pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những điều Gen Z cần lưu ý để có cơ hội việc làm trong kỷ nguyên AI

Các bạn trẻ quan tâm đến cơ hội việc làm thời AI
Chương trình có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, đại diện các doanh nghiệp, các trường phổ thông trung học tại Hà Nội, tổ chức nghề nghiệp và đông đảo phụ huynh, học sinh - là những đối tượng quan tâm đến sự nghiệp học tập và nghề nghiệp trong tương lai.
Gợi mở định hướng nghề nghiệp
Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia, doanh nhân uy tín đã tham gia phiên tọa đàm, chia sẻ về cơ hội nghề nghiệp, kỹ năng cần thiết và xu thế phát triển trong từng chuyên ngành. Những nội dung như chuyển đổi số, marketing đa kênh, quản trị nhân lực thời đại AI, hay phát triển du lịch bền vững đã thu hút sự quan tâm lớn từ sinh viên và phụ huynh.
Để có cơ hội việc làm và thích ứng với môi trường doanh nghiệp, theo TS. Đỗ Tiến Long - Giám đốc Công ty Tư vấn Quản lý OD Click, có 4 yếu tố các bạn trẻ cần lưu ý. Đầu tiên, phải biết không sợ sự thay đổi công nghệ, kinh tế chính trị toàn cầu. Thứ hai là cần khả năng thích nghi với môi trường làm việc bởi lẽ, do sự dịch chuyển trong xã hội, các bạn sinh viên thuộc Gen Z tương đối ngại tương tác với người lớn tuổi hơn. Tuy nhiên trong doanh nghiệp tập hợp 3–4 thế hệ, nếu các bạn trẻ chưa làm quen được với công ty sẽ khó có thể thích nghi. Thứ ba, các bạn trẻ phải sử dụng được công nghệ. Thứ tư là cần có khả năng học hỏi. Có đủ 4 yếu tố đó, lao động thế hệ Gen Z sẽ thích ứng được với môi trường làm việc.
Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Le Group, đại diện CLB Giám đốc Sales và Marketing Việt Nam -chia sẻ thêm về những sự thay đổi nghề nghiệp trong tương lai, với sự phát triển bùng nổ của trí tuệ nhân tạo. Để không bị loại trừ trong cuộc đua với AI, với làn sóng công nghệ, khả năng con người là khả năng đưa ra quyết định, khả năng thấu cảm, truyền tải cảm xúc tới con người thì AI sẽ không thay thế được. Do đó, cơ hội việc làm sẽ đến với những bạn trẻ chuẩn bị sẵn tâm thế học để biến AI trở thành trợ thủ, để hỗ trợ trong công việc, kết nối con người, phục vụ cho cảm xúc của con người.
Nhất trí với quan điểm đó, ông Vũ Trung Hiệp - CEO Vinalink, đại diện CLB Truyền thông Tiếp thị Việt Nam (VMCC) - bổ sung: "AI không thay thế được con người trong việc truyền tải cảm xúc. Lý thuyết nền tảng, khoa học nền tảng mới tạo ra đột phá về công nghệ, còn các xu hướng sẽ đến và đi. Việc sáng tạo của sinh viên thời đại mới cần dựa trên nền tảng, không cần chạy theo chuyên ngành mới, sẽ có năng lực cạnh tranh tốt nhờ nắm vững nền tảng. Bắt đầu từ việc thấu hiểu năng lực của bản thân, hiểu rõ được chính mình thì mới có thể bắt kịp với thời đại liên tục thay đổi hiện nay".

Đại biểu chia sẻ tại tọa đàm định hướng nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ
Những kỹ năng cần trang bị
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Hà Thị Bích Thủy - Giám đốc Nhân sự khu vực miền Bắc, PNJ -nhận định: "Đối với doanh nghiệp, quản trị nhân sự là yêu cầu bắt buộc. Trước đây, doanh nghiệp có thể chỉ cần số lượng nhỏ nhân lực quản lý hồ sơ nhân viên. Hiện nay việc quản lý con người thay đổi trở thành quản trị chiến lược về nhân sự bám sát theo mục tiêu chiến lược kinh doanh của công ty. Sinh viên theo đuổi chuyên ngành nên có mục tiêu từ đầu, đào tạo kỹ năng là cần thiết, yêu cầu biết những kỹ năng như phân tích dữ liệu (data) về nhân sự, sử dụng tốt phầm mềm quản lý nhân sự. Đồng thời truyền thông nội bộ, phát triển thương hiệu doanh nghiệp cũng rất quan trọng".
"Trong hoàn cảnh xã hội luôn luôn vận động, đứng ở góc nhìn doanh nghiệp, sinh viên ngoài việc nắm bắt kiến thức nền tảng, cũng cần phải liên tục làm mới mình, thực hành ứng dụng các công nghệ phổ biến. Việc tìm kiếm mentor - người dẫn dắt trong ngành như thầy cô, anh chị khoá trước đã tốt nghiệp sẽ tạo định hướng rất tốt cho sinh viên", bà Hà Thanh Lụa - Giám đốc Văn phòng MISA Hà Nội, Công ty Cổ phần MISA - tư vấn.
Trước những thông tin chia sẻ, gợi mở định hướng nghề nghiệp các chuyên gia đưa ra, từ phía đơn vị đào tạo, PGS.TS. Phan Chí Anh - Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - nhấn mạnh: "Các bạn trẻ nếu suy nghĩ đi học đại học chỉ để có việc làm thì có thể đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng về lâu dài để có thể phát triển thành một nghề nghiệp thì yêu cầu cần có kiến thức nền tảng dài đến 4 năm trong trường đại học".
Những kiến thức đào tạo từ trong trường đại học sẽ giúp các bạn trẻ sẽ xây dựng triết lý sống, mục đích sống để định hình con người trong tương lai, xây dựng thế mạnh của bản thân và tự tạo được cho mình sứ mệnh tương lai sẽ tìm thấy cho mình vị thế thật sự trong xã hội và lộ trình rõ ràng cho sự nghiệp của mình.
Để trang bị thêm kiến thức cũng như cơ hội cho thế hệ GenZ hành trang vững chắc ngay từ trên ghế nhà trường, tại Hội thảo "Ra mắt các chuyên ngành đào tạo cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh và Định hướng Nghề nghiệp", Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã ra mắt 4 chuyên ngành đào tạo hướng tới thực tiễn và quốc tế hóa. Đó là: Quản trị Marketing, Truyền thông và Thương hiệu; Quản trị Kinh doanh và Phát triển Doanh nghiệp; Quản trị Nhân lực; Quản trị Kinh doanh Khách sạn và Lữ hành