Với số lượng bệnh nhập rất đông nên khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hầu như lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Ít khi nào người điều dưỡng có thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, thậm chí là nghĩ về cuộc sống riêng của chính mình.
Những lời than vãn hòa lẫn nỗi đau bệnh tật của người bệnh, cùng sự lo lắng của người nhà đã khiến khoa cấp cứu luôn là “điểm nóng” của toàn viện.
Với sự quan tâm của Ban Giám đốc Bệnh viện, chỉ trong năm 2017, khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, quyết liệt. Lãnh đạo Khoa luôn chú trọng vào việc phát triển chuyên môn, kỹ năng, kích thích sự sáng tạo, tinh thần hăng say phục vụ người bệnh vốn tồn tại trong mỗi nhân viên y tế.
Mỗi tua trực gồm có Trưởng tua và hai phó tua luân phiên là những đầu tàu, được đào tạo liên tục nhằm kế thừa, phát huy khả năng quản lý, làm việc nhóm, đồng thời nắm bắt công việc của các thành viên một cách sâu sát, chặt chẽ.
Các tua hoạt động, gắn kết với nhau như một mắt xích, được đánh giá và tự đánh giá thường xuyên, đúng mực, công bằng. Mỗi điều dưỡng viên được phát triển theo năng lực của chính mình, gắn liền trách nhiệm bản thân và công việc.
Tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tinh thần đồng đội luôn là kim chỉ nam trong mỗi suy nghĩ và hành động của các thành viên. Bên cạnh hoạt động quản trị, Lãnh đạo khoa luôn tham gia vào các tua trực đêm để theo dõi, đánh giá các quy trình làm việc; đồng thời giải quyết ngay lập tức tình huống đặc biệt xảy ra trong đêm, cùng sẻ chia những khó khăn, vất vả với nhân viên của mình.
Thành công nào cũng đều có sự hi sinh. Làm việc trong môi trường đa bệnh tật và lây nhiễm, thời gian dành cho hoạt động cá nhân và gia đình không được đảm bảo, sức khỏe không kịp phục hồi sau những đêm trực căng thẳng …là những rào cản đối với những ai làm trong khoa Cấp cứu. Nhưng với khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thì ngược lại, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế sẵn sàng “quên” giấc nghỉ giữa giờ, bỏ bữa, sức khỏe bản thân để chăm sóc cho từng người bệnh xa lạ, không quen biết, đảm bảo mỗi trường hợp được giải quyết nhanh chóng dưới 3 giờ.
BS. Nguyễn Viết Hậu, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chia sẻ, khi tính mạng và sức khỏe của người bệnh được tính bằng phút, khi sự lo lắng quyện cùng những mệt mỏi của người nhà người bệnh, khi những gương mặt cau có vì nỗi đau thể xác… tất cả tạo nên không khí khẩn trương và đặc trưng của khoa luôn “đứng đầu ngọn sóng”.