Ảnh hưởng xã hội lớn
Chính sách “không khoan nhượng” (Zero-tolerance) của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp bị dư luận chỉ trích gay gắt. Chính sách này đã dẫn đến các cuộc chia ly của gần 2.000 trẻ em khỏi gia đình tại khu vực biên giới Mỹ - Mexico. Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Laura Bush gọi chính sách nhập cư là “vô đạo đức”.
Trong bài bình luận nêu quan điểm riêng (OpEd) trên báo Washington Post số tháng 6/2018, bà Laura Bush nói: “Tôi sống ở một bang biên giới. Tôi coi trọng việc thực thi pháp luật và bảo vệ các vùng biên giới quốc tế của chúng ta nhưng chính sách không khoan nhượng này là thô bạo. Nó là điều vô đạo đức. Điều đó khiến tôi đau lòng”.
Trong bức thư gửi chính quyền Trump, bà Laura Bush đã kêu gọi chấm dứt việc tách trẻ em ra khỏi vòng tay cha mẹ. Chỉ 3 ngày sau, ngày 20/6, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh mới cho phép các thành viên trong các gia đình nhập cư bất hợp pháp từ Mexico sẽ được ở cùng nhau khi bị tạm giữ. Có lẽ, bà Laura Bush không đơn độc trong việc lên án việc tách trẻ em khỏi cha mẹ nhưng việc bà lên tiếng khẳng định một điều: cựu đệ nhất phu nhân vẫn có ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Eleanor Roosevelt cũng là một trong những đệ nhất phu nhân có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Mỹ. Bà là vợ của Tổng thống Franklin D. Roosevelt, người đã đưa nước Mỹ qua thời kỳ đại suy thoái. Ngoài việc là đệ nhất phu nhân, Eleanor còn là một nhà hoạt động vì quyền công dân và người viết sách, bà nhiều lần công khai phản đối các quyết định của chồng. Sau khi chồng qua đời và ngay cả lúc đã 70 tuổi, bà vẫn tiếp tục đi khắp nơi để vận động cho quyền con người và phát biểu về các vấn đề của thế giới.
Bà Cora Neumann, người sáng lập Liên minh các Đệ nhất phu nhân toàn cầu (Global First Ladies Alliance), cho biết: “Trên khắp thế giới, nhiều cựu đệ nhất phu nhân hay các đệ nhất phu nhân tại vị có sức ảnh hưởng lớn. Họ không có quyền lực pháp lý nhưng họ là những hình mẫu của xã hội góp phần hỗ trợ việc thay đổi các vấn đề xã hội, xây dựng các chính sách địa phương và nước ngoài. Cần khai thác tiềm năng này của quý bà để làm thay đổi thế giới”.
Liên minh các đệ nhất phu nhân toàn cầu hiện đã xây dựng mạng lưới gồm 45 đệ nhất phu nhân trên thế giới. Không chỉ ở châu Phi, Liên minh này đã tổ chức các cuộc họp với các đệ nhất phu nhân đến từ Mỹ, Anh, Mỹ Latinh và châu Á. Tại những sự kiện này, các phu nhân có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, cùng thống nhất xây dựng các chương trình học bổng hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái.
Thay đổi lớn ở “Lục địa Đen”
Ở các nước châu Phi, các đệ nhất phu nhân được xem là bậc “mẫu nghi thiên hạ”. Họ thường tham gia vào các vấn đề xã hội liên quan đến giáo dục, sức khỏe phụ nữ, trao quyền kinh tế và nỗ lực chống lại HIV/AIDS.
Luật sư Monica Geingos, đệ nhất phu nhân Namibia từ năm 2015 đã nỗ lực giúp người phụ nữ thoát nghèo thông qua các khoản vay ngân hàng và đào tạo họ trở thành các lãnh đạo doanh nghiệp. Cựu đệ nhất phu nhân Kenya Margaret Kenyatta đã dẫn đầu phong trào thành lập các trung tâm y tế ở nhiều nơi trên đất nước của mình. Sia Nyama Koroma - cựu đệ nhất phu nhân Sierra Leone (từ năm 2007 cho đến tháng 6/2018) xuất thân là một nhà hóa học và chuyên gia về sức khỏe tâm thần.
Bà Koroma đứng ra thành lập Văn phòng Đệ nhất Phu nhân để hỗ trợ các nỗ lực cải thiện giáo dục, đào tạo và trao quyền cho phụ nữ. Bà tích cực làm việc với những người hoạt động dân số ở địa phương và các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền thống nhằm tuyên truyền hiệu quả việc bảo vệ các bà mẹ tránh tử vong mẹ khi sinh con.
Jeannette Kagame, phu nhân của Tổng thống Rwanda Paul Kagame đã có đóng góp lớn vào việc ngăn chặn cơn đại dịch HIV/AIDS và cải thiện cuộc sống của các nạn nhân. Nhờ sự nỗ lực của bà Kagame cũng như các nhà lãnh đạo thế giới khác, số người nhiễm HIV mới đã giảm mạnh.
Còn bà Salma Kikwete - cựu đệ nhất phu nhân Tanzania đã gây ảnh hưởng lớn đến người dân khi cùng chồng xuất hiện trên chương trình trực tiếp của truyền hình quốc gia để được xét nghiệm HIV, phòng chống đại dịch AIDS. Bà đã kêu gọi người dân tự giác đi kiểm tra sức khỏe để nâng cao chất lượng cuộc sống.