pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều cần lưu ý khi dưỡng da từ quả dứa
Dứa hay còn được gọi là khóm hoặc thơm, là một loại quả nhiệt đới. Dứa có giá trị dinh dưỡng dồi dào, bao gồm: Vitamin C, B6, Mangan, Đồng, Thiamine, Folate, Kali, Magiê, Niacin, Axit pantothenic…
Dứa là thực phẩm hỗ trợ làm đẹp rất tốt, các bạn có thể bổ sung bằng đường ăn uống hoặc có thể sử dụng bã dứa để đắp mặt, dưỡng da. Vậy dùng bã dứa đặp mặt được không? Cần lưu ý những gì khi áp dụng phương pháp làm đẹp từ quả dứa?
1. Dứa rất tốt cho làn da
Dứa có chứa một loại enzyme mạnh gọi là bromelain, chất này mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hơn nữa, các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, bromelain có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn tốt.
Hàm lượng vitamin C trong dứa cũng giúp làn da khỏe mạnh, mịn màng, chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Một cốc dứa có thể cung cấp đến 88% lượng vitamin C mỗi ngày cho cơ thể.
Ngoài ra, vitamin C có trong dứa còn có một số tác dụng khác cho da, cụ thể như:
- Thúc đẩy sản xuất collagen, duy trì độ dẻo cho da
- Ngăn ngừa tổn thương tế bào da do các gốc tự do gây ra. Đây là những hợp chất không ổn định có thể gây hại cho da.
- Hỗ trợ làm lành vết thương. Loại vitamin này có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương bằng cách hỗ trợ sản xuất các tế bào da mới.
- Theo một số nghiên cứu, khi kết hợp siêu enzyme bromelain với axit ascorbic trong dứa giúp giảm vết thâm và làm đều màu da, vitamin C trong dứa còn có tác dụng chống lão hoá hiệu quả.
Các bạn có thể bổ sung dứa vào chế độ ăn uống một cách cân bằng hợp lý như uống nước ép dứa, ăn dứa, nấu canh chua với dứa, ... Ngoài dứa, nên ăn thêm nhiều loại thực phẩm khác như các loại quả mọng, rau xanh, các loại hạt, …
Lưu ý: Những mẹ bầu không nên ăn dứa vì bromelain là chất không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai.
2. Dùng bã dứa đắp mặt được không?
Không chỉ hỗ trợ cải thiện làn da qua đường ăn uống, các bạn có thể dùng dứa làm mặt nạ dưỡng ẩm, làm sáng da. Một số công thức đắp mặt nạ dứa được áp dụng phổ biến:
2.1. Kết hợp dứa với mật ong
Mật ong có tính kháng khuẩn, chống viêm, hỗ trợ trị mụn trứng cá, làm mờ thâm, phục hồi và làm sáng da. Khi kết hợp với bã dứa tạo ra mặt nạ tẩy tế bào chết, dưỡng ẩm, sáng da hiệu quả.
Cách làm:
Đầu tiên, dứa đem gọt vỏ, sau đó loại bỏ sạch sẽ phần mắt dứa rồi xay nhuyễn.
Lọc lấy phần nước, bã vẫn giữ nguyên
Tiếp tục trộn đều mật ong với nước dứa, thoa đều lên mặt. Phần bã giữa có thể đắp lên những vùng da bị nám, thâm, sạm.
Để khoảng 15 phút rồi rửa sạch lại với nước, thoa thêm kem dưỡng ẩm.
2.2. Mặt nạ dứa sữa tươi
Sữa tươi có tác dụng giảm kích ứng, dịu vết bỏng, chứa nhiều vitamin và protein giúp da trở lên mềm mịn, sáng da. Mặt nạ dứa với sữa tươi an toàn và lành tính.
Cách làm:
Dứa đem gọt sạch, bỏ mắt, xay nhuyễn lọc lấy phần nước
Trộn sữa tươi không đường và nước ép dứa (cũng có thể dùng cả bã dứa mà không cần lọc), thoa đều lên mặt.
Giữ trong khoảng 15 phút rồi sau đó rửa sạch với nước. Cuối cùng thêm bước dưỡng ẩm.
2.3. Mặt nạ dứa sữa chua không đường, nước cốt dừa
Nước cốt dừa và sữa chua không đường đều có tác dụng dưỡng ẩm cho da, làm sáng da. Công thức làm mặt nạ dứa với hai nguyên liệu này khá đơn giản.
Cách làm:
Tương tự như các cách trên, dứa đem rửa sạch, gọt vỏ và mắt rồi xay nhuyễn, lọc lấy nước ép hoặc có thể dùng cả bã
Trộn đều các nguyên liệu với nhau rồi thoa lên mặt
Giữ trong khoảng 15 phút rồi rửa sạch, không quên bước dưỡng ẩm.
2.4. Mặt nạ dứa lô hội
Nha đam có rất nhiều tác dụng đối với làn da như làm dịu các vết cháy nắng, dưỡng ẩm, kháng khuẩn, ngừa mụn. Để giúp da trắng sáng, mềm mịn, các bạn có thể sử dụng mặt nạ dứa và lô hội.
Cách làm:
Dứa làm sạch vỏ và mắt và xay nhuyễn lấy phần nước, giữ phần bã.
Nha đam lọc lấy phần gel bên trong rồi cũng đem xay nhuyễn.
Trộn đều hỗn hợp nước ép dứa và gel lô hội đắp lên mặt, sau đó có thể dùng bã dứa đắp lên những vùng da thâm, sạm.
Giữ khoảng 15 phút sau đó rửa sạch, dưỡng ẩm.
3. Lưu ý khi dùng bã dứa để đắp mặt
Mặc dù dùng mặt nạ dứa để dưỡng da hiệu quả, nhưng cần lưu ý một số điều sau để tránh ảnh hưởng đến làn da:
- Bromelain là một loại enzyme mạnh và là nguyên nhân khá phổ biến gây kích ứng da, chẳng hạn như lưỡi hơi sưng hoặc đỏ quanh miệng sau khi ăn dứa. Vì vậy, những ai có làn da nhạy cảm nên cân nhắc khi áp dụng phương pháp này. Để đảm bảo an toàn, các bạn nên thực hiện theo lời khuyên của các bác sĩ da liễu.
- Hầu hết các nghiên cứu về hiệu quả của dứa hoặc bromelain đã sử dụng chiết xuất dứa cô đặc - không phải dứa tươi. Những chất chiết xuất này cung cấp liều lượng bromelain cao hơn nhiều cho da. Vì vậy, khi đắp mặt nạ dứa tươi, da sẽ hấp thụ bromelain hạn chế hơn.
- Mỗi tuần chỉ nên đắp mặt nạ dứa từ 1 đến 2 lần, không nên lạm dụng vì có thể gây mỏng da.
- Sau khi đắp mặt nạ, nên bôi kem chống nắng hoặc che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài, nhất là khi có ánh nắng mặt trời.
- Những trường hợp đang điều trị mụn, gặp tình trạng mụn mủ, mụn viêm nặng không nên dùng các loại mặt nạ từ trái cây, nhất là dứa.
Trên đây là những loại mặt nạ dứa giúp làm da trắng sáng, mịn màng hơn. Tuy nhiên, dứa dễ gây dị ứng nên những người có làn da nhạy cảm, đang điều trị mụn không nên áp dụng phương pháp này.
Nguồn tham khảo: Is Pineapple Good for Your Skin?