cách tốt nhất khi con muốn lại gần chơi cùng hay khoe thành tích mà bố mẹ đang bận là phân tích cho trẻ hiểu rõ ranh giới giữa làm việc và vui chơi. Chỉ cần nán lại một ít phút lắng nghe và nói với trẻ: “Con giỏi lắm, mẹ bây giờ đang bận việc, để khi nào làm xong việc mẹ chơi với con.” Một câu nói nhẹ nhàng đơn giản sẽ không đả kích và làm tổn thương bé, cũng không để lại ấn tượng bố mẹ không đáp ứng nhu cầu của con.

  1. “Ôi trời, lại... rồi!”

Đây là câu nói rất dễ thốt ra khi bố mẹ trách cứ trẻ làm điều gì không tốt, mang đầy tính than phiền, thất vọng. Câu nói này cũng tương tự như việc gắn cho trẻ “cái mác” không tốt, rằng bé mãi không sửa được điều không hay. Khi trẻ nghe thấy bố mẹ nói như vậy sẽ trở nên tự ti, buồn chán vì làm bố mẹ thất vọng, đối với việc sửa đổi thói quen, hành vi không tốt có hại nhiều hơn có lợi.

Khi trẻ làm điều không tốt bố mẹ chỉ cần nói với con cách giải quyết đúng đắn. Ví dụ như bé thích vẽ lên tường, bố mẹ hãy dặn bé chỉ được vẽ vào một góc nhỏ nào đó, hoặc chuẩn bị bảng vẽ, giá vẽ cho bé thỏa sức “tác nghiệp”, đồng thời đưa ra quy định nếu lần sau bé còn vẽ bừa bãi ở những nơi không được phép thì sẽ bị phạt.

  1. “Nếu con... thì bố mẹ sẽ thưởng...”

Để khuyến khích, động viên con làm tốt việc gì bố mẹ thường đưa ra những lời hứa hẹn khiến trẻ tràn đầy hy vọng mà thực hiện hết mình. Sẽ không có vấn đề gì nếu bố mẹ thực hiện đúng như lời đã nói. Nhưng nếu chỉ vì muốn “kích” con làm được việc như mình muốn mà bố mẹ nói như vậy, sau đó “quên” mất lời hứa thì sẽ khiến trẻ vô cùng thất vọng, đau lòng, nhiều lần sẽ khiến trẻ mất đi niềm tin vào lời nói của bố mẹ.

Khi không thể thực hiện được lời đã nói với con, bố mẹ hãy đưa ra một lý do thích đáng, hoặc tốt nhất không nên hứa trước.

  1. “Con người ta làm được, sao con không làm được?”

Hầu như trẻ nhỏ đều có kẻ địch chung, đó là “con người ta”. Khi bố mẹ muốn khích lệ con mình trở nên tốt hơn mà lấy bé khác ra so sánh, ví dụ, thì hoàn toàn phản tác dụng. Khi bị so sánh với người khác trẻ sẽ cảm thấy mình không bằng người ta, từ đó bị tổn thương và dần mất đi tự tin.

Trẻ nhỏ phát triển không phải bé nào cũng như bé nào, hơn nữa khả năng của các bé cũng không giống nhau. Do đó khi muốn khích lệ con mình trở nên tốt hơn, bố mẹ hãy cho trẻ động lực và niềm tin, chứ không nên gò ép bé theo gương người nào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm