Những điều thú vị chúng ta ít biết về loài chuột

Lam Nguyên (Tổng hợp)
23/01/2020 - 13:05

Những điều thú vị chúng ta ít biết về loài chuột
Nhiều khả năng đặc biệt đến khó tin của loài chuột đang được các nhà nghiên cứu làm rõ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, loài gặm nhấm này thông minh chỉ sau con người và hắc tinh tinh, thậm chí chúng còn có khả năng tiên tri.

Biết hợp tác, giúp đỡ nhau

Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Guelph, Otario, Mỹ, chuột không thể tiếp cận những bài tập nhận thức như phương pháp mà con người áp dụng nhưng chúng luôn thành công theo cách riêng của mình. Vài năm trước, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chuột giống như con người, có khả năng đưa ra quyết định dựa trên những gì chúng biết hoặc không biết. Ngoài ra, các nghiên cứu đã chứng minh rằng chuột có máu buồn, tự ý thức, thậm chí cũng mơ như con người. Chuột được nuôi như thú cưng có mối liên hệ chặt chẽ với người chủ. Chúng có thể học tên chủ, thậm chí còn biết cầu xin để được ra khỏi lồng khi muốn chơi cùng chủ.


Những điều thú vị chúng ta ít biết về loài chuột - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Loài chuột cũng hợp tác, giúp đỡ nhau giống như con người. Nhà nghiên cứu Manon Schweinfurth cho biết: "Kết quả này cho thấy việc tương hỗ không chỉ xảy ra ở con người, mà còn phổ biến ở thế giới loài vật".

Theo một nghiên cứu mới được công bố, chuột tham gia vào hành vi đối ứng, tức là chúng sẽ giúp đỡ lại những con vật đã từng hỗ trợ chúng.Trong các thí nghiệm được thực hiện tại trường Đại học St. Andrews, các nhà nghiên cứu nhận thấy những con chuột có xu hướng chải lông giúp đối tác của mình nếu đối tác chia sẻ thức ăn với chúng. Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học đã đổ một ít nước muối vào cổ của chuột, một phần trên cơ thể mà tự thân nó rất khó tiếp cận, do đó cần phải nhờ một con chuột khác chải lông giúp. Những con chuột thường hành động theo cơ chế chia sẻ thức ăn với bạn của mình để nhờ bạn chải lông cho.


Những điều thú vị chúng ta ít biết về loài chuột - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trước đây, người ta cho rằng hợp tác của con người đòi hỏi sự nhận thức phức tạp và sử dụng nhiều năng lượng của não. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy hành vi đối ứng là không giới hạn bởi kích cỡ hoặc sự phức tạp của não. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ngay cả ong cũng tham gia vào một dạng hành vi đối ứng cơ bản.

Khả năng học hỏi nhau

Nghiên cứu về hệ gene của chuột cho thấy 85% giống hệ gene của người. Chính vì vậy cơ thể chuột dễ giúp các nhà khoa học tìm hiểu hoạt động sinh lý của người. Trong cuốn sách "Loài chuột – bạn trong bóng tối của chúng ta", Michel Daniel cho biết,  khả năng tiếp nhận thông tin của chuột cho thấy hệ thần kinh của chúng rất tinh tế. Loài hắc tinh tinh có đến 98% hệ gene giống người, não của nó phức tạp, phù hợp với cách tư duy phức tạp. Như vậy với tỷ lệ này, chuột được xem là loài thông thái thứ ba chỉ sau con người và hắc tinh tinh. Đây là một phát hiện khoa học thú vị và thực tế đã chứng minh, sự thông minh, nhanh trí hiếm thấy của loài chuột trong một số hoạt động thường nhật.


Những điều thú vị chúng ta ít biết về loài chuột - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Nếu cá voi nổi trội ở ngôn ngữ, thì chuột lại có khả năng học hỏi cao. Trong một thí nghiệm khoa học của trường Đại học Leuven tại Bỉ, các nhà khoa học đã cho tiến hành một cuộc thử nghiệm nhằm so sánh khả năng áp dụng những tri thức mới giữa con người và chuột. Thay vì một chiến thắng áp đảo dành cho con người, kết quả nhận được lại rất bất ngờ khi loài chuột là loài động vật có khả năng vận dụng những tri thức mới nhanh và tốt hơn con người.

Trong thí nghiệm đó, trong khi những người tham gia đang đắm chìm trong những suy nghĩ phức tạp thì loài chuột lại quyết định một cách nhanh chóng dựa trên bản năng và trí nhớ của chúng. Từng có quan niệm rằng loài người là sinh vật thông minh nhất trên hành tinh này và loài chuột sinh ra chỉ để làm vật thí nghiệm cho chúng ta. Nhưng thí nghiệm này đã cho thấy một khía cạnh khác của loài chuột, một loài vật có bộ não chỉ bằng một phần nghìn của con người nhưng lại có thể nghĩ ra phương pháp giải quyết nhanh gọn và đơn giản.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm