Những điều cần biết về u tuyến vú lành tính

Mai Nhung
04/03/2020 - 15:40
Những điều cần biết về u tuyến vú lành tính
U tuyến vú lành tính là gì? Đây là một hội chứng rất dễ gặp ở nữ giới do sự tăng sinh bất thường của các tế bào tuyến vú hình thành nên các khối u, tùy theo mức độ là chúng có thể gây đau nhức hay chảy dịch, rỉ máu. U tuyến vú lành tính thường không cần điều trị hoặc nếu cần có thể phẫu thuật.

1. U tuyến vú lành tính là gì?

U tuyến vú lành tính là tình trạng các tế bào vú tăng sinh quá mức, tạo nên các khối u. Đây là các rối loạn không ung thư.

Một số khối u nhỏ không thể cảm nhận được. Một số khác đã phát triển, người bệnh có thể sờ nắn thấy nó. Các khối u thường cứng, di chuyển dưới da, hình dạng như những viên bi.

U tuyến vú lành tính có thể gây đau hoặc không, đôi khi nó gây chảy dịch hoặc mủ.

2. Phân loại

- U xơ tuyến vú: Là loại u vú lành tính phổ biến nhất. Nó thường xảy ra ở phụ nữ trẻ, tiền mãn kinh, khoảng 15 - 35 tuổi. U xơ cứng, không đau, di động dưới da. Hầu hết các u xơ tuyến vú không cần điều trị, trừ khi nó phát triển lớn hơn gây khó chịu.

- U nang tuyến vú: Thường xảy ra ở phụ nữ tiền mãn kinh, khoảng 35 - 50 tuổi. Sau khi mãn kinh, u nang xảy ra ít hơn. U nang là những túi nhỏ, có đường kính dưới 10cm, chứa đầy dịch bên trong.

- U sợi tuyến vú: Thường xảy ra ở phụ nữ dưới 30 tuổi. U sợi có hình tròn hoặc phân thùy dạng dài, đường kính khoảng 5cm, di động tương đối. Các khối u cứng và không gây đau.

- U nhú tuyến vú: Thường xảy ra ở phụ nữ khoảng 50 tuổi. Khối u có kích thước nhỏ, chỉ như mụn cóc, mọc theo các ống tuyến gần núm vú. Chúng có thể gây đau, chảy dịch và chảy máu ở núm vú.

3. Dấu hiệu u tuyến vú lành tính là gì?

- Có thể sờ thấy các cục u rắn, tròn và di động ở trong vú. Khối u có thể nổi rõ hoặc làm gồ vùng da lên.

- Kích thước khối u thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Vào ngày hành kinh, các khối u thường to, nhạy cảm và đau hơn.

- Ngực bị khó chịu, đau, hoặc nhạy cảm hơn.

Ảnh 2.

Ngực có thể bị đau, tức và trở nên nhạy cảm hơn (Ảnh: Internet)

- Núm vú có thể rỉ dịch, mủ hoặc máu.

4. Nguyên nhân

4.1. Nguyên nhân gây u tuyến vú lành tính là gì?

Nguyên nhân gây ra u tuyến vú lành tính hiện vẫn chưa được hiểu rõ ràng và chính xác. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, sự kích thích của các hormone nữ estrogen và progesterone khiến cho tổ chức mô liên kết tại vú thay đổi, hình thành nên các khối u.

4.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị u tuyến vú lành tính?

- U tuyến vú lành tính chủ yếu xảy ra ở nữ giới, rất hiếm gặp ở nam giới. Nữ giới 20 - 45 tuổi là có nguy cơ bị u vú cao nhất.

- Những người bị rối loạn nội tiết tố như tiêm hormone, lạm dụng thuốc tránh thai,...

- Người có chế độ sinh hoạt thất thường, hay thức khuya, bị stress kéo dài,.. cũng có thể làm mất cân bằng nội tiết tố, tăng nguy cơ bị u tuyến vú lành tính.

- Bị nhiễm trùng, tổn thương bầu vú và núm vú.

- Có người thân bị u tuyến vú lành tính.

5. Chẩn đoán

5.1. Khám lâm sàng

Việc đầu tiên trong quy trình chẩn đoán u vú là bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng và thăm khám lâm sàng. Khám lâm sàng thường bao gồm:

- Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ngồi hoặc nằm để quan sát bất thường ở ngực. Quan sát hình dạng núm vú, núm vú có bị tụt hay không, vùng da quanh vú có bị gồ dày lên, ửng đỏ hoặc co kéo hay không.

- Kiểm tra bằng tay, sờ nắn ngực để phát hiện khối u. Đồng thời kiểm tra hạch vùng nách có to hay không.

- Bác sĩ cũng có thể bóp quanh núm vú để xem núm vú có bị chảy dịch hoặc mủ hay không.

5.2. Xét nghiệm hình ảnh

Mục đích của các phương pháp xét nghiệm hình ảnh là tìm khối u hoặc những bất thường ở vú trước khi chúng được nhìn hoặc sờ thấy. Đồng thời đánh giá khối u hoặc những bất thường đã được xác định ở bước khám lâm sàng. Xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán u tuyến vú lành tính thường bao gồm:

- Chụp nhũ ảnh: Sử dụng liều bức xạ thấp để kiểm tra bất thường ở ngực. Đây là phương pháp thường dành cho những phụ nữ lớn tuổi bởi đối tượng này có lượng mô mỡ cao, bác sĩ dễ phân biệt mô mỡ với mô bất thường.

- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Thường được thực hiện cùng lúc với chụp nhũ ảnh để tầm soát nguy cơ ung thư. Ảnh chụp MRI cho phép bác sĩ xác định kích thước và số lượng u, cũng như các hạch bạch huyết bất thường.

Ảnh 3.

Chụp MRI ngực để chẩn đoán số lượng và kích thước hạch bất thường (Ảnh: Internet)

- Siêu âm: Thường được chỉ định thực hiện sau khi chụp nhũ ảnh, để cung cấp thêm thông tin về những bất thường được xác định khi chụp nhũ ảnh. Siêu âm cũng giúp phân biệt khối u vú là u rắn (u xơ) hay u lỏng (u nang).

6. Các phương pháp điều trị

Dựa vào từng loại u mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị khác nhau:

- Thông thường, u xơ tuyến vú không cần điều trị, trừ khi nó gây khó chịu hoặc người bệnh lo lắng muốn loại bỏ nó.

- Để điều trị u nang tuyến vú, bác sĩ thường dùng một kim nhỏ để chọc hút dịch ra ngoài. Đôi khi u nang cũng có thể tự biến mất mà không cần can thiệp điều trị.

- Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ thường được áp dụng để điều trị u nhú và u sợi tuyến vú.

Đối với các khối u nhỏ, bác sĩ thường chỉ định sử dụng các thuốc điều hòa nội tiết tố để kiểm soát khối u không tăng thêm về kích thước và số lượng.

Nếu bệnh nhân bị đau thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc giảm đau như acetaminophen. Bệnh nhân cần mặc áo ngực mềm và có đệm nâng hỗ trợ và kiểm tra ngực thường xuyên để hạn chế tiến triển của bệnh.

7. Biến chứng của u tuyến vú lành tính là gì?

Ngoài việc có thể gây khó chịu, đau, chảy dịch hoặc chảy máu thì u tuyến vú lành tính thường không có biến chứng nguy hiểm nào.

Dù hiếm khi xảy ra, nhưng u vú lành tính cũng có nguy cơ chuyển thành u ác tính. Nếu không được kiểm soát tốt, các u tuyến vú lành tính có thể tăng sinh, chuyển thành tế bào ác tính và gây ung thư.

8. Phòng tránh

- Mọi người cần chủ động tự khám vú tại nhà. Theo dõi hình dạng bầu ngực và núm vú có thay đổi hay không, vùng da có gồ dày hoặc lõm xuống không, hai bên ngực có cân xứng không,... Mỗi khi tắm, nên quan sát trước gương, và dùng tay sờ nắn để phát hiện những bất thường sớm nhất.

- Nếu bạn bị rối loạn kinh nguyệt, cần đi khám và có phương pháp can thiệp sớm để điều chỉnh lại nội tiết tố.

- Mặc áo ngực vừa vặn, không quá chật. Chọn những loại áo hỗ trợ nâng đỡ mềm mại như áo ngực thể thao. Khi đi ngủ nên bỏ áo ngực.

- Tập luyện thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, không thức khuya.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.

- Không lạm dụng thuốc tránh thai. Không tự ý sử dụng các thuốc nội tiết.

9. Chế độ dinh dưỡng

9.1. Bị u tuyến vú lành tính nên ăn gì?

- Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ như rau củ quả tươi.

- Ăn các loại thịt trắng như thịt lợn, thịt gà, cá,....

- Các thực phẩm giàu omega 3 như cá hồi, cá thu, hàu, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó,...

- Uống đủ nước mỗi ngày.

9.2. Bị u tuyến vú lành tính nên kiêng gì?

- Không ăn nhiều socola, cà phê và thức ăn giàu chất béo,... bởi chúng khiến các triệu chứng u nhú trầm trọng hơn.

- Tránh các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt chó,....

- Không ăn các loại trứng lộn.

- Tránh xa rượu bia và thuốc lá.

10. Các câu hỏi thường gặp

10.1. U tuyến vú lành tính có nguy hiểm không?

U tuyến vú lành tính không gây nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhân. Do đó, người bệnh không nên quá lo lắng. Nhưng mọi người cần chú ý đi thăm khám định kỳ để kiểm soát và theo dõi sự tiến triển của các khối u, nhằm có biện pháp can thiệp kịp thời nếu có các bất thường xảy ra.

10.2. Có thể chữa khỏi u tuyến vú lành tính không?

Việc điều trị u tuyến vú lành tính khá đơn giản, và có thể chữa khỏi hoàn toàn. Trong nhiều trường hợp, u vú có thể tự biến mất mà không cần can thiệp điều trị.

10.3. Làm sao để biết khối u vú của tôi là lành tính hay ác tính?

Khối u lành tính thường không gây ra các triệu chứng rõ rệt, cũng không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân. Khối u ác tính thường không đồng nhất, không rõ bờ, khó di động, khối u dính vào da hoặc thành ngực, núm vú bị lõm và chảy máu.

Tuy nhiên, để biết chính xác, bệnh nhân cần đến bệnh viện để bác sĩ thực hiện sinh thiết, xác định khối u lành hay ác tính.

10.4. U tuyến vú lành tính có di truyền không?

Đây là tình trạng có nguy cơ di truyền. Do đó, nếu bạn có người thân bị u tuyến vú thì cần cảnh giác, đi thăm khám và tầm soát định kỳ.

10.5. U tuyến vú lành tính có gây đau không?

Tùy vào loại u và kích thước khối u mà các u tuyến vú lành tính có thể gây đau hoặc không. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp u vú lành tính là có gây đau.

10.6. U tuyến vú lành tính có gây ung thư vú không?

Hầu hết các u tuyến vú không có nguy cơ tiến triển thành ung thư vú. Chỉ có 0,08% u tuyến vú chuyển thành ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh nhân không được chủ quan, mà cần kiểm tra và tầm soát định kỳ.

11. Một số hình ảnh về u vú lành tính

what-a-mammograph-can-show

Hình ảnh u tuyến vú không phải ung thư và khối u ung thư vú (Ảnh: Internet)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm