pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những cô dâu ngoại quốc phá vỡ "lối mòn" ở Hàn Quốc
Kim Hana, 31 tuổi, hiện làm cảnh sát ở Hàn Quốc.
Kể từ những năm 1990, chính phủ Hàn Quốc đã phải đưa ra các chính sách khuyến khích nam giới Hàn Quốc, đặc biệt là những người ở nông thôn không tìm được bạn đời phù hợp kết hôn với phụ nữ nước ngoài.
Tuy nhiên, cuộc sống của nhiều phụ nữ "di cư lấy chồng" này không hề dễ dàng. Một số người phải đối mặt với kỳ thị khi họ chuyển đến Hàn Quốc cũng như chịu cảnh lạm dụng và bạo lực gia đình.
Nhiều người trong số những phụ nữ này đến Hàn Quốc mà không hề biết tiếng Hàn, nhưng bất chấp những trở ngại, họ đang tạo ra một vị trí quan trọng cho mình trong xã hội Hàn Quốc.
Kim Hana - Cảnh sát
Kim Hana lần đầu tiên gặp chồng trong một buổi hẹn hò do người dì cô sắp xếp ở Nepal. Anh ấy bay từ Hàn Quốc sang, và trong vòng ba ngày họ sẽ bàn chuyện cưới xin. Cặp đôi chuyển đến Hàn Quốc cùng năm đó. Theo Hana, không có gì lạ khi phụ nữ Nepal muốn ra nước ngoài, cho dù để kết hôn hay làm việc vì cơ hội ở Nepal rất hạn chế.
11 năm trôi qua, Hana hiện là cảnh sát dù không mang quốc tịch Hàn ở quốc gia này. "Có thể có người nghĩ tôi không đủ giỏi so với một người Hàn Quốc bản địa, nhưng tôi không có thời gian để nghĩ về điều đó", người phụ nữ 31 tuổi có tên tiếng Nepal là Samjhana Rai trước khi nhập tịch cho biết.
"Khi tôi mặc đồng phục và mang súng ở thắt lưng, tôi không nghĩ mọi người sẽ nói tôi không 'trông giống người Hàn Quốc'", cô nói.
Hana làm công việc của một nhân viên đối ngoại - cầu nối giữa cộng đồng người Nepal và Hàn Quốc. Theo đó, số phụ nữ đến Hàn Quốc và kết hôn với đàn ông Hàn Quốc đã tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây, từ 120.110 người năm 2007 lên 287.298 người vào năm 2019, theo Trung tâm Hỗ trợ Gia đình Đa văn hóa do chính phủ điều hành.
Nhưng định kiến xã hội vẫn cho rằng những người vợ đến từ các quốc gia Đông Á và Nam Á là những người vợ được mua về hoặc bị bán cho gia đình chồng, kéo theo đó là vấn đề phân biệt đối xử. Tuy nhiên, Hana phần lớn có thể thay đổi điều này, và cảm thấy xã hội Hàn Quốc đã có nhiều tiến bộ trong việc tiếp nhận những người từ các nền văn hóa khác nhau.
Từ năm 2008, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập các trung tâm hỗ trợ đa văn hóa. "Giờ đây, Hàn Quốc có một cộng đồng lớn người nước ngoài và tôi đã gặp rất nhiều người khác nhau khi làm việc", cô nói.
Kyla - Thông dịch viên
Năm 1999, ở tuổi 24, Kyla từ Philippines đến Seoul. Lúc đó, cô không thể giao tiếp với người chồng Hàn Quốc, cô chưa từng ra nước ngoài và đó cũng là mối tình đầu của Kyla.
Cặp đôi được mai mối bởi Giáo hội Thống nhất ở Philippines, nhưng sau một vài năm, cuộc hôn nhân tan vỡ. Chồng Kyla bắt đầu uống rượu và cuối cùng rời bỏ gia đình, cắt hỗ trợ tài chính cho cô và 3 người con.
"Anh ấy yêu cầu ly hôn, nhưng ly hôn không phải là chuyện tốt đẹp gì đối với một người Philippines, vì vậy ban đầu tôi đã từ chối", cô nói.
Bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, Kyla làm giáo viên kiếm sống.
"Tôi làm việc hàng giờ, nhưng đôi khi vẫn không đủ tiền để trang trải tất cả các chi phí", Kyla giải thích. Hiện tại, cô đã chuyển sang làm cố vấn cho những người vợ nhập cư, đồng thời phiên dịch cho cảnh sát và các dịch vụ nhập cư.
Cô chia sẻ rằng kết hôn với người nước ngoài không chỉ là việc sống trong một gia đình mà còn là cả một nền văn hóa. Kyla lưu ý thêm sự hỗ trợ của các trung tâm đa văn hóa, hiện bao gồm cho cả nam giới cũng giúp ích được rất nhiều.
Cô nói: "Đàn ông Hàn Quốc đang được giáo dục về việc có một gia đình đa văn hóa – lấy vợ nước ngoài, điều đó chưa từng xảy ra".
Trong tương lai, Kyla cho biết cô muốn con mình có cơ hội như những đứa trẻ Hàn Quốc khác. Con gái cô đang được huấn luyện để trở thành một ngôi sao K-Pop, con trai thứ bắt đầu làm việc tại một công ty công nghệ thông tin, còn con trai lớn đang thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc trong Hải quân.
"Tôi đã làm mọi thứ có thể để giúp các con tôi phát triển", cô nói.