Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm không nên bỏ qua

Ngọc Điệp
26/01/2021 - 08:10
Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm không nên bỏ qua
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là ngộ độc thức ăn là một trong những vấn đề sức khỏe khá phổ biến. Tuy không quá nguy hiểm nhưng ngộ độc thực phẩm có thể để lại những hệ lụy khôn lường cho sức khỏe.

Ngộ độc thức ăn tuy không phải là vấn đề sức khỏe hiếm gặp nhưng các triệu chứng thường xảy ra cấp tính, đôi khi ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới sức khỏe. Vì thế, hiểu biết chung về ngộ độc thực phẩm là rất cần thiết đối với mọi đối tượng.

Ngộ độc thực phẩm là một vấn đề sức khỏe thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Đây là tình trạng người bệnh bị trúng độc, ngộ độc do sử dụng những thức ăn, nước uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, hoặc ăn uống phải các loại thực phẩm bị ôi thiu, chứa quá nhiều chất bảo quản...

Những người bị ngộ độc thực phẩm có thể khỏe lại sau một vài ngày nếu bị ở mức độ nhẹ. Nhưng nếu như bị ngộ độc ở cấp độ nặng hơn, người bị ngộ độc thực phẩm có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngộ độc thực phẩm: Triệu chứng và chẩn đoán ngộ độc thực phẩm - Ảnh 1.

Ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe - Ảnh Internet.

1. Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Theo các bác sĩ, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra ngay sau khi ăn phải những độc tố khoảng vài phút hoặc vài giờ, cũng có thể từ 1-2 ngày sau khi hệ tiêu hóa tiêu thụ hết số thực phẩm gây ngộ độc.

Thông thường, các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm thường gặp là:

- Người bệnh bị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy.

- Đau bụng : có thể đau lâm râm hoặc đau quằn quại.

- Cơ thể bị sốt.

- Có cảm giác mệt mỏi và thiếu năng lượng.

- Không muốn ăn, chán ăn.

- Đau nhức cơ.

- Cảm giác ớn lạnh .

Ngoài ra, bạn cũng có thể nghĩ tới trường hợp mình bị ngộ độc thực phẩm khi:

- Có những biểu hiện bất thường sau khi sử dụng một thực phẩm nào đó.

- Những người ăn chung một loại thực phẩm có những biểu hiện tương tự nhau, trong khi những người không ăn thực phẩm đó không có biểu hiện gì ảnh hưởng tới sức khỏe

- Xuất hiện những triệu chứng ngộ độc thực phẩm đặc trưng như nôn mửa, đau bụng dữ dội, tiêu chảy.

- Thực phẩm có vị lạ, ôi thiu, thậm chí có thể có chứa giun sán.

Ngộ độc thực phẩm: Triệu chứng và chẩn đoán ngộ độc thực phẩm - Ảnh 2.

Bạn có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm khi sử dụng thực phẩm ôi thiu - Ảnh Internet.

Ngộ độc thực phẩm xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy theo nguyên nhân, người bị ngộ độc thực phẩm sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Cụ thể:

- Ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật:

Một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm là các loại vi khuẩn, virus hoặc các độc tố từ vi sinh vật. Trong trường hợp này, người bị ngộ độc thực phẩm sẽ có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; các biểu hiện của sự mất nước như khát nước, khô môi; hoặc triệu chứng nhiễm trùng gây sốt, liên tục vã mồ hôi.

Bạn có thể đọc thêm về ngộ độc thực phẩm qua bài viết Chuyên gia “điểm mặt” 2 lỗi sai trầm trọng khi vệ sinh thực phẩm, vật dụng ăn uống hầu hết mọi người đều mắc phải.

- Ngộ độc do sử dụng thực phẩm nhiễm hóa chất:

Với nguyên nhân ngộ độc này, người bệnh sẽ có những triệu chứng khá phức tạp. Các triệu chứng không chỉ biểu hiện ở hệ tiêu hóa mà còn xuất hiện bất thường ở các cơ quan khác như đau đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường,…

- Ngộ độc do thực phẩm chứa các độc tố tự nhiên:

Các thực phẩm như sắn, măng, cóc,... vốn chứa sẵn độc tố ,… nếu không được chế biến đúng cách khi ăn vào sẽ gây nên những triệu chứng bất thường cho sức khỏe.

2. Biện pháp chẩn đoán ngộ độc thực phẩm

Để chẩn đoán người bệnh có bị ngộ độc thực phẩm hay không, các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng các thông tin thu thập được từ bệnh nhân. Cụ thể, các yếu tố để bác sĩ xác định có gặp ngộ độc thức ăn hay không bao gồm:

- Thời gian nghi ngờ mắc bệnh.

- Biểu hiện, triệu chứng của ngộ độc thực phẩm.

- Những thực phẩm người bệnh đã tiêu thụ.

Ngoài ra, để việc chẩn đoán được chính xác hơn, các bác sĩ cũng như các chuyên gia cũng sẽ tiến hành khám lâm sàng để kiểm tra xem người bệnh có dấu hiệu mất nước hay không.

Từ đó, dựa vào kết quả đánh giá, người bệnh có thể làm thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu hoặc cấy phân nhằm tìm kiếm sự hiện diện của các vi sinh vật gây bệnh. Việc làm này giúp xác định chính xác nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Khi đã xác định nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm