Những cử chỉ giúp bạn 'hút' đám đông

02/07/2016 - 07:09
Ngôn ngữ cơ thể có thể coi là một công cụ giao tiếp quan trọng. Cách bạn thể hiện mình qua những cử chỉ có thể quyết định thành công của cuộc hội thoại.
ngon-ngu-co-the-2.jpg
1. Sử dụng cử chỉ tay khi nói chuyện

Các chuyên gia nhận thấy, những diễn giả lớn, phát ngôn viên chuyên nghiệp hầu như dùng cử chỉ tay trong suốt buổi thuyết trình hoặc cuộc hội thoại của họ. Việc sử dụng các cử chỉ tay mang lại cho người nghe sự tin tưởng ở người nói. Các chính trị gia như Bill Clinton, Barack Obama, Colin Powell, và Tony Blair được coi là những diễn giả có sức lôi cuốn, bài phát biểu của họ luôn có hiệu quả, một phần nhờ vào việc họ thường xuyên sử dụng các cử chỉ tay.

2. Cử chỉ thể hiện thái độ, cảm xúc

Trong khi người khác đang nói bạn không thể chen ngang để biểu đạt ý kiến, cảm xúc của mình, vậy sử dụng những cử chỉ thay lời nói sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ nếu đồng tình ý kiến của người kia, bạn có thể chỉ cần gật đầu cũng khiến người ta nắm bắt được tín hiệu tốt từ bạn và càng hào hứng để tiếp tục câu chuyện; hoặc tán dương ý kiến của người đối diện, bạn có thể giơ ngón tay cái lên... Còn nếu không đồng tình ý kiến của người khác, bạn lắc đầu hoặc xua tay cũng đủ thể hiện quan điểm của mình một cách lịch sự. Những “ngôn ngữ không lời” không làm gián đoạn lời nói của người khác mà vẫn có tác động khá mạnh mẽ.

3. Lặp lại cử chỉ của người khác

Bắt chước lại cử chỉ của người khác sẽ khiến họ cảm thấy được kết nối với bạn, lời nói và hành động của họ có tác động đến bạn, mang lại cảm giác tự nhiên, thân thiết. Tuy nhiên cách làm này không nên được lặp lại nhiều lần hoặc thể hiện quá rõ ràng, bạn cần tinh tế nhận ra lúc nào phù hợp để sử dụng ‘chiêu’ này một cách tự nhiên. Chẳng hạn khi người đối diện vỗ nhẹ tay vì vừa nhớ ra chuyện thú vị muốn kể cho bạn, bạn có thể bắt chước cử chỉ đó thể hiện mình hưởng ứng câu chuyện.

4. Cử chỉ nhấn mạnh quan điểm

Có rất nhiều cách biểu đạt giúp bạn nhấn mạnh trọng tâm mình muốn nói. ‘Chiêu’ này giúp bạn truyền đạt thông tin tốt hơn, có tác dụng khiến người nghe chú ý tới điều bạn muốn họ nắm bắt được nhất. Bạn đừng sử dụng ngôn ngữ cơ thể với tất cả những gì mình nói ra, mà chỉ dùng trong lúc nói những từ ngữ, cụm từ quan trọng. Ví dụ bạn nói “chính tôi mới là người quyết định cuộc sống của mình”, bạn có thể dùng tay đặt trước ngực khi nói “tôi” hoặc “chính tôi” để nhấn mạnh thêm người đó là mình chứ không phải ai khác.

5. Tránh những cử chỉ thể hiện sự lo lắng hoặc không an toàn

Ngoài việc tạo ra những cử chỉ gây ấn tượng tốt, bạn cũng cần tự ý thức những cử chỉ tự nhiên thể hiện trạng thái không tốt của mình. Cái cau mày đầy lo lắng, tay gãi đầu bối rối, chỉnh sửa quần áo hay đầu tóc nhiều lần, ngồi gập người hoặc chống tay vào mặt... đều khiến người đối diện có cảm giác bạn không thoải mái, không tự tin. Khi người khác có ấn tượng không hay thì họ sẽ khó tiếp cận với bạn hơn, giao tiếp giữa hai người cũng không được tốt đẹp.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm