pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần biết về chăm sóc sau phẫu thuật cận thị
Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị đúng cách giúp đảm bảo hiệu quả điều trị, người bệnh bình phục nhanh hơn và hạn chế được các biến chứng.
1. Bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại
Sau phẫu thuật, đôi mắt của người bệnh sẽ có các tổn thương cấu trúc do cuộc phẫu thuật để lại (vạt giác mạc, vết mổ,...). Do đó, vấn đề bảo vệ mắt sau phẫu thuật có vai trò cực kỳ quan trọng để bảo vệ các tổn thương này tránh khỏi các yếu tố gây hại và tạo điều kiện cho sự hồi phục.
- Đeo kính bảo hộ: Ngay sau khi phẫu thuật cận thị kết thúc, bệnh nhân cần phải được đeo kính bảo hộ ngay lập tức. Trong 1-3 ngày đầu sau phẫu thuật tùy từng phương pháp mổ, bệnh nhân sẽ cần phải đeo kính bảo hộ hoàn toàn trong cả ngày, kể cả khi ngủ. Về sau, thời gian đeo kính có thể giảm dần và chỉ cần sử dụng khi bệnh nhân thức, hoạt động, làm việc hay đi ra ngoài. Nếu bệnh nhân cần phải đi ra ngoài nắng, làm việc trong môi trường quá sáng thì có thể sử dụng kính râm để tránh chói mắt.
- Không thực hiện các động tác gây hại cho mắt: Những động tác gây tác động xấu đến mắt như nhíu mắt mạnh, day mắt, dụi mắt,... là những động tác cần phải hạn chế sau phẫu thuật cận thị. Những động tác thô bạo này có thể khiến cho các tổn thương ở mắt sau phẫu thuật trở nên nghiêm trọng hơn, gây xô lệch vạt giác mạc,...
- Vệ sinh mắt thường xuyên, đúng cách: Mắt sau khi phẫu thuật cận thị cần được vệ sinh thường xuyên. Vệ sinh mắt nên được tiến hành bằng các dung dịch sạch sẽ và nhẹ dịu, hay sử dụng nhất là dung dịch nước muối sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%), tránh tự ý bôi hoặc tra bất kỳ thuốc gì lên mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Khi vệ sinh mắt cần làm sạch gèn, bụi bẩn, cặn thuốc,... Các động tác vệ sinh mắt cần phải tiến hành nhẹ nhàng, tránh thô bạo gây tổn thương cho mắt.
2. Nhỏ thuốc cho mắt
Nhiều loại thuốc khác nhau có thể được chỉ định để sử dụng cho bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị, chẳng hạn như nước mắt nhân tạo, thuốc kháng sinh,... Bệnh nhân cần sử dụng thuốc đúng cách để có thể đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của thuốc:
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Bất kỳ loại thuốc nào sử dụng sau phẫu thuật cận thị đều phải được diễn ra dưới sự chỉ định của bác sĩ sau khi cân nhắc các điều kiện về mức độ cần thiết sử dụng thuốc, nhóm thuốc sử dụng, liều lượng,... để đảm bảo an toàn.
- Sử dụng thuốc đúng kỹ thuật: Các thuốc sau phẫu thuật cận thị chủ yếu được dùng dưới dạng tra, nhỏ mắt,... vì thế vấn đề kỹ thuật sử dụng thuốc đúng cách cần được đảm bảo để phát huy được tối đa hiệu quả thuốc, tránh thất thoát thuốc. Người bệnh nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn kỹ về kỹ thuật sử dụng thuốc đúng cách.
- Đảm bảo vệ sinh khi dùng thuốc: Khi sử dụng thuốc, bảo quản thuốc cần phải tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh và tránh lây truyền các tác nhân gây bệnh cho mắt, chẳng hạn như không để đầu lọ thuốc chạm vào mắt, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tra thuốc, không dùng chung lọ thuốc với người khác,...
3. Chế độ sinh hoạt
Chế độ sinh hoạt của bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị cũng cần có những thay đổi nhất định so với trước phẫu thuật để tránh gây tổn thương cho mắt.
- Tránh xà phòng, chất kích thích rơi vào mắt: Cần phải tránh tuyệt đối sự tiếp xúc của xà phòng hay chất kích thích với mắt trong thời gian sau phẫu thuật, đặc biệt là trong những ngày đầu tiên. Do đó, ngay từ ngày đầu sau phẫu thuật cận thị, bệnh nhân đã có thể tắm rửa nhưng chỉ nên tắm từ cổ trở xuống và không gội đầu để tránh làm xà phòng tiếp xúc với mắt, những ngày sau đó chỉ rửa mặt bằng nước thông thường thay vì sử dụng sữa rửa mặt,...
- Để mắt nghỉ ngơi nhiều hơn: Sau phẫu thuật cận thị, người bệnh nên cố gắng để đôi mắt của mình được nghỉ ngơi nhiều hơn, tránh gây căng thẳng cho mắt bằng cách ngủ đủ giấc (từ 7-8 tiếng mỗi ngày), hạn chế xem sách báo, TV hoặc sử dụng điện thoại kéo dài,... Điều này sẽ giúp các tổn thương nhanh bình phục hơn.
Có thể bạn chưa biết Những hoạt động có hại cho mắt rất nhiều người mắc phải này.
- Tránh gây áp lực lên mắt trong sinh hoạt: Các hoạt động gây áp lực lên mắt trong sinh hoạt hằng ngày như nằm sấp,... cần được hạn chế đến mức tối đa. Việc thực hiện các động tác tăng áp lực ổ mắt có thể gây nhiều tổn thương hoặc thậm chí làm các vết mổ bị xô lệch, bật khỏi vị trí,...
- Không trang điểm quá sớm: Trang điểm không nên diễn ra quá sớm ngay sau phẫu thuật cận thị, phấn trang điểm có thể rơi vào mắt và gây tổn thương mắt, nhiễm trùng,... Đối với phương pháp mổ Smile thì bệnh nhân có thể trang điểm sau 1 tuần phẫu thuật, còn đối với bệnh nhân mổ Lasik thì sẽ cần phải mổ sau 1 tháng mới nên trang điểm trở lại.
4. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật cận thị
Bệnh nhân sau mổ cận thị nhìn chung hầu như có thể ăn uống gần như bình thường. Tuy nhiên, trong chế độ dinh dưỡng nên được bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho mắt, chẳng hạn như các thực phẩm giàu vitamin A (cà rốt, bí đỏ, đu đủ, ớt chuông,...), thực phẩm giàu vitamin C (cam, quýt, bưởi,...), cá, hải sản,...
Ngoài ra, người bệnh cũng nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm không tốt như rượu bia, các thực phẩm cay, nóng,... trong bữa ăn hằng ngày. Nhìn chung việc Có chế độ dinh dưỡng hợp lý trước, trong và sau khi phẫu thuật cận thị đóng vai trò vô cùng quan trọng.
5. Chế độ vận động thích hợp
Chế độ vận động của bệnh nhân cần phải thích hợp với từng giai đoạn sau phẫu thuật để không làm ảnh hưởng đến kết quả của cuộc phẫu thuật.
Trong ngày đầu phẫu thuật, bệnh nhân không nên hoạt động gì mà chỉ nên ở yên tại nhà. Đến ngày kế tiếp thì có thể đi các phương tiện như máy bay, hay ô tô,... Các hoạt động ngoài trời như đi bộ, yoga,... thì chỉ nên bắt đầu luyện tập sau phẫu thuật 1 tuần và cần phải có mắt kính bảo hộ khi luyện tập.
Đối với các môn thể thao dễ gây chấn thương cho mắt như võ thuật,... thì người bệnh không nên tập luyện quá sớm, nên chờ đến khi mắt bình phục tốt thì mới luyện tập trở lại để tránh các hậu quả xấu cho mắt.
6. Làm việc trong môi trường thích hợp
Khi phẫu thuật cận thị xong, người bệnh nên làm việc với cường độ vừa phải để tránh gây áp lực lên đôi mắt quá mức, gây cản trở sự hồi phục bình thường của mắt.
Nếu bệnh nhân cần phải làm việc với máy tính thì cần phải đảm bảo ngồi đúng tư thế thoải mái, giữ mắt cách màn hình máy tính ít nhất 75cm, và điều chỉnh độ sáng thích hợp. Đồng thời khi làm việc cũng cần phải cho đôi mắt được nghỉ ngơi thường xuyên sau mỗi khoảng thời gian làm việc việc tục, nên thực hiện theo chế độ cứ sau 20 phút làm việc thì cho mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây.
Ngoài ra, trong khi làm việc thì người bệnh cũng nên chớp mắt thường xuyên, nhỏ nước mắt nhân tạo để tránh hiện tượng khô mắt.
Nếu cần phải làm việc với giấy tờ, sách báo thì nên thực hiện công việc ở nơi có độ sáng thích hợp để tránh mắt phải điều tiết quá nhiều.
7. Tuân thủ tái khám đúng hẹn
Tái khám sau phẫu thuật cận thị cũng là một nội dung vô cùng quan trọng trong chăm sóc bệnh nhân. Tái khám đúng lịch hẹn sẽ giúp bác sĩ đánh giá được mức độ bình phục của người bệnh, phát hiện sớm các biến chứng hoặc vấn đề bất thường nếu chúng có xảy ra.
Thông thường, bệnh nhân thường sẽ được yêu cầu đi tái khám vào các thời điểm 1 ngày, 1 tuần và 1 tháng ngay sau phẫu thuật cận thị. Nếu không có vấn đề gì bất thường xảy ra, trong khoảng thời gian sau đó lịch tái khám có thể thưa hơn (từ 2-3 lần/ năm).
Nếu trong quá trình theo dõi sau phẫu thuật cận thị mà bệnh nhân có phát hiện bất kỳ bất thường nào như ngứa mắt, cộm mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ,... thì cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được thăm khám kịp thời. Bởi thông thường thì những biểu hiện này tuy rằng thường gặp ngay sau phẫu thuật nhưng hầu hết sẽ tự hết sau khoảng 4-6 tiếng.
Có thể thấy rằng, chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật cận thị đúng cách không phải là một vấn đề đơn giản. Chính vì thế, người bệnh nên tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể, chính xác nhất về chế độ chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật, giúp cuộc phẫu thuật đạt hiệu quả cao nhất và an toàn nhất.