pnvnonline@phunuvietnam.vn
Những đổi thay từ khi Phú Bình gắn xây dựng nông thôn mới với sản xuất bền vững
Bê tông hóa các đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm tại huyện Phú Bình
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện về xây dựng huyện Phú Bình đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM), huyện đã ban hành và xây dựng Đề án; thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc thực hiện Đề án; chỉ đạo thực hiện Chương trình NTM từ cấp huyện đến cơ sở.
Trong 10 năm xây dựng NTM, huyện Phú Bình đã triển khai dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Công nghiệp có bước phát triển đột phá; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 5,2%/năm; khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng cao đạt trung bình 46%/năm.
Theo đó, hiện nay, toàn huyện có trên 50 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư đã và đang tiếp tục chọn Phú Bình là điểm đến, đặc biệt là Khu A - Khu công nghiệp Điềm Thụy, nơi đã có hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Hơn 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng gần 8.600 cơ sở sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp và hợp tác xã luôn duy trì hoạt động sản xuất ổn định, tạo việc làm cho trên 20.000 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 22.655 tỷ đồng; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 2.430 tỷ đồng (2021)…
Đến nay, 100% các xã tại huyện Phú Bình có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, hệ thống đường trục xóm, liên xóm, ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được đầu tư trải nhựa hoặc bê tông hóa, cứng hóa. Một số dự án trọng điểm như: Tuyến đường vành đai V kết nối các khu, CCN huyện Phú Bình với đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên và với tỉnh Bắc Giang đã triển khai thực hiện; KCN Điềm Thụy được nâng cấp mở rộng về quy mô; các tuyến đường liên huyện được nâng cấp mở rộng.....Nhờ đó, kết cấu hạ tầng trên địa bàn huyện có nhiều thay đổi vượt bậc, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào huyện, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, đời sống vật chất tinh thân của nhân dân được nâng lên rõ rệt.
Hệ thống lưới điện trung, hạ thế được đầu tư đã phủ kín 100% các xã, xóm trên địa bàn. Hệ thống thủy lợi, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở xã, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, công trình cấp nước tập trung... được quan tâm đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp, ngày càng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả phục vụ nhân dân. Toàn huyện đã bê tông hóa được 700km đường giao thông, xây dựng 158 công trình nhà văn hóa xã, xóm và khu thể thao; 180 công trình thủy lợi; xây mới, sửa chữa, nâng cấp được trên 50 trạm biến áp và 500km đường dây tải điện…
Cùng với việc đầu tư về hạ tầng cơ sở, Phú Bình cũng chú trọng đến việc thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất để góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Theo đó, huyện chú trọng việc phát triển các nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận như: gà đồi Phú Bình, lúa nếp Thầu dầu, thành lập các Hợp tác xã, làng nghề, lựa chọn những cây trồng, vật nuôi chủ lực để hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Ngọ Văn Điền (dân tộc Tày) ở xã Tân Thành, huyện Phú Bình chia sẻ: "Trang trại ấp nở gà nuôi theo mô hình khép kín từ năm 2015 đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, qua đó gia đình tôi đã và đang góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi tại đia phương. Mỗi năm nhà tôi nuôi vạn rưỡi gà, với thương hiệu gà lai chọi Điền Quy gia đình đạt hộ chăn nuôi giỏi thường xuyên được dự các hội nghị mô hình điển hình tiên tiến toàn quốc. Từ khi phát triển mô hình trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng kết hợp ấp nở con giống, ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi chuồng trại khép kín, đời sống gia đình được cải thiện nhiều, cho thu nhập 350 triệu đồng/khẩu/năm."
Những kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư đã và đang đem lại cho huyện Phú Bình một diện mạo mới, trước mắt để hoàn thiện mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022. Đến năm 2025, huyện Phú Bình phấn đấu: Thu nhập bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 4%/năm; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tăng trên 10%/năm; Thu ngân sách trên địa bàn tăng 16%/năm,... góp phần nâng cao đời sống người dân huyện Phú Bình.
Ông Nguyễn Ngô Quyết, Bí thư Huyện ủy Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, huyện Phú Bình đã đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2022 và tiếp tục phấn đấu đưa huyện cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Để thực hiện được mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Phú Bình đã thực hiện nhiều giải pháp chung sức xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phải theo hướng đồng bộ, đạt chất lượng cao và tiêu chuẩn, tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở địa phương phục vụ sản xuất, dân sinh.